(HNM) - Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thành phố Hà Nội đã chuyển sang tập trung quản trị, quan tâm đến các đối tượng rủi ro, nguy cơ cao nên số người mắc bệnh (F0) thể nhẹ hoặc không triệu chứng nếu đủ điều kiện sẽ được điều trị tại nhà. Để hỗ trợ đối tượng này, các tổ hỗ trợ điều trị F0 tại nhà ra đời và đang phát huy hiệu quả trong hoạt động, tạo dấu ấn rõ nét. Qua đó góp phần giúp các ca bệnh tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế sớm và nhanh nhất, yên tâm điều trị ngay tại gia đình.
Tin tưởng và yên tâm
Vừa bắt đầu ca trực của tổ hỗ trợ điều trị F0 thể nhẹ tại nhà thuộc Trạm Y tế lưu động phường Vĩnh Phúc (quận Ba Đình), Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Vĩnh Phúc Ngô Thùy Linh cùng bà Vũ Thị Tuyết Mai và bà Nguyễn Thị Hải Yến (Hội Liên hiệp phụ nữ phường Vĩnh Phúc) nhận thông tin về 3 trường hợp xét nghiệm nhanh dương tính với SARS-CoV-2 trong 1 gia đình tại khu 7,2ha trên địa bàn phường. Giúp nhau mặc bộ đồ phòng hộ, tổ phân chia người lấy túi thuốc, người mang kit xét nghiệm, tài liệu hướng dẫn điều trị, rồi nhanh chóng đến nhà người bệnh, tiến hành lấy mẫu, sau đó chuyển đến Bệnh viện Phổi trung ương hỗ trợ xét nghiệm. Khi có kết quả chính thức, tổ cấp phát, hướng dẫn sử dụng thuốc điều trị cho các F0, cung cấp cho mỗi người 3 mã QR để vào nhóm Zalo tư vấn điều trị, khai báo y tế và cập nhật tình hình sức khỏe 2 lần/ngày.
“Sau hơn một tuần triển khai quản lý F0 tại nhà qua mã QR, chúng tôi thấy mô hình này mang lại rất nhiều thuận lợi cho lực lượng y tế và người bệnh, giúp họ có tâm lý thoải mái, yên tâm khi chữa trị tại nhà”, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Vĩnh Phúc Ngô Thùy Linh nói.
Khi con gái 8 tuổi dương tính với SARS-CoV-2, chị T.T.D. (phố Đốc Ngữ, phường Vĩnh Phúc) hết sức lo lắng và mong muốn cho con được điều trị tại nhà. Chị T.T.D. xúc động cho biết, không quản ngại giờ giấc, ngày đêm, tổ hỗ trợ điều trị F0 tại nhà luôn bên cạnh, giúp đỡ gia đình chị điều trị cho con nhỏ. “Cháu đã khỏi bệnh từ ngày 26-12 sau gần 2 tuần điều trị tại nhà. Gia đình tôi rất cảm kích trước sự nhiệt tình, chu đáo của các anh chị trong tổ hỗ trợ”, chị T.T.D. nói.
Tương tự cách làm của phường Vĩnh Phúc, Chủ tịch UBND phường Mai Động (quận Hoàng Mai) Trần Văn Vịnh cho biết, phường cũng đã thành lập các nhóm Zalo và cập nhật bệnh nhân vào nhóm. Từ đó, thành viên trong các tổ có thể tư vấn trên Zalo hoặc qua điện thoại nhằm giảm áp lực cho nhân viên y tế phường. “Ngoài hỗ trợ chuyên môn về y tế, chúng tôi cũng đi chợ hộ khi các gia đình có nhu cầu về nhu yếu phẩm, thuốc men”, chị Trần Anh Hồng, thành viên tổ cung ứng hậu cần hỗ trợ F0 tại nhà phường Mai Động cho biết.
Để tổ hỗ trợ điều trị F0 tại nhà trên địa bàn hoạt động hiệu quả nhất, theo Phó Chủ tịch UBND phường Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm) Phạm Hưng, thành viên trong tổ phải là những người hiểu rõ về địa bàn, gần gũi với người dân. Điều đó giúp bệnh nhân yên tâm hơn khi được thăm hỏi và cơ quan y tế có cơ sở để điều trị phù hợp tình hình thực tế bệnh nhân.
Thực tế cho thấy, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngoài việc giảm tải cho các cơ sở y tế, việc hỗ trợ điều trị tại nhà cũng giúp động viên các F0 vững tâm và được chăm sóc tốt ngay tại gia đình. Gia đình chị L.H.L. (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông) có 6 người thì 2 người là F0. “Ngay khi phát hiện mình trở thành F0, tôi được tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ điều trị tại nhà và thường xuyên được hỏi thăm về sức khỏe nên rất yên tâm. Đến nay, sức khỏe của gia đình tôi ổn định, bước đầu xét nghiệm nhanh đạt 3 lần âm tính”.
Cần chủ động nhân lực, vật lực hỗ trợ điều trị
Theo Sở Y tế Hà Nội, hiện nay, trên địa bàn thành phố có khoảng 70% F0 đang điều trị, cách ly tại nhà. UBND thành phố Hà Nội củng cố năng lực điều trị các trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng. Trong đó, các địa phương chủ động trao đổi, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm các mô hình hay để triển khai hiệu quả trên địa bàn. Ngoài ra còn huy động tối đa nguồn lực từ các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các tình nguyện viên để phát huy hiệu quả cao nhất đối với mô hình này.
Thực hiện quản lý bệnh nhân trên trang tổng hợp nên các bác sĩ Bệnh viện Phổi trung ương có thể theo dõi được tình trạng F0 đang điều trị tại nhà và có những hỗ trợ kịp thời. Vì thế, các thành viên của tổ hỗ trợ thuộc Trạm Y tế lưu động phường Vĩnh Phúc (quận Ba Đình) chỉ đến cấp phát thuốc hoặc hỗ trợ xử lý những tình huống phát sinh… Trạm trưởng Trạm Y tế phường Vĩnh Phúc (quận Ba Đình) Nguyễn Tường Phượng cho rằng, để có thể nhân rộng hiệu quả mô hình hỗ trợ điều trị F0 tại nhà, các địa bàn cần chủ động trong khâu xét nghiệm, vừa giúp rút ngắn thời gian chờ đợi kết quả xét nghiệm, vừa giúp giảm tải cho y tế.
Bên cạnh những thuận lợi, ở một số địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu đến từ việc thiếu nhân lực để hỗ trợ điều trị F0 tại nhà.
Trạm trưởng Trạm Y tế phường Trung Phụng (quận Đống Đa) Nguyễn Thị Phương Thúy cho biết, trạm y tế có 7 cán bộ, nhân viên nhưng có lúc phải quản lý, điều trị tại nhà cho 300 F0 nên việc huy động các lực lượng khác cùng tham gia là rất cần thiết. Tương tự, mỗi trạm y tế phường trên địa bàn quận Hoàng Mai có từ 8 đến 10 nhân lực, nhưng ngoài việc theo dõi, điều trị F0 tại nhà, y tế cơ sở đang đồng thời phải thực hiện các nhiệm vụ: Điều tra, truy vết những trường hợp F0 trong cộng đồng, thực hiện tiêm vắc xin và lấy mẫu xét nghiệm cho các F0, F1 liên quan trên địa bàn.
Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Trần Quý Thái nhận định, khối lượng công việc mà tuyến y tế cơ sở đang phải đảm nhận là rất lớn, đặc biệt với địa bàn quận nhiều khu chung cư có số lượng cư dân lớn. Để các trường hợp F0 yên tâm điều trị tại nhà, quận đã huy động tối đa nguồn lực hiện có nhằm đáp ứng được nhiệm vụ trước mắt cũng như trong thời gian tới. Đặc biệt trong công tác điều trị, lực lượng y tế địa phương huy động được đội ngũ có chuyên môn của các cơ sở y tế tư nhân, các tình nguyện viên nhằm hỗ trợ tốt nhất cho việc điều trị F0 tại cộng đồng.
Trưởng phòng Y tế quận Hà Đông Lê Thị Thanh Bình cũng trăn trở về giải pháp để bảo đảm hiệu quả điều trị F0 tại nhà. Chị kể rằng, nhằm tăng cường nhân lực cho các tổ hỗ trợ F0 điều trị tại nhà, quận Hà Đông đã tập huấn quy trình quản lý, theo dõi chăm sóc F0 tại nhà cho hàng trăm lượt đoàn viên, thanh niên, sẵn sàng hỗ trợ chăm sóc, lấy mẫu xét nghiệm cho các F0 điều trị tại nhà. Tuy nhiên, nếu số lượng F0 tăng nhanh thì vẫn bị quá tải.
Có thể nói, mô hình hỗ trợ, theo dõi và chăm sóc F0 tại nhà trên địa bàn Thủ đô Hà Nội đã phát huy hiệu quả, giảm tải cho các cơ sở điều trị tập trung, đồng thời giúp giảm bớt sang chấn tâm lý cho người bệnh, giúp họ nhanh chóng hồi phục. Thành quả này không tự nhiên mà có, nên cần thêm nguồn lực để giữ vững và phát huy trong thời gian tới...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.