(HNM) - Hòa cùng không khí lễ hội tưng bừng trong những ngày Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, hàng loạt công trình hạ tầng, văn hóa, xã hội thiết thực phục vụ nhu cầu phát triển KT-XH của Thủ đô và đời sống nhân dân đã chính thức hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Trước hết, phải kể tới Đại lộ Thăng Long, tuyến đường cao tốc đô thị đầu tiên được xây dựng hoàn toàn bằng nội lực và nguồn vốn trong nước, với chiều dài gần 30km, quy mô 6 làn xe. Theo Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) Vũ Quý Hà, tuyến đường này được Vinaconex đề xuất với Chính phủ từ năm 2001, khi đường Láng - Hòa Lạc (tên trước đó của Đại lộ Thăng Long) mới có quy mô 2 làn xe. Dự án được triển khai trong thời gian dài, với việc Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, nên từ ý tưởng ban đầu là đường cao tốc 4 làn xe, nhà đầu tư liên tục bổ sung công trình mới để khi hoàn thành con đường phù hợp với quy hoạch không gian cũng như sự phát triển KT-XH. Thời gian thi công cũng nằm trong thời điểm biến động về giá vật liệu, suy thoái kinh tế song nhà đầu tư nỗ lực không ngừng để công trình về đích đúng hẹn, như món quà ý nghĩa tặng Hà Nội nhân dịp 1000 năm tuổi. Tuyến đường không chỉ góp phần tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế cho Hà Nội mà còn kích thích sự phát triển cả vùng Tây Bắc khi được tiếp tục nối thẳng lên Hòa Bình. Công trình đồng thời mang lại cho Vinaconex kinh nghiệm quản lý, tổ chức thi công, triển khai điều hành dự án lớn.
Cùng với Đại lộ Thăng Long, Vinaconex còn vinh dự là nhà đầu tư B.T dự án Bảo tàng Hà Nội. Bảo tàng có thiết kế hình kim tự pháp ngược, nằm trong khuôn viên Trung tâm Hội nghị quốc gia (trên đường Phạm Hùng), với tổng mức đầu tư 2.300 tỷ đồng, sẽ là nơi lưu giữ, bảo tồn, nghiên cứu những giá trị văn hóa, lịch sử, giới thiệu với nhân dân và du khách về Thăng Long - Hà Nội.
Nhiều công trình cầu đường có quy mô lớn trong dịp này cũng đã hoàn thành như cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 1, cầu cạn Pháp Vân nối thông với cầu Thanh Trì, đường Lê Văn Lương kéo dài...
Nằm trên trục Vành đai 3, cửa ngõ phía Tây bắc Thủ đô, Công viên Hòa Bình (công trình mang biểu tượng "Hà Nội - Thành phố vì hòa bình") cũng là một dấu ấn của Đại lễ. Năm 2000, khi Thăng Long - Hà Nội 990 năm tuổi, UNESCO đã trao tặng danh hiệu "Thành phố vì hòa bình" cho Thủ đô Hà Nội. Thành phố đã quyết định xây dựng công viên mang tên Hòa Bình, rộng hơn 20ha tại xã Xuân Đỉnh (Từ Liêm). Điểm nhấn của công viên chính là bức tượng Hòa bình cao 7,2m, đặt trên đế tượng 22,8m, gắn kết với không gian cây xanh tạo nên chỉnh thể thống nhất. Cùng với hồ điều hòa 5,4ha, các công trình phụ trợ, dịch vụ, cổng phía bắc công viên là mô hình chim Lạc hướng ra đường cao tốc Bắc Thăng Long - Nội Bài. Cổng phía nam và phía đông là biểu tượng chim bồ câu đang bay.
Là nơi sinh hoạt, tiếp đón bạn bè của đội ngũ văn nghệ sỹ, trí thức Thủ đô, Cung Trí thức đã chính thức khánh thành đúng dịp Đại lễ. Công trình có: một khối nhà cao 3 tầng bố trí làm nơi trưng bày và hội trường 500 chỗ ngồi; một khối nhà cao 15 tầng (có 1 tầng hầm), bố trí làm văn phòng các hội, hiệp hội khoa học, nghệ thuật. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Phí Thái Bình cho biết, phần lớn các hội, hiệp hội chưa có trụ sở làm việc, phải đi thuê, ở tạm. Do đó, thành phố có chủ trương xây dựng Cung Trí thức để các hội, hiệp hội có nơi sinh hoạt. Đây là món quà ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm của thành phố dành cho đội ngũ trí thức nhân Đại lễ.
Dịp này, người dân Thủ đô còn vui mừng có thêm nhiều địa điểm sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật mới (Rạp Công Nhân - phố Tràng Tiền, Rạp Đại Nam - phố Huế, Rạp Kim Đồng - phố Hàng Bài)... nhiều công trình, trường học, thư viện mới, công viên mới... như những dấu ấn đầy ý nghĩa khi Thủ đô tròn 1000 tuổi, tạo điều kiện để Hà Nội tiếp tục phát triển mạnh mẽ và bền vững trong tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.