(HNM) - Trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm, tại khoa Nhi của các bệnh viện (BV) trên địa bàn Hà Nội, tỷ lệ trẻ sốt cao, sốt virus thường chiếm khoảng 25-30% tổng số trẻ đến khám bệnh. Điều đáng bàn là hiện tượng lạm dụng thuốc kháng sinh để trị bệnh cho trẻ đã gây ra tình trạng kháng thuốc vô cùng nguy hại.
Không tùy tiện dùng kháng sinh
Thấy con sốt cao hơn 39 độ C, chị Nguyễn Thanh Hà (Long Biên, Hà Nội) đã tìm đến hiệu thuốc, trình bày các triệu chứng bệnh của con với nhân viên tại đây. Vì cho rằng cháu bé bị sốt do viêm họng, nhân viên bán thuốc đã kê cho con chị một loại kháng sinh của Ấn Độ kèm thuốc chống viêm. Thế nhưng, bệnh nhi uống thuốc đến ngày thứ 4 vẫn không khỏi nên chị Hà mới cho con vào viện khám. Sau khi làm các xét nghiệm, bác sĩ kết luận cháu bị sốt virus, men gan tăng cao…
Khám chữa bệnh cho trẻ tại Bệnh viện Nhi trung ương. |
Nghiên cứu của Tổ chức Y tế giới (WHO) mới đây tại Việt Nam cho thấy, trong số 10 loại thuốc được dùng phổ biến thì tỷ lệ dùng kháng sinh là cao nhất. Còn qua khảo sát việc bán thuốc kháng sinh tại các hiệu thuốc ở khu vực nông thôn và thành thị thuộc các tỉnh phía Bắc của Bộ Y tế cho kết quả, trong tổng số gần 3.000 nhà thuốc, 24% nhà thuốc ở thành thị và 29,5% nhà thuốc ở nông thôn có đơn thuốc kê kháng sinh. Kháng sinh đóng góp 13,4% (ở thành thị) và 18,7% (ở nông thôn) trong tổng doanh thu của hiệu thuốc và 3 loại kháng sinh được bán nhiều nhất gồm ampicillin/ammoxicilin, cephalexin và azithromycin. Điều đáng nói là phần lớn kháng sinh được bán ra dù không có đơn (chiếm 88% ở thành thị và 91% ở nông thôn), tỷ lệ người tự ý mua kháng sinh (không cần đơn của bác sĩ) để điều trị ho ở thành thị cũng lên đến 32%.
Trước thực trạng trên, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) khẳng định, việc dùng kháng sinh tùy tiện sẽ tạo điều kiện cho các vi khuẩn đột biến gen, kháng lại thuốc. Do đó, ở những lần bị bệnh tiếp theo, người bệnh sẽ dễ bị vi khuẩn kháng thuốc này tấn công và phải dùng phác đồ khác để điều trị. Điều này đồng nghĩa với việc thời gian nằm viện sẽ kéo dài, tốn kém tiền bạc và làm tăng nguy cơ bội nhiễm trong BV. Thực tế này cũng lý giải cho thói quen tự ý mua kháng sinh và "bắt chước" theo đơn thuốc của những lần bị bệnh trước để chữa trị cho con (nhưng không khỏi bệnh) của nhiều vị phụ huynh.
Chung tay chống kháng thuốc
Việc "kết tội" các bà mẹ không làm các chuyên gia y tế cũng như người dân quên đi thiếu sót trong việc kê thuốc kháng sinh tùy tiện của một số bác sĩ. Chị Thu Hằng (ở Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình) cho biết: "Không biết có phải do có quá đông bệnh nhân hay không mà mỗi lần tôi đưa con đến khám tại các phòng khám tư, bác sĩ chẳng cần hỏi trẻ có tiền sử bệnh gì, đã sử dụng thuốc gì, cứ thế kê kháng sinh. Nếu 5 ngày đến 1 tuần không đỡ, bác sĩ lại cho thêm một liều kháng sinh nữa hoặc chuyển sang loại kháng sinh khác mạnh hơn".
Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, sự lạm dụng kháng sinh không chỉ có ở phía người dân, mà còn có thể thấy từ phía y, bác sĩ. Chẳng hạn, với một bệnh đơn giản là viêm họng (ở cả người lớn và trẻ em), bác sĩ cần xác định bệnh do virus hay vi khuẩn qua các triệu chứng lâm sàng để kê đơn cho hợp lý. Nếu ho do virus thì có kèm đau mắt, chảy mũi, ho, còn ho do vi khuẩn liên cầu thì sẽ xuất hiện hiện tượng sưng đau hạch cổ, xuất tiết ở họng. Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều trẻ chỉ bị viêm họng, ho do virus nhưng vẫn được chỉ định dùng kháng sinh.
Bác sĩ Nguyễn Văn Thường, Trưởng khoa Nhi tổng hợp (BV Đa khoa Xanh Pôn) đưa ra khuyến cáo, nắng nóng khiến trẻ dễ mắc các bệnh như tiêu chảy, nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính..., đặc biệt là tình trạng bệnh nhi sốt cao rất khó hạ sốt. Nếu trẻ được chẩn đoán là sốt virus thì không cần dùng kháng sinh để điều trị. Nếu sốt virus thông thường, trẻ sẽ khỏi sau 5-7 ngày. Sử dụng kháng sinh không làm rút ngắn thời gian bị bệnh bởi kháng sinh chỉ có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn chứ không thể tiêu diệt virus. Tuy nhiên, nếu trẻ đi khám, được chẩn đoán là sốt virus mà sau 2-3 ngày điều trị vẫn không đỡ sốt hoặc có những triệu chứng bất thường như nôn, đau đầu, mệt mỏi, li bì, bỏ ăn... thì gia đình nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để khám lại chứ tuyệt đối không được tự ý dùng kháng sinh. Việc dùng kháng sinh "thừa" rất nguy hiểm, khiến bệnh có thể có những biến chứng trầm trọng hơn.
Các chuyên gia y tế cũng cho rằng, hiện nay, kháng sinh không chỉ được sử dụng cho con người, mà còn được sử dụng phổ biến trong chăn nuôi - điều trị vật nuôi khi bị ốm, điều trị dự phòng, kích thích tăng trưởng…Việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi dễ gây kháng thuốc ở người.
Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2013 cho thấy, có đến 45 loại kháng sinh được người nông dân sử dụng điều trị, dự phòng và thúc đẩy tăng trưởng chăn nuôi. Cuối tháng 6 vừa qua, lần đầu tiên bốn Bộ (Y tế, NN&PTNT, Công thương, TN&MT) cùng các tổ chức quốc tế như WHO, FAO... đã ký văn bản thỏa thuận về phối hợp hành động để phòng, chống kháng thuốc tại nước ta. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cảnh báo, mức độ và tốc độ kháng thuốc ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, ngày càng gia tăng và đã ở mức báo động. Nếu không có các giải pháp ngay từ bây giờ thì trong tương lai, nhiều bệnh nhiễm khuẩn có thể không điều trị được. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.