Doanh nghiệp

Petrovietnam: Biến áp lực thành động lực tăng trưởng

Hồng Anh 14/10/2023 - 06:59

Mặc dù đạt được nhiều kết quả sản xuất, kinh doanh rất tích cực, đóng góp quan trọng cho nền kinh tế và an ninh năng lượng quốc gia, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) tiếp tục đặt ra các mục tiêu áp lực cao trong 3 tháng cuối năm 2023. Tập đoàn khẳng định kiên định phương châm quản trị là bảo đảm sự phát triển và tăng trưởng bền vững, dài hạn.

dau-khi.jpg
Kỹ sư Công ty Điều hành dầu khí Biển Đông bảo dưỡng thiết bị trên giàn khoan Hải Thạch.

Hoàn thiện cấu trúc, mô hình quản trị

Hơn 3/4 chặng đường của năm 2023 đã trôi qua, thời gian còn lại không nhiều cho những nỗ lực thực hiện kế hoạch năm của doanh nghiệp, đặc biệt là với mục tiêu tăng trưởng rất "thách thức" mà Petrovietnam đặt ra ngay từ đầu năm trên nền rất cao của kết quả sản xuất kinh doanh năm 2022.

Tại cuộc họp giao ban thường kỳ tháng 10, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng cùng các lãnh đạo tập đoàn và các đơn vị thành viên đã tập trung phân tích tình hình vĩ mô, thị trường, nhận định các khó khăn, vướng mắc nảy sinh. Tập thể lãnh đạo Tập đoàn đã đề ra các giải pháp tháo gỡ nút thắt để tổ chức triển khai hoàn thành nhiệm vụ với kết quả cao nhất, bám sát kịch bản điều hành kinh tế của Chính phủ, trong đó đặc biệt là chính sách tiền tệ, tài khóa và vấn đề liên quan đến thị trường.

Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng nhiều lần chia sẻ, đặt mục tiêu tăng trưởng không phải vì thành tích. Đó là cách để tạo áp lực đổi mới, hoàn thiện cấu trúc, mô hình quản trị, phát huy tối đa nguồn lực, mang lại giá trị gia tăng cao hơn cũng như tạo động lực phát triển và tăng khả năng chống chọi với khủng hoảng.

Theo đó, tập đoàn tập trung cho công tác sản xuất, bảo đảm an toàn, nâng cao sản lượng khai thác để bù đắp phần bị suy giảm, thiếu hụt; tích cực công tác phát triển mỏ, sớm đưa các công trình vào khai thác, gia tăng trữ lượng. Các đơn vị tăng cường kiểm soát vận hành, duy trì độ khả dụng, công suất cao của các nhà máy, đồng thời tích cực đầu tư, đổi mới mô hình kinh doanh, tận dụng các cơ hội thị trường để tăng doanh thu.

Ngoài ra, tập đoàn chú trọng điều chỉnh cơ cấu các sản phẩm xăng dầu phù hợp với nhu cầu thị trường; cập nhật lại chiến lược cho khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) gồm cả đầu tư và kinh doanh, thúc đẩy mở rộng thị phần phân phối sản phẩm trong khâu hạ nguồn. Các đơn vị quản lý vốn, dòng tiền, phân tích, đánh giá chất lượng doanh thu, lợi nhuận và kiểm soát các rủi ro tài chính, đặc biệt là biến động tỷ giá; tập trung hoàn thiện các cơ chế chính sách để tạo điều kiện cũng như hạn chế các rủi ro trong sản xuất kinh doanh và đầu tư…

Đầu tư ra nước ngoài đạt hiệu quả

Năm 2022, Việt Nam thu về 1,9 tỷ USD lợi nhuận từ các dự án đầu tư nước ngoài. Trong đó, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) tiếp tục dẫn đầu với số lợi nhuận đạt hơn 1,1 tỷ USD.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa thay mặt Chính phủ gửi báo cáo tới Quốc hội về tình hình hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2022. Theo báo cáo, tính đến ngày 31-12-2022, có 30 doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước của Việt Nam thực hiện đầu tư ra nước ngoài.

Trong tổng số hơn 6,6 tỷ USD các doanh nghiệp nhà nước đầu tư ra nước ngoài, thì Petrovietnam chiếm 60,8% (4 tỷ USD) số vốn. Về tình hình thu hồi vốn đầu tư ra nước ngoài, báo cáo cho biết, lũy kế đến ngày 31-12-2022, có 72 dự án đầu tư ra nước ngoài của 16 doanh nghiệp đã phát sinh các khoản thu hồi với tổng số tiền lũy kế hơn 4 tỷ USD, trong đó có 1,9 tỷ USD lợi nhuận được chuyển về nước.

Đáng chú ý, Petrovietnam là doanh nghiệp có số tiền thu hồi lớn nhất với 2,9 tỷ USD, chiếm 71,09% tổng số tiền đã thu hồi của khối doanh nghiệp có vốn nhà nước. Số này đã bao gồm lợi nhuận chuyển về nước là hơn 1,1 tỷ USD. Thu gốc và lãi vay từ cho vay cổ đông là 549,12 triệu USD; thu hồi khác 1.171,63 triệu USD.

Đánh giá về kết quả sản xuất kinh doanh của các dự án đầu tư ra nước ngoài, báo cáo của Chính phủ nhận định nhiều dự án có sự chuyển biến tích cực về doanh thu, tuy nhiên lợi nhuận vẫn giảm do chưa sử dụng chi phí hiệu quả. Trong đó, dự án thăm dò khai thác dầu khí 4 lô tại Nhenhexky (Nga) của Petrovietnam là một trong số ít các dự án được đánh giá mang lại hiệu quả cao, doanh thu tốt, vốn thu hồi lớn hơn số tiền đầu tư.

Được biết, Liên doanh Rusvietpetro giữa Petrovietnam và Zarubezhneft đang thực hiện các hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển khai thác tại 13 mỏ dầu thuộc 4 lô tại khu tự trị Nhenhexky, có trữ lượng địa chất và trữ lượng thu hồi dầu lần lượt khoảng 244 triệu tấn và 96 triệu tấn. Kể từ khi thành lập vào năm 2008, hoạt động của Rusvietpetro đã đạt nhiều kết quả tích cực, được đánh giá là một trong những liên doanh có hiệu quả nhất của Petrovietnam ở nước ngoài cho đến nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Petrovietnam: Biến áp lực thành động lực tăng trưởng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.