Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dấu hiệu bạn bị xuất huyết tiêu hóa

Theo Phạm Minh| 15/12/2014 14:31

Xuất huyết tiêu hoá (XHTH) là tình trạng máu chảy ra khỏi lòng mạch của đường tiêu hoá, vào trong ống tiêu hoá. Biểu hiện lâm sàng là nôn ra máu, đi ngoài phân đen.

Xác định vị trí chảy máu rất quan trọng. Có nhiều bệnh lý khác nhau gây xuất huyết ở đường tiêu hóa .

Các yếu tố thuận lợi đưa tới xuất huyết tiêu hóa
- Cảm cúm.
- Dùng một số thuốc: aspirin, NSAIDs, corticoid…
- Chấn động mạnh tinh thần: quá bực tức, quá lo nghĩ…



Dấu hiệu xuất huyết đường tiêu hóa

Các dấu hiệu của xuất huyết đường tiêu hóa phụ thuộc vào vị trí và độ trầm trọng của chảy

Dấu hiệu báo trước

- Đau vùng thượng vị dữ dội, đột ngột hơn mọi ngày, nhất là ở bệnh nhân có loét dạ dày, tá tràng.
- Cảm giác cồn cào, nóng rát, mệt lả sau uống aspirin hoặc corticoid…
- Khi thời tiết thay đổi (từ nóng sang lạnh, hoặc từ lạnh sang nóng), sau gắng sức tự nhiên thấy: chóng mặt, hoa mắt, mệt mỏi, thoáng ngất, lợm giọng, buồn nôn và nôn.
- Bệnh nhân đang trong đợt viêm nhiễm đường mật cấp.

Biểu hiện của xuất huyết tiêu hóa

Nôn máu: là lý do khiến bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu. Tuỳ theo vị trí máu chảy và mức độ chảy máu mà tính chất của chất nôn khác nhau.
- Số lượng từ vài chục ml đến hàng lít.
- Màu sắc: có thể từ đỏ tươi, màu hồng lẫn dịch tiêu hoá hoặc màu nâu sẫm.
- Tính chất máu nôn ra có thể máu tươi ra ngoài mới đông, có thể thành cục (bằng hạt ngô, hạt lạc), có thể chỉ là các gợn đen như hạt tấm lẫn với thức ăn hoặc dịch nhầy.

Đi ngoài phân đen: là lý do bệnh nhân đi khám hoặc vào viện cấp cứu.

- Khi lượng máu chảy vào ống tiêu hoá từ 60 ml trở lên, phân bắt đầu có màu đen,
- Khi máu chảy số lượng nhiều phân có màu đen bóng, nhão, khắm.
- Khi một lượng máu lớn, chảy ồ ạt vào lòng ống tiêu hoá, phân có thể ngả sang màu đỏ
- Khi máu ngừng chảy, phân số lượng ít đi, thành khuôn và màu sắc dần dần trở về màu vàng. Phân vàng là một tiêu chuẩn lâm sàng khẳng định chắc chắn máu đã ngừng chảy.

Các dấu hiệu khác:

- Hoa mắt, chóng mặt, lo sợ.
- Mệt lịm, có khi vật vã.
- Thở nhanh, vã mồ hôi.
- Đái ít, có khi vô niệu.

Nếu nặng có thể có sốc
- Tình trạng lơ mơ, lạnh các đầu chi, vã mồ hôi.
- Mạch nhanh, nhỏ khó bắt, huyết áp tụt dưới 80 mmHg.

Xuất huyết nhẹ kéo dài được gọi là xuất huyết mãn tính. Nếu xuất huyết mãn tính, người bệnh có thể mệt mỏi, ngủ lịm và khó thở tăng dần. Mất máu mạn tính có thể gây thiếu máu

Nguyên nhân gây xuất huyết đường tiêu hóa

Nhiều bệnh lý có thể gây xuất huyết đường tiêu hóa.

Loét dạ dày : Nhiễm Helicobacter pylori (H.pylori) và dùng thuốc kháng viêm nonsteroid lâu dài như aspirin và ibuprofen là những nguyên nhân thường gặp của loét dạ dày.

Vỡ tĩnh mạch thực quản: xơ gan là nguyên nhân hay gặp của vỡ tĩnh mạch thực quản.

Hội chứng Mallory- Weiss : do nôn nhiều, gây rách niêm mạc của thực quản thường hoặc tăng áp lực trong bụng do ho, thoát vị, hay bẩm sinh cũng có thể gây rách.

Viêm dạ dày: NSAIDs và các thuốc khác, nhiễm khuẩn, bệnh Crohn, chấn thương

U lành tính và ung thư : Những khối u lành tính và ung thư ở thực quản, dạ dày, hay tá tràng có thể gây xuất huyết.

Các nguyên nhân ít gặp: do suy gan, bệnh máu, suy thận, sau chấn thương, sau bỏng nặng, nhiễm khuẩn huyết.

Đa số bệnh nhân tới viện vì các triệu chứng nôn ra máu và đi ngoài phân đen, thường là mất máu mức độ vừa tới nặng, thậm chí nhiều trường hợp vào viện trong tình trạng cấp cứu. Tuy vậy ngay cả khi không có bằng chứng xuất huyết, bệnh nhân chỉ có các triệu chứng như đau bụng vùng thượng vị, hoặc đau bụng khi dùng các thuốc có hại cho dạ dày, hoặc bệnh nhân xanh xao, hoa mắt, chóng mặt... cũng cần đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Phòng bệnh cần không uống rượu bia và hút thuốc, không dùng các thuốc và thức ăn có hại cho dạ dày, nên ăn tăng cường chất xơ và rau quả. Trong đợt xuất huyết cần dùng các thức ăn mềm, ăn thành nhiều bữa trong ngày. Trường hợp của bạn cần đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dấu hiệu bạn bị xuất huyết tiêu hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.