(HNM) - Thành phố Hồ Chí Minh cách Thủ đô Hà Nội 1.500km, nhưng khoảng cách địa lý không thể làm giảm đi dấu ấn cả về văn hóa và con người của thủ đô ngàn năm văn hiến lưu dấu tại thủ phủ mảnh đất phương Nam nắng ấm và năng động này. Dấu ấn Thăng Long trên những công trình được xây dựng từ hơn trăm năm trước hay dấu ấn Hà Nội cảm hóa lòng người phương Nam vẫn luôn đậm nét.
Nét Hà Nội giữa trời Nam
Tọa lạc ngay lối vào sảnh chính của Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong (số 235 Nguyễn Văn Cừ, phường 4, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh), một trong những ngôi trường lâu đời nhất còn tồn tại ở thành phố Hồ Chí Minh là một cổng chào có hình dáng kiến trúc khiến nhiều người liên tưởng đến Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám ở Hà Nội. Đây là “chiếc nôi” ươm mầm, đào tạo ra bao thế hệ tài năng, những nhà cách mạng đã hết mình phụng sự cho Tổ quốc như: Trần Văn Ơn; Giáo sư Phạm Thiều; Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát; Giáo sư, Viện sĩ, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa,...
Ngôi trường được xây dựng từ năm 1927, là sản phẩm của kiến trúc sư người Pháp Ernest Hebrard, cha đẻ của lối kiến trúc Đông Dương thuộc Pháp với vô số những công trình kiến trúc nổi tiếng còn tồn tại ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Theo Kiến trúc sư Nguyễn Thái Hòa, một thanh niên 8X miền Nam, đã tốt nghiệp Trường Kiến trúc quốc gia Pháp ENSA Normandie và hiện đang làm việc tại Pháp, kiến trúc Đông Dương là sự hòa trộn tinh tế của nét kiến trúc đậm nét văn hóa Việt Nam và phong cách Art Deco nổi tiếng châu Âu hồi cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
“Ernest Hebrard đã thiết kế cổng lối vào sảnh chính như Khuê Văn Các ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám tại Hà Nội. Không những vậy, các nguyên tắc về thông thoáng và chiếu sáng tự nhiên kết hợp hài hòa với bố cục mặt bằng và không gian, xử lý giống như khu Văn Miếu (các công trình trung tâm bao quanh bởi ba mặt hành lang và mặt thứ tư mở ra sân lớn). Phần mái phía trên những dãy phòng học mang hình ảnh con thuyền, gợi nhớ về mái đình làng Việt Nam”, Kiến trúc sư Nguyễn Thái Hòa phân tích.
Tương tự, khởi công xây dựng sau ngôi trường cổ kính nêu trên 30 năm, chùa Một Cột tại thành phố Thủ Đức được Hòa thượng Thích Trí Dũng và các Phật tử là những người con Hà Nội bắt tay vào xây dựng từ năm 1957, hoàn thành sau 20 năm xây dựng, lấy tên là Nam Thiên Nhất Trụ (Chùa Một Cột ở trời Nam). Kiến trúc ngôi chùa được mô phỏng theo bản gốc ở Hà Nội. Tất cả các chi tiết rui kèo, xuyên, mái ngói cho đến những đường nét hoa văn bài trí cũng như cách bố trí thờ phụng đều giống hệt bản chính.
Ông Võ Hoàng Dũng, ngụ tại đường Đặng Văn Bi, phường Bình Thọ, thành phố Thủ Đức, chia sẻ: “Tôi rời Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1981. Suốt 40 năm qua, Nam Thiên Nhất Trụ như là nơi để những người con xứ Bắc xa quê có cơ hội được chiêm ngưỡng chùa Một Cột ngay giữa lòng thành phố Hồ Chí Minh nhộn nhịp, cũng như để người dân miền Nam thỏa lòng nhớ thương, mong muốn một lần được đến Thủ đô để diện kiến chùa Một Cột lịch sử”.
Một địa danh nữa hiện diện giữa trời Nam, nhưng gắn với Thủ đô, đó là Xa lộ Hà Nội. Từ năm 1984, nhân kỷ niệm 30 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/1984), UBND thành phố Hồ Chí Minh quyết định đổi tên đoạn quốc lộ 52 từ cầu Sài Gòn đến Khu du lịch Suối Tiên thành Xa lộ Hà Nội. Đoạn đường dài hơn 13km này hiện đã được mở rộng 16 làn xe, rộng 142m, là tuyến đường huyết mạch tại cửa ngõ phía Đông Bắc thành phố Hồ Chí Minh, kết nối tam giác kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai và Bình Dương.
Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm cho biết: “Xa lộ Hà Nội đang được tiếp tục mở rộng, nâng cấp giai đoạn 2 cả tuyến chính và đường song hành để trở thành một trong những tuyến đường đẹp nhất thành phố Hồ Chí Minh.
Những người con phương Nam “phải lòng” Hà Nội
Họa sĩ Hoàng Phong thuộc thế hệ 8X sinh ra và lớn lên tại thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng trong lần đầu tiên ra Hà Nội năm 2017, anh đã bị mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến “hớp hồn”. “Tôi yêu những sớm tinh mơ hoặc đêm Hà Nội tĩnh lặng. Tôi say mê Hà Nội ở từng góc phố, con đường, nếp sinh hoạt gần gũi cùng với những con người bình dị tại nơi đây. Và tôi bị mê hoặc bởi nét cổ kính mái ngói xô nghiêng và những công trình kiến trúc Đông Dương thuộc Pháp với vẻ đẹp trầm mặc”, Hoàng Phong tâm sự.
Gửi tình yêu này vào trong những nét vẽ, họa sĩ Hoàng Phong đã hoàn thành bộ tranh màu nước với 28 bức vẽ mang tên “Chút tình gửi phố”. Anh nói: “Tôi có cơ hội được dùng cái nhìn của một người con miền Nam để phác họa lại, lưu giữ cái tình trong từng góc phố và xin gói ghém toàn bộ tình cảm gửi cho Thủ đô. Tôi mong ước sau cao điểm chống dịch Covid-19, sẽ tổ chức được một cuộc triển lãm những bức vẽ này tại Hà Nội, để “Mọi người cùng cảm nhận tình yêu từng góc phố, từng con đường, yêu lối sống sinh hoạt gần gũi, gắn liền với những hình ảnh xưa cũ vẫn còn được lưu giữ rõ rệt trên mảnh đất Thăng Long xưa”, Hoàng Phong bày tỏ.
Còn nhà văn Hoài Hương (Hội viên Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh) lại yêu Hà Nội bởi người con gốc miền Nam này được sinh ra và gắn bó 10 năm với Thủ đô, khi cha mẹ chị là cán bộ miền Nam tập kết. “10 năm không phải quá dài so với đời người. Nhưng thời gian ấy là cả một quãng đời niên thiếu đầy ắp những kỷ niệm tươi đẹp, để khi từ biệt Hà Nội theo gia đình về phương Nam, những tháng năm đằng đẵng sau này càng chất thêm trong tôi ký ức tuổi thơ. Tôi mãi yêu Hà Nội với tình yêu trong trẻo và đẹp đẽ như thế”, chị tâm sự.
Chất chồng kỷ niệm với Hà Nội cả trong cuộc sống thường nhật và trong những giấc mơ, nhà văn Hoài Hương đã “trút” nỗi nhớ vào rất nhiều bài tản văn và được tập hợp thành cuốn “Hà Nội hoa tình” được bạn đọc cả hai miền đón nhận nồng nhiệt. Hà Nội trong 36 bài tản văn của chị là những góc nhìn, góc cảm tinh tế của một người con phương xa luôn nhớ nhung, hoài niệm. “Tình yêu Hà Nội, với tôi, là "thân Sài Gòn - thần Hà Nội", để nhiều khi không thể kìm nén nỗi tương tư hay cảm xúc luyến nhớ vấn vương sau khi vừa rời Hà Nội trở về phương Nam, tôi đã chia sẻ bằng những tản văn về Hà Nội, về mùi hương phố đầy thương nhớ, về những mùa hoa nhiều sắc hương, về những gương hồ huyền thoại kim cổ, về những câu chuyện ngàn năm, trăm năm Thăng Long thành. Và tôi vẫn chưa thôi viết về một Hà Nội tình yêu của tôi”, chị tâm sự.
Thời điểm thành phố Hồ Chí Minh căng mình chống dịch Covid-19 hồi các tháng 7, 8, 9-2021 vừa qua, có thêm người miền Nam yêu Hà Nội. Đó là khi nữ nhân viên y tế Lê Tuyết Mơ (học viên Bệnh viện Chợ Rẫy) phải lòng chàng trai tình nguyện Nguyễn Như Vương (Học viện Quân y) vào Nam “chiến đấu”. Tình yêu của họ bắt đầu từ những điểm chung của những người ưa hoạt động xã hội và tinh thần xung phong chống dịch. Tình yêu ấy không ngừng lớn lên, khi cả hai có cùng quyết tâm “góp sức mình cho thành phố mau khỏe lại”.
“Hai đứa tụi em đang yêu xa, vì anh Vương đã trở về Hà Nội sau khi dịch bệnh tại thành phố đã từng bước được khống chế. Em “cảm” những cử chỉ chăm sóc tự nhiên, ân cần của anh ấy trong thời gian hai đứa bên nhau. Cả hai vẫn thường xuyên động viên nhau góp sức để hai thành phố và cả nước mau khỏe, để hai đứa được gặp lại nhau vào một ngày không xa”, bạn Lê Tuyết Mơ chia sẻ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.