Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố, đợt bùng phát đậu mùa khỉ ở Congo và nhiều quốc gia châu Phi khác là tình trạng khẩn cấp toàn cầu, đòi hỏi phải hành động nhanh chóng để ngăn đà lây lan của vi rút.
Sau tuyên bố của WHO, Thụy Điển xác nhận đã phát hiện một khách du lịch là trường hợp đầu tiên mắc một dạng bệnh đậu mùa khỉ, trước đây chỉ xuất hiện ở châu Phi. Các cơ quan y tế khác ở châu Âu cũng cảnh báo về khả năng sẽ phát hiện thêm nhiều ca bệnh nhập cảnh trong thời gian tới.
Dù đang gây nhiều lo ngại với những diễn biến phức tạp, đậu mùa khỉ vẫn khó có nguy cơ bùng phát thành đại dịch toàn cầu. Các đại dịch, bao gồm Covid-19 gần đây nhất, thường do các loại vi rút có khả năng lây lan nhanh trong không khí gây ra, hoặc thông qua những người không có biểu hiện triệu chứng.
Theo AP, đậu mùa khỉ lây lan chủ yếu qua tiếp xúc trực tiếp với người bị nhiễm bệnh hoặc tiếp xúc với vật dụng của người bệnh như quần áo hoặc ga trải giường. Bệnh thường gây ra những tổn thương trên da có thể quan sát bằng mắt thường. Đây là yếu tố dễ gây chú ý, từ đó ngăn ngừa nguy cơ tiếp xúc với người bệnh.
Để bảo đảm an toàn, các chuyên gia y tế khuyến cáo nên tránh tiếp xúc gần với những người có tổn thương da giống đậu mùa khỉ, không dùng chung đồ dùng, quần áo hoặc ga trải giường và giữ vệ sinh sạch sẽ, như rửa tay thường xuyên.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) nhận định, có thể sẽ ghi nhận thêm nhiều ca mắc đậu mùa khỉ nhập cảnh từ châu Phi, nhưng khả năng bùng phát dịch ở châu lục này là rất thấp. Các nhà khoa học đánh giá, nguy cơ đối với người dân nói chung ở những quốc gia không có dịch đậu mùa khỉ cũng thấp.
Không giống như Covid-19, đậu mùa khỉ lây lan rất chậm. Khi WHO tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu vào tháng 3-2020, thế giới đã ghi nhận hơn 126.000 ca nhiễm và 4.600 ca tử vong, khoảng 3 tháng sau khi loại vi rút này lần đầu tiên được phát hiện. Ngược lại, phải đến năm 2022, số ca mắc đậu mùa khỉ mới đạt gần 100.000 ca trên toàn cầu, với khoảng 200 trường hợp tử vong.
Khác với những ngày đầu của đại dịch Covid-19, thế giới hiện đã có vắc xin và phương pháp điều trị đậu mùa khỉ.
“Đây không phải tình huống tương tự chúng tôi phải đối mặt trong giai đoạn đầu của Covid-19 do không có vắc xin và thuốc kháng vi rút. Chúng tôi có những gì cần thiết để ngăn chặn đậu mùa khỉ”, Tiến sĩ Chris Beyrer, Giám đốc Viện Y tế toàn cầu thuộc Đại học Duke cho biết.
Đợt bùng phát đậu mùa khỉ năm 2022 tại hơn 70 quốc gia đã chậm lại trong vòng vài tháng, phần lớn nhờ các chương trình tiêm chủng và cung cấp thuốc cho nhóm dân số có nguy cơ ở các quốc gia giàu có.
Hiện tại, phần lớn trường hợp mắc đậu mùa khỉ được ghi nhận tại châu Phi. Congo, một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới với hệ thống y tế hầu như đã sụp đổ, chiếm tới 96% số ca mắc và tử vong. Chính phủ quốc gia này đã đề nghị cấp 4 triệu liều vắc xin nhưng đến nay vẫn chưa nhận được.
Dù WHO từng tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp toàn cầu vào năm 2022, nhưng châu Phi đến nay hầu như vẫn không có vắc xin hoặc phương pháp điều trị cụ thể. Tiến sĩ Chris Beyrer cho rằng, việc dập tắt các đợt bùng phát bệnh ở châu Phi ngay bây giờ sẽ mang lại lợi ích cho thế giới.
“Trên thực tế, chúng ta đang ở vị thế tốt để kiểm soát dịch bệnh này nhưng phải đưa ra quyết định ưu tiên cho châu Phi”, ông nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.