Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dấu ấn trong củng cố tổ chức Đảng từ cơ sở

Hương Ly| 12/10/2020 06:36

(HNM) - Với 226/2.310 tổ chức cơ sở Đảng thuộc Đảng bộ thành phố Hà Nội được xác định thuộc diện cần theo dõi, củng cố và tất cả 226 tổ chức cơ sở Đảng nêu trên đã được củng cố thành công. Đây là kết quả đạt được sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 4-7-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy. Qua đó tạo nên một trong những dấu ấn quan trọng về công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ thành phố Hà Nội trong nhiệm kỳ 2015-2020.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn phát biểu tại buổi kiểm tra việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy tại Huyện ủy Ba Vì.

Sâu sát cơ sở

Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo, “điểm nóng” Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức) xảy ra tháng 4-2017 đã thôi thúc thành phố phải làm ngay việc rà soát, đánh giá toàn diện tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và chất lượng tổ chức cơ sở Đảng ở xã, phường, thị trấn. Ngoài Đồng Tâm, thời điểm đó Hà Nội còn 16 vụ việc phức tạp khác có nguy cơ bùng lên thành “điểm nóng”. Trong bối cảnh đó, Ban Thường vụ Thành ủy đã thông qua Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 4-7-2017 về “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội” (Nghị quyết số 15-NQ/TU).

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU và Chỉ thị 15-CT/TU của Thành ủy cho biết, theo tinh thần của Nghị quyết số 15-NQ/TU, có 226 tổ chức cơ sở Đảng được đưa vào danh sách cần củng cố. Để kịp thời giải quyết, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy đã trực tiếp xuống làm việc với 30 quận, huyện, thị ủy để làm rõ những khó khăn, vướng mắc. Kết quả cho thấy, nguyên nhân khiến các đảng bộ cơ sở cần được quan tâm củng cố chủ yếu liên quan đến công tác quản lý đất đai, môi trường, trật tự xây dựng, giải phóng mặt bằng...

Ngoài ra, chất lượng hoạt động của một số tổ chức Đảng còn hạn chế do việc bổ nhiệm cán bộ thiếu tiêu chuẩn; sai phạm của một số cán bộ, đảng viên sau kết luận thanh tra, kiểm tra chưa được xử lý dứt điểm. Đặc biệt, trong quá trình chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp, Ban Thường vụ Thành ủy tiếp tục chỉ ra 9 quận, huyện, thị ủy, 30 tổ chức cơ sở Đảng cần củng cố và 69 đảng bộ xã, phường, thị trấn có khó khăn, cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo.

Thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU, Ban Thường vụ các quận, huyện, thị ủy và đảng ủy trực thuộc Thành ủy đã tăng cường kiểm tra, giám sát tổ chức Đảng và đảng viên, nhất là với những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, phức tạp về an ninh trật tự. Các quận, huyện, thị ủy cũng luân chuyển, điều động hơn 200 cán bộ cấp huyện về giữ các chức vụ chủ chốt cấp xã và điều động, thay thế, cho nghỉ việc hàng trăm cán bộ không đáp ứng tiêu chuẩn...

Nhiệm vụ "không có nhiệm kỳ"

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy, những vướng mắc, khó khăn của các tổ chức cơ sở Đảng đã từng bước được tháo gỡ. Đến hết tháng 6-2020, các tổ chức cơ sở Đảng cần củng cố đều đã tổ chức thành công đại hội Đảng nhiệm kỳ 2020-2025.

Theo Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn, việc triển khai Nghị quyết số 15-NQ/TU đã tạo sự lan tỏa từ thành phố đến cơ sở. Từ đó, nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu được nâng lên. Cùng với thay đổi về nhận thức, công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ cũng có đổi mới theo hướng nắm chắc tình hình, chỉ đạo đúng, kịp thời.

Điểm sáng được nhân lên từ thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU chính là việc các cấp ủy Đảng từ thành phố xuống cơ sở rất chú trọng việc xây dựng quy chế làm việc, quy chế phối hợp công tác ngày càng chặt chẽ. Đúng như Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn nói về nguyên tắc làm việc “3 không” của Ban Chỉ đạo, đó là: “Không có vụ việc nào không có người giải quyết; không có tồn tại nào mà không có người chịu trách nhiệm và không có khuyết điểm nào mà không ai bị xử lý”.

Ghi nhận, đánh giá cao kết quả triển khai Nghị quyết số 15-NQ/TU, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ khẳng định, việc ban hành và thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh hiện nay. Kết quả thực hiện nghị quyết thời gian qua cũng đã cho thấy sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Thành ủy cũng như sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, qua đó góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của Thủ đô.

Đồng chí Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Nghị quyết số 15-NQ/TU là một chủ trương có tầm nhìn chiến lược của Hà Nội. Do đó, các cấp ủy phải tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thật tốt Nghị quyết số 15-NQ/TU, coi đây là nhiệm vụ “không có nhiệm kỳ” nhằm xây dựng Đảng bộ thành phố Hà Nội ngày càng trong sạch, vững mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dấu ấn trong củng cố tổ chức Đảng từ cơ sở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.