(HNM) - Làng Ngọc Than, xã Ngọc Mỹ (Quốc Oai) vốn là một danh hương có truyền thống hiếu học và là làng khoa bảng nổi tiếng ở xứ Đoài với biểu tượng Bút Ngọc - Nghiên Than. Nhưng ít ai biết rằng, ở Ngọc Than còn có làn điệu hát ví cũng nổi danh không kém.
Cụ Bùi Thúc Cát, người duy nhất trong làng Than còn biết hát ví.
"Ví vần như vợ với chồng"
Vừa chớm hè, cái nóng đã hầm hập. Qua Đại lộ Thăng Long, rẽ về Phủ Quốc, con đường làng Ngọc Than như dịu xuống bởi những ngôi nhà mái ngói thâm nâu và hàng cây xanh mát. Chủ tịch UBND xã Ngọc Mỹ Nguyễn Văn Trường vui vẻ giới thiệu: Hát ví có ở nhiều nơi nhưng ở vùng xứ Đoài nói riêng và cả miền Bắc này chắc chỉ quê tôi mới có. Đây là loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian bắt nguồn từ lao động sản xuất. Nội dung ví rất phong phú, bày tỏ nhận thức xã hội, thái độ ứng xử, tình cảm riêng tư, tình yêu đôi lứa…
Theo chỉ dẫn của Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Quý Thuận, chúng tôi tìm đến nhà cụ Bùi Thúc Cát, xóm Trại Mới - người duy nhất trong làng còn biết hát ví. Đã ngoài 90 tuổi, nhưng ánh mắt cụ vẫn sáng lên khi có người hỏi tới điệu hát ví làng Than. Cụ kể: Những năm đầu thế kỷ XX, trai gái làng này vẫn thường hát ví. Vào các tháng hè, trăng thanh, gió mát, trai gái trong làng lại thi hát với nhau. Tháng 8 là làng tổ chức đám Than (lễ hội chính ở làng), đây cũng là dịp để trai gái thi hát ví thâu đêm suốt sáng. Đám Than kéo dài tới nửa tháng trời, thu hút bao trai thanh, gái lịch trong và ngoài làng tìm đến. Những người dân Ngọc Than lớn tuổi vẫn nhớ về một cuộc thi hát "vô tiền khoáng hậu" nổi tiếng Phủ Quốc vào năm 1942 tại buổi khao Chánh Tổng của nhà Hồ ở xóm Trại. Trong cuộc khao, ngoài quan khách nhiều nơi, hàng trăm dân làng đã chứng kiến cuộc thi hát kéo dài 3 ngày 3 đêm giữa bên nam và bên nữ bất phân thắng bại. Kết quả, giải mà ông Chánh Tổng treo vẫn còn nguyên.
Theo cụ Cát, ở Ngọc Than có 2 dạng ví: Ví lẻ và ví có lề lối. Một đêm ví thường có 3 chặng: Ban đầu là chào mời, tiếp đến là ví giao duyên rồi đến ví giã, ví tiễn ra về… Trai, gái làng này có hàng trăm bài ví, câu ví. Mỗi câu ví đều mộc mạc nhưng chứa đựng tình cảm chân chất được cất lên từ tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu gia đình của người Ngọc Than. Kể chuyện với chúng tôi, dường như nhớ lại một thời xuân sắc, cụ Cát cất giọng hát câu ví giã cho khách nghe: Anh về em chẳng cho về/Em nắm lấy áo, em đề bài thơ/Đề cho 3 chữ rành rành/Chữ trung, chữ hiếu, chữ tình là ba/Chữ trung là bác mẹ già/Chữ tình là vợ chồng ta ở đời… Mỗi câu, mỗi chữ đều có vần, có điệu, luyến láy "vần nhau như vợ với chồng".
Hát ví - nguy cơ thất truyền?
Trưởng thôn Ngọc Than Nguyễn Bá Xuân cho hay, Ngọc Than có 751 hộ dân sinh sống tại 13 xóm. Trước kia, hát ví là thứ sinh hoạt văn hóa tinh thần của đại bộ phận người dân nhưng bây giờ thì môn nghệ thuật này gần như không còn đất diễn. Hiện số người biết hát đều vào cái tuổi "xưa nay hiếm". "Ở Ngọc Than giờ còn duy nhất cụ Bùi Thúc Cát là biết hát ví, nhưng cụ cũng đã gần 90 tuổi. Bây giờ, cụ vẫn đủ minh mẫn để kể về hàng chục bài ví, nhưng liệu rằng ở cái tuổi "xưa nay hiếm", người nghệ nhân cuối cùng ấy còn hát được thêm bao năm"? - ông Xuân băn khoăn.
Quả thực, ngoài cụ Cát, làng Ngọc Than giờ chẳng mấy ai còn biết đến hát ví. Ngay cả con, cháu cụ giờ hỏi đến hát ví tất cả đều lắc đầu. "Thỉnh thoảng, lúc cụ tôi vui, tôi vẫn thấy cụ hát, nhưng mà chịu không học được vì còn bận đi làm" - ông Bùi Thúc Chất - con trai cụ Cát cho biết.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quý Thuận, Phó Chủ tịch UBND xã cho hay, hát ví từng là niềm tự hào của người dân Ngọc Than, nó vui cùng bà con hăng say sản xuất, giúp cho tình làng nghĩa xóm thêm bền chặt và răn dạy con người ứng xử văn hóa hơn nên có tác dụng rất tốt trong duy trì nếp sống văn hóa ở địa phương. Vì vậy, chính quyền địa phương đã nghĩ tới việc bảo tồn điệu hát cổ. Cách đây mấy năm, xã đã mời các cụ cao tuổi còn biết về hát ví để thành lập một câu lạc bộ và truyền dạy lại nhưng đến nay vẫn chưa làm được do… còn thiếu kinh phí.
Rời làng Than, chúng tôi cứ miên man suy nghĩ: Hát ví Ngọc Than là vốn quý của nghệ thuật dân gian Việt Nam. Thật buồn khi loại hình nghệ thuật này như đống tro tàn sắp tắt, đòi hỏi công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể phải được thực thi một cách kịp thời và thiết thực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.