Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dấu ấn về “chú Sáu Dân”

Hà Tuấn| 23/11/2012 05:49

(HNM) - Không chỉ để lại dấu ấn trên khắp mọi miền đất nước, mà đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã để lại trong lòng dân những ấn tượng khó phai mờ. Đến bây giờ, người dân vẫn trìu mến gọi ông với cái tên gần gũi "chú Sáu Dân".

Thủ tướng Võ Văn Kiệt với bà con dân tộc huyện Chư Pảh, Gia Lai năm 1996 - Ảnh: TTXVN


"Tổng công trình sư"

Nói về Thủ tướng Võ Văn Kiệt, GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, đồng chí Võ Văn Kiệt là một trong những "tổng công trình sư" của nhiều dự án lớn, quan trọng thời kỳ đổi mới đất nước. Có thể kể đến các công trình điện năng lớn như: Trị An, Thác Mơ, Yaly, Hàm Thuận - Đa Mi, Sông Hinh, Phú Mỹ, Cà Mau, đường dây tải điện 500kV Bắc - Nam…; các công trình giao thông: đường Bắc Thăng Long - Nội Bài, đường cao tốc Láng - Hòa Lạc (nay là Đại lộ Thăng Long), đường Hồ Chí Minh, cầu Mỹ Thuận… Rất nhiều công trình quan trọng trong công cuộc CNH, HĐH đất nước đã mang dấu ấn Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

TS Lý Việt Quang, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh còn gọi đồng chí Võ Văn Kiệt là "Thủ tướng điện", "Thủ tướng cầu đường". Năm 1992, khi Chính phủ quyết định về chủ trương xây dựng đường dây 500kV Bắc - Nam, có nhiều ý kiến phản đối, thậm chí có ý kiến cho rằng, chủ trương này là phiêu lưu mạo hiểm, lãng phí tài nguyên quốc gia. Thế nhưng, sau khi lắng nghe ý kiến nhiều chiều, đặc biệt là sự ủng hộ của Bộ Chính trị, đồng chí Võ Văn Kiệt đã quyết định phê duyệt luận chứng kinh tế - kỹ thuật dự án một công trình lớn của cả nước. Thủ tướng có lần đã nói chuyện với Bộ trưởng Năng lượng (lúc bấy giờ) rằng, nếu đóng điện không thành công thì sẽ xin từ chức.

Ông Lê Tuấn Cường, Bảo tàng An Giang nhớ lại: "Khi đó, đồng chí Võ Văn Kiệt đã nói: "Phải nghe kỹ, nghe ngược, nghe xuôi các nhà nghiên cứu, quản lý (nghe xốn lỗ tai cũng được) trước khi quyết định và khi ra quyết định thì đừng đưa tay ra sau sờ ghế mình đang ngồi!". Và tới khi quyết định khởi công, chú Sáu Dân nói: "Tôi muốn nói tuyên bố khởi công ở đây là khóa sổ để không nói tới làm với không làm nữa, mà chỉ có thể là làm sao thật nhanh. Đó là vấn đề đặt ra đối với chúng ta!".

Sau hai năm - thời gian ngay cả chuyên gia nước ngoài cũng cho là không tưởng, công trình đường dây 500kV Bắc - Nam đã hoàn thành, với chiều dài gần 1.500km, đi qua 14 tỉnh, thành phố.

Học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Có thể nói, nét đặc sắc nhất trong cuộc đời hoạt động của Thủ tướng Võ Văn Kiệt là luôn được soi sáng, hướng dẫn bởi tư tưởng, tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nói về tư tưởng đại đoàn kết dân tộc, TS Lê Bá Trình, Phó Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, đồng chí Võ Văn Kiệt không chỉ kế thừa mà còn phát triển quan điểm đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thể hiện rõ qua những lời nói, việc làm và hành động. Theo TS Lê Bá Trình, đồng chí Võ Văn Kiệt từng khẳng định: "Đoàn kết, hòa hợp dân tộc không chỉ là đường lối, chính sách, mà còn là một truyền thống được hun đúc trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, trở thành bản sắc của dân tộc Việt Nam". Về phần mình, đồng chí Võ Văn Kiệt từng bộc bạch: "Trải qua bao năm tháng suốt từ Cách mạng Tháng Tám đến ngày nay, từ những phút gian nguy giữa sống và chết, đến những ngày chia ngọt sẻ bùi từng thắng lợi… tôi càng thấm thía những bài học mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy".

Thần tượng của nhiều thế hệ

GS Mạc Đường, Viện Khoa học xã hội TP Hồ Chí Minh viết về Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng đã nhắc đến hai chữ "thần tượng" và viện dẫn: Sau giải phóng năm 1975, đồng chí Võ Văn Kiệt là nhà lãnh đạo thường xuyên nói chuyện với thanh niên và có sự lôi cuốn đặc biệt. Sự lôi cuốn của ông ở nhiều hoàn cảnh khác nhau, phong cách, tác phong, ý tưởng mới, là sự lan tỏa của nhiệt huyết sống. Hình ảnh của đồng chí Võ Văn Kiệt đối với từng lớp thanh niên là một mẫu mực khó quên. Khi chú Sáu Dân nói chuyện, hàng chục nghìn thanh niên ở Công viên Tao Đàn hay Dinh Thống Nhất đều hào hứng lắng nghe và reo hò, vỗ tay hưởng ứng những ý tưởng gợi mở, sáng tạo, những phát động ra quân phong trào thanh niên lao động tình nguyện, phong trào thanh niên xung phong. Chính vì vậy, chúng ta đều có thể đồng tình với đánh giá của PGS.TS Nguyễn Hoàng Giáp, Phó Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh: "Không chỉ có ảnh hưởng đối với nhiều thế hệ mà trong mắt bạn bè quốc tế, đồng chí Võ Văn Kiệt được nhìn nhận, đánh giá là một nhà lãnh đạo kiệt xuất thời kỳ đổi mới, đầy kinh nghiệm và cởi mở, là một trong những chân dung nổi bật của lịch sử đương đại Việt Nam với hình ảnh hết sức thân thiện - Nụ cười Võ Văn Kiệt!".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dấu ấn về “chú Sáu Dân”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.