(HNM) - Biểu tình và bạo loạn ở Libya bắt đầu từ ngày 15-2, tại Benghazi, thành phố miền Đông nước này. Người biểu tình đòi Tổng thống Muammar Gaddafi, người nắm quyền ở quốc gia Bắc Phi, từ năm 1969, từ chức. Lo sợ giống như hiệu ứng Domino như "Cách mạng hoa nhài" ở Tunisia, hay Ai Cập, ngay từ những ngày biểu tình đầu tiên, chính quyền đã mạnh tay với những người chống đối với hy vọng sớm ổn định an ninh trật tự.
Nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới đã lên án ông Gaddafi sau các hành động quân sự. Một số quan chức chính quyền Libya quay sang ủng hộ lực lượng biểu tình đã biến thành lực lượng nổi dậy lật đổ nhà lãnh đạo M.Gaddafi.
Quyết giành lại quyền kiểm soát các khu vực bị chiếm giữ, chính quyền Libya đã sử dụng không quân kết hợp với lực lượng mặt đất tấn công lực lượng nổi dậy. Cuộc xung đột vũ trang giữa quân đội chính phủ và lực lượng nổi dậy chống chính quyền đã dần biến thành một cuộc nội chiến. Cuộc khủng hoảng Libya khiến một số quốc gia phương Tây tính tới giải pháp can thiệp vũ trang để giải quyết. Nhiều nước có lợi ích tại Libya đã đưa tàu chiến và máy bay đến sát biên giới và bờ biển Libya để hỗ trợ và sơ tán các công dân tại Libya và sẵn sàng cho một hành động quân sự.
Hành động quân sự của chính quyền Tripoli cũng đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Ngày 26-2, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết áp đặt lệnh trừng phạt Libya, gồm lệnh cấm vận vũ khí đối với chính quyền Libya và lệnh cấm đi lại cũng như đóng băng tài sản đối với ông Gaddafi và các thành viên chủ chốt của gia đình ông. Ngày 1-3, phiên họp 65 của Đại hội đồng LHQ đã thông qua nghị quyết đình chỉ quyền thành viên của Libya trong Hội đồng nhân quyền LHQ. Ngày 17-3, HĐBA LHQ thông qua Nghị quyết số 1973 áp đặt vùng cấm bay ở Libya và cho phép "sử dụng các biện pháp cần thiết" nhằm bảo vệ thường dân. Nhằm thực thi Nghị quyết 1973, ngày 19-3, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) được sự ủng hộ của Mỹ và đi đầu là Pháp đã khai hỏa tấn công Libya.
Ngày 5-5, hơn 20 quốc gia gồm Pháp, Anh, Hoa Kỳ, Italia, Qatar cũng như đại diện của Liên đoàn Arab và Liên minh châu Phi đã tiến hành nhóm họp ở Rome bàn về vấn đề Libya. Sau cuộc họp Mỹ, Anh, Pháp, Italia, Qatar, Kuwait và Jordan đã thống nhất thành lập quỹ để hỗ trợ cho lực lượng nổi dậy tại nước này. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton thông báo việc Washington mở khóa tài khoản 30 tỷ USD để hỗ trợ một phần cho lực lượng nổi dậy, với mục đích chủ yếu là hỗ trợ nhân đạo. Trong thời gian này, một số quốc gia đã công nhận Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp (NTC), đại diện của phe nổi dậy.
Ngay sau khi Nga đề nghị ông M.Gaddafi từ chức, ngày 27-5, các hoạt động ngoại giao sau đó đã tăng sức ép lên chính quyền của ông Gaddafi. Ngày 27-6, Tòa án hình sự quốc tế ban hành lệnh bắt ông Gaddafi với cáo buộc phạm tội ác chống lại loài người. Anh trục xuất các nhà ngoại giao của chính quyền Libya; đồng thời công nhận tính hợp pháp của phe nổi dậy.
Tổn thất lớn đối với NTC là việc Tư lệnh quân đội của lực lượng nổi dậy, tướng Abdel Fattah Younes, cựu Bộ trưởng Nội vụ trong chính quyền Gaddafi bị sát hại ngày 28-7. Tuy nhiên, sau đó, với sự hỗ trợ phương tiện khí tài cũng như các cuộc oanh kích dọn đường của NATO, quân nổi dậy Libya đã tổ chức phản công. Ngày 14-8, lực lượng nổi dậy tuyên bố chiếm được thị trấn Zawiyah, cửa ngõ Tripoli và phong tỏa đường cao tốc ven biển, con đường tiếp tế quan trọng nối Tunisia và Tripoli. Gần một tuần sau, quân nổi dậy tuyên bố chiếm được thị trấn Zlitan và kiểm soát hầu hết các thành phố ở phía Tây Tripoli. Ngày 21-8, quân nổi dậy Libya mở cuộc tổng tấn công thủ đô Tripoli. Đêm 23-8, sau nhiều đợt giao tranh ác liệt, quân nổi dậy đã tiến vào dinh thự Bab Al-Aziziyah, biểu tượng quyền lực của ông Gaddafi và tuyên bố giành chiến thắng trong trận chiến ở Tripoli. Nhưng đến hôm nay (26-8) và trong nhiều ngày tới, cuộc chiến Libya vẫn chưa chấm dứt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.