(HNM) - Sau 5 năm thực hiện Chương trình số 11 của Quận ủy Cầu Giấy về “Xây dựng, quản lý quy hoạch đô thị, đất đai và bảo vệ môi trường giai đoạn 2015-2020”, bằng những hành động cụ thể, đầy tính bứt phá, công tác quản lý trật tự đô thị gắn với bảo vệ môi trường trên địa bàn quận Cầu Giấy đã để lại nhiều dấu ấn. Diện mạo đô thị của quận ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp.
Theo Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Bùi Tuấn Anh, trong giai đoạn vừa qua, công tác xây dựng, quản lý quy hoạch đô thị, đất đai và bảo vệ môi trường của quận đã được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, gắn với kế hoạch triển khai cụ thể, đồng bộ. Đến nay, hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt yêu cầu đề ra như tỷ lệ kiểm soát công trình xây dựng có phép (đạt 100%), diện tích nhà ở bình quân (23,1m2/người), tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch (100%), tỷ lệ chất thải rắn được thu gom, xử lý và tỷ lệ kiểm soát các tổ chức, cá nhân xả thải ra môi trường (100%). Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với các trường hợp đủ điều kiện cũng hoàn thành 100%. Công tác gắn biển số nhà đạt khoảng 93%.
Cầu Giấy cũng là quận đầu tiên tại Hà Nội ban hành Hướng dẫn tạm thời quản lý kiến trúc hai bên tuyến phố mới mở sau giải phóng mặt bằng, cấp phép tất cả các công trình cùng cốt cao độ, không đua mái che, mái vẩy, ban công..., tạo sự đồng bộ cho các tuyến phố về kiến trúc, giảm thiểu nhà “siêu mỏng, siêu méo”. Đối với những công trình xây dựng của các tổ chức được giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, Quận ủy đã yêu cầu UBND quận chỉ đạo thực hiện kiểm soát chặt chẽ quá trình thi công, không vì phát triển kinh tế mà đánh đổi môi trường.
Trong công tác quản lý đô thị, được sự nhất trí của lãnh đạo Quận ủy, UBND quận, Cầu Giấy đã sớm ứng dụng công nghệ thông tin bằng việc lập và đưa nhóm Zalo về quản lý trật tự xây dựng và vệ sinh môi trường vào hoạt động với thành phần gồm lãnh đạo quận, các phường cùng cơ quan chức năng. Đây là ứng dụng có tính chất nội bộ, giúp chính quyền cơ sở nắm bắt nhanh thông tin, hỗ trợ quản lý địa bàn và kịp thời xử lý vi phạm.
Mặt khác, từ năm 2019, UBND quận đã công khai trang Facebook “Vì quận Cầu Giấy xanh - sạch - đẹp” để nhân dân trên địa bàn tham gia đóng góp, đề xuất xử lý các điểm đen về trật tự đô thị, vệ sinh môi trường. Ông Nguyễn Hồng Quy, người dân phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy đánh giá, gần 1 năm trang Facebook này đi vào hoạt động là từng ấy thời gian quận kết nối mọi người chung tay xây dựng địa phương ngày càng văn minh, sạch, đẹp. Hàng trăm công việc liên quan đến những tồn tại, bất cập trong trật tự đô thị, vệ sinh môi trường tại các địa bàn dân cư được xử lý nhanh hơn, thông báo kết quả công khai, từ tiến độ giải quyết bán hàng rong, lấn chiếm vỉa hè đến việc đường giao thông bị sụt lún. Không chỉ vậy, diễn đàn còn trở thành nơi cộng đồng giám sát, nhắc nhở lẫn nhau, đề xuất những sáng kiến hay giúp làm đẹp địa bàn. Cá nhân ông Nguyễn Hồng Quy đã phản ánh hiện tượng đổ rác thải bừa bãi 2 lần và đều được giải quyết.
Dù đạt được nhiều kết quả khả quan trong 5 năm thực hiện Chương trình số 11, song Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Bùi Tuấn Anh cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, như: Công tác giải phóng mặt bằng ở một số dự án chưa bảo đảm yêu cầu, vẫn còn những mâu thuẫn giữa phát triển và cải tạo chỉnh trang đô thị. Điều đáng băn khoăn nữa là chỉ tiêu diện tích đất dành cho cây xanh, sân chơi chưa như kỳ vọng, do hiện nay dân số trên địa bàn quận đã vượt gấp đôi dự báo theo quy hoạch đến năm 2020. “Quận ủy Cầu Giấy đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu khắc phục những tồn tại, bảo đảm tính thống nhất trong chỉ đạo điều hành, triển khai giải pháp tháo gỡ, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của quận”, đồng chí Bùi Tuấn Anh chia sẻ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.