(HNM) - Vài năm trở lại đây, qua các phiên đấu giá quyền sử dụng đất, quận Hà Đông luôn đóng góp 20-30% tổng thu từ đấu giá đất của toàn thành phố...
Một phiên đấu giá đất tại quận Hà Đông. Ảnh: Tuấn Lương |
Căng thẳng phiên đấu giá
Từ khoảng 3 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm, Chi nhánh Phát triển quỹ đất (PTQĐ) Hà Đông tổ chức khoảng chục phiên ĐGQSDĐ. Phiên nào cũng thu hút đông đảo khách hàng. Phiên đấu giá gần nhất diễn ra vào ngày 14-5 với 37 thửa đất thuộc khu tái định cư Dương Nội và Kiến Hưng thu hút khoảng 150 hồ sơ đấu giá. Phòng đấu giá yên tĩnh đến độ chỉ nghe thấy tiếng thở và tiếng quạt trần. Người đấu giá không thể nói chuyện hoặc trao đổi điện thoại, bởi phải chịu sự kiểm soát từ Ban tổ chức (BTC) gồm Chi nhánh PTQĐ Hà Đông và Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản (Sở Tư pháp Hà Nội). Ngoài ra còn có lực lượng công an bảo đảm an ninh trật tự, chống thông thầu… Ngoài sân, hàng trăm người theo dõi phiên đấu giá qua loa phát thanh...
Sau khi tất cả đã bỏ phiếu đấu giá vào thùng, một người tham gia đấu giá được mời lên giám sát khi đại diện BTC công bố các mức bỏ giá. Khán phòng bắt đầu sôi động. Lần lượt những mức giá bỏ được BTC công bố. "Mã số… bỏ giá 45 triệu đồng/m2", "mã số… bỏ giá 52 triệu đồng/m2", "mã số… bỏ giá 63 triệu đồng/m2". Cứ mỗi khi có ai đó bỏ mức giá cao ngoài mong đợi, trong hội trường cũng như ngoài sân, tiếng ồ, tiếng vỗ tay rào rào nổi lên. Nhiều người có kinh nghiệm đấu giá cho biết, cùng một thửa đất có thể có nhiều mức trúng giá. Như với thửa đất rộng 50m2, người trúng đấu giá cao nhất ở mức 63 triệu đồng/m2, trúng thấp nhất chỉ 52,5 triệu đồng/m2, tức cùng trúng đấu giá nhưng chênh lệch nhau đến 500 triệu đồng.
Các phiên đấu giá trong ngày 14-5 đều rất hấp dẫn. Trong đó, đáng chú ý, có một phiên đấu 1 thửa duy nhất ở khu tái định cư Kiến Hưng với giá sàn 25,7 triệu đồng/m2 thu hút tới 33 người tham gia. Người thắng thầu vượt qua 32 người còn lại đã phải đặt mức giá lên tới 42,7 triệu đồng/m2. Toàn bộ 37 thửa đất đã được đấu giá thành công. Ông Nguyễn Đình Huệ, Giám đốc Chi nhánh PTQĐ quận Hà Đông tính toán, tổng số tiền thu về cho ngân sách từ đợt đấu giá này là hơn 96 tỷ đồng, vượt khoảng 25,6 tỷ đồng so với mức giá sàn được phê duyệt.
Không phải chuyện lạ
Có dịp dự ĐGQSDĐ tại nhiều quận, huyện của Hà Nội mới thấy không khí sôi động như tại Hà Đông là rất hiếm, dù đó chẳng phải chuyện lạ tại đây. Hàng chục phiên đấu giá được quận tổ chức trong vài năm trở lại đây đều rất thành công. Như hôm 23-4 chỉ đấu có 14 thửa cũng đã thu về cho ngân sách hơn 51,4 tỷ đồng, chênh lệnh so với giá sàn phê duyệt ban đầu khoảng 14 tỷ đồng. Hồi cuối tháng 11-2015 tổ chức đấu giá 31 thửa đất cũng thu ngân sách ước được hơn 100 tỷ đồng, chênh lệch gần 26 tỷ đồng so với giá khởi điểm. Nhưng, thành công lớn nhất phải kể đến đợt đấu giá 7.192m2 đất để đầu tư xây dựng cơ sở thương mại, dịch vụ tại dự án làng nghề dệt lụa Vạn Phúc ngày 5-4. Hôm ấy đấu lô lớn, chỉ dành cho các tổ chức, doanh nghiệp và đấu theo hình thức bỏ giá nhiều vòng nhằm tăng hiệu quả cho ngân sách. 7 doanh nghiệp tham gia, đấu tới 13 vòng mới xác định ra được đơn vị thắng cuộc. Giá khởi điểm ở Vạn Phúc là 39,6 triệu đồng/m2, nhưng giá trúng thầu cuối cùng lên tới 74,6 triệu đồng/m2, gần gấp đôi. Tổng giá tiền doanh nghiệp trúng thầu phải nộp vào ngân sách cho lô đất 7.192m2 là hơn 536 tỷ đồng, vượt thu 251 tỷ đồng so với dự kiến.
Từng tham gia điều hành nhiều phiên đấu giá đất tại Hà Đông và một số địa phương khác, ông Trần Mai Long, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản nhận định, ít quận, huyện đấu giá được như Hà Đông. Như huyện Mỹ Đức cả năm chỉ thu được khoảng 30 tỷ đồng đã là mừng. Huyện Chương Mỹ có những khu đất ở trung tâm thị trấn qua 3 đợt đấu giá vẫn không có khách dù giá khởi điểm khá thấp. Nhiều huyện khác thậm chí đã phân lô, chia thửa, áp dụng phương thức giao đất có thu tiền sử dụng đất cũng không hấp dẫn khách hàng. Trong khi đó, lần nào Hà Đông tổ chức cũng hút lượng khách đăng ký vượt gấp 3-4 lần số thửa đất, mức giá trúng luôn ở mức cao, chênh lệch thu về cho ngân sách lớn. Cả năm 2014, Hà Đông thu được hơn 400 tỷ đồng, 2015 thu hơn 600 tỷ đồng. Từ đầu năm 2016 đến nay đã thu được hơn 680 tỷ đồng. Hằng năm, Hà Đông luôn đóng góp từ 20-30% vào tổng thu đấu giá đất toàn thành phố…
Phải chăng đất Hà Đông dễ đấu giá, bởi địa thế đẹp, giao thông thuận lợi, nhất là sắp có dự án đường sắt đô thị…? Ông Nguyễn Đình Huệ, Giám đốc Chi nhánh PTQĐ quận Hà Đông cho rằng, địa thế đẹp, giao thông thuận lợi chỉ là yếu tố "cần". Quan trọng còn là do cách làm. Trong quá trình thực hiện, Chi nhánh luôn nhận được sự chỉ đạo và kịp thời tháo gỡ vướng mắc từ các cấp lãnh đạo quận Hà Đông cũng như Trung tâm PTQĐ TP Hà Nội. Đất cũng là hàng hóa. Để hàng hóa "đẹp" trước khi đem đấu giá, quận tập trung hoàn chỉnh hạ tầng, phân lô, tổ chức đưa khách hàng tham quan thực địa. Người trúng đấu giá sau 20 ngày kể từ ngày nộp đủ tiền sẽ được UBND quận cấp sổ đỏ, bàn giao mốc giới ngoài thực địa và tạo điều kiện thuận lợi cho việc xin phép xây dựng. Đưa ra mức giá khởi điểm để đấu giá phải mang tính kích cầu để hấp dẫn người dân. Điểm quan trọng nhất là tính thời điểm cho việc "bung hàng". Quận thường chọn thứ bảy để tổ chức đấu giá. Vào ngày đó, mọi người có thời gian rỗi. Vì thế mà các phiên đấu ở đây, người đến tham gia đấu giá cũng nhiều, mà người "xem" cũng đông.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.