Với những thành công trong nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt xứng đáng là dấu son tự hào của ngành hạt nhân Việt Nam trong 40 năm qua và là cơ sở cho việc tiếp nhận Trung tâm mới trong thời gian tới...
Dấu ấn của ngành hạt nhân Việt Nam
Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt là “con chim đầu đàn”, cơ sở nghiên cứu hiện đại đầu tiên của nước ta trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật nguyên tử.
Tiền thân, Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt là Lò phản ứng hạt nhân TRIGA Mark-2, công suất 250kWt, được Chính phủ Mỹ xây dựng tại Đà Lạt năm 1963. Trước ngày 30-4-1975, toàn bộ các thanh nhiên liệu của lò đã được tháo dỡ để chuyển về Mỹ nên lò không còn khả năng hoạt động. Từ năm 1982, Chính phủ Liên Xô (cũ) đã giúp đỡ, khôi phục và mở rộng lò. Đến ngày 20-3-1984, lò phản ứng với tên mới là Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt được đưa vào vận hành với công suất danh định là 500kWt. Thành công này đã mở ra một giai đoạn mới cho ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam nói chung và Viện Nghiên cứu hạt nhân nói riêng.
Tiến sĩ Cao Đông Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) cho biết, 40 năm qua, Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt đã vận hành gần 70 nghìn giờ, phục vụ cho nghiên cứu khoa học, phân tích mẫu, sản xuất đồng vị phóng xạ cho y tế, công nghiệp và đào tạo nguồn nhân lực. Trung bình trong 30 năm đầu, lò phản ứng vận hành khoảng 1,3 nghìn giờ/năm, và tăng lên 3 nghìn giờ/năm trong 10 năm gần đây. Đặc biệt, trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19, lò phản ứng vận hành trên 4,5 nghìn giờ/năm để sản xuất đủ thuốc phóng xạ cho các cơ sở y tế trong nước và hỗ trợ Campuchia.
Nhờ có Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt và nhiều thiết bị khoa học khác, Viện Nghiên cứu hạt nhân đã thu được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao ứng dụng kỹ thuật hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cũng như trong xây dựng tiềm lực về cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ để sẵn sàng tham gia đảm nhận các nhiệm vụ được giao.
Trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng năng lượng nguyên tử vì hòa bình, Viện Nghiên cứu hạt nhân đã nghiên cứu công nghệ và điều chế các chất đồng vị phóng xạ phục vụ chẩn đoán, điều trị bệnh cho người; nghiên cứu chế tạo thiết bị hạt nhân; nghiên cứu phát triển các kỹ thuật phân tích hạt nhân; nghiên cứu quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường trên đất liền và trên biển; nghiên cứu, phát triển và ứng dụng thành công một số kỹ thuật hạt nhân và đồng vị để giải quyết các vấn đề trong thực tiễn (trong dầu khí, sa bồi, xói mòn…); nghiên cứu về công nghệ bức xạ và công nghệ sinh học phục vụ bảo quản lương thực thực phẩm, điều chế các chế phẩm bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học; chọn tạo giống bằng đột biến phóng xạ; nghiên cứu về an toàn bức xạ; xử lý, quản lý thải phóng xạ... Viện cũng đã tạo ra được nhiều sản phẩm, dịch vụ phục vụ cho sự phát triển kinh tế và an sinh xã hội của đất nước.
Tuy có tuổi đời vào loại cao, song Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt được Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đánh giá là lò sử dụng hiệu quả nhất trong các lò phản ứng hạt nhân có công suất thấp trên thế giới. Thời gian tới, Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt vẫn tiếp tục thực hiện sứ mệnh cao cả của mình, duy trì vận hành an toàn và khai thác hiệu quả với đầy đủ các mục tiêu, nhiệm vụ như hiện nay, tối thiểu đến năm 2033 và có thể kéo dài hơn nữa.
Hướng phát triển mới
Nhằm tăng cường cơ sở hạ tầng hạt nhân cho quốc gia, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực khoa học và công nghệ phục vụ cho việc tiếp thu, làm chủ công nghệ hạt nhân, tiến tới nội địa hóa từng phần lò hạt nhân nghiên cứu, Bộ Khoa học và Công nghệ được giao nhiệm vụ hợp tác với Liên bang Nga thực hiện Dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt nhân (CNST), dự kiến đặt tại thành phố Long Khánh (tỉnh Đồng Nai).
Cấu phần chính của Dự án CNST là lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu mới công suất 10MWt (lớn hơn 20 lần Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt), do Liên bang Nga thiết kế, chế tạo và lắp đặt. Đặc biệt, một số hướng nghiên cứu, ứng dụng mới tiềm năng sẽ được thực hiện như: Nghiên cứu sản xuất một số đồng vị phóng xạ mới và nguồn phóng xạ kín dùng trong y tế và công nghiệp; triển khai một số hướng nghiên cứu cơ bản (tán xạ nơtrôn, nhiễu xạ nơtrôn...) cho hướng nghiên cứu khoa học vật liệu; triển khai dịch vụ chiếu xạ pha tạp đơn tinh thể silic để chế tạo vật liệu bán dẫn...
Hiện tại, Bộ Khoa học và Công nghệ đang phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn nhà nước về năng lượng hạt nhân Rosatom (được phía Liên bang Nga giao là đối tác chính thực hiện dự án) trong việc lập báo cáo nghiên cứu khả thi và hồ sơ địa điểm. Hai bên tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện bảo đảm tiến độ, hiệu quả cũng như tuân thủ các quy định của IAEA.
Tiến sĩ Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam được giao xây dựng các nhóm chuyên môn sâu về vật lý lò, thiết kế sử dụng kênh ngang, sản xuất đồng vị phóng xạ trên lò nghiên cứu, nghiên cứu vật liệu, chiếu xạ silic làm bán dẫn, nghiên cứu phân tích kích hoạt, bảo vệ môi trường, an toàn hạt nhân… nhằm chuẩn bị nguồn cán bộ nghiên cứu, ứng dụng khai thác hiệu quả lò nghiên cứu mới, bảo đảm an toàn khi Trung tâm Nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt nhân đi vào hoạt động.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.