Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đâu phải dành cho người lớn

Người Xây Dựng| 20/12/2013 06:33

(HNM) - Đưa bé Thảo My đến trường mầm non, chị Hiền thấy một bà mập mạp bế cháu ngồi đong đưa trên chiếc xích đu ở góc sân. Nhìn sợi dây xích bé bằng cái đũa căng ra vì quá tải, chị Hiền xót xa:


Bà ơi, xích đu dành cho trẻ mẫu giáo, bà ngồi thế nhỡ nó đứt, hai bà cháu ngã ra đấy thì khổ, rồi các cháu lấy gì mà chơi.

Chả ngờ chị bị vặc lại:

- Ôi giời, tôi ngồi có đáng gì. Tối nào mấy đôi tình nhân chẳng đưa nhau ra đánh đu tít mù. Cô có giỏi, tối ra đây mà giữ. Vẽ chuyện. Vừa nói bà ta vừa nguýt dài, tưởng đến... rách mắt.

Biết có "vẽ chuyện" cũng chẳng ăn thua, chị Hiền đành đưa con vào lớp, nhân thể phản ánh nỗi bức xúc của mình với các cô giáo.

Tình trạng người lớn chiếm chỗ chơi của trẻ không chỉ xảy ra tại Trường Mầm non Hoàng Quốc Việt (đường Nguyễn Khánh Toàn, quận Cầu Giấy). Ở Công viên Nghĩa Đô cũng có một khu vui chơi, biển nội qui ghi rõ "Dành riêng cho trẻ dưới 15 tuổi" nhưng luôn có người lớn vào giải trí. Quá là tội nghiệp cho những vật dụng vui chơi nơi đây, bởi chúng được sinh ra với mục đích chuyên dành cho con trẻ, nhưng lại phải "căng sức" thỏa mãn nhu cầu giải trí của một số phụ huynh... Ở nhiều công viên, vườn hoa, điểm vui chơi công cộng khác trong thành phố, tình trạng cũng tương tự. Những nơi này thường xuyên có lực lượng bảo vệ, nhưng rất ít khi thấy họ nhắc nhở, chấn chỉnh sai phạm.

Nghe chị Hiền kể chuyện, Người Xây Dựng trộm nghĩ, chính quyền các địa phương, ban quản lý các khu vui chơi, ban giám hiệu các trường mầm non… cần quan tâm hơn đến công tác bảo quản, giữ gìn tài sản công, cho trẻ em có nơi vui chơi, phát triển lành mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đâu phải dành cho người lớn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.