(HNM) - Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, rồi vào Nam lập nghiệp, bằng sự nỗ lực không ngừng, ông đã để lại nhiều dấu ấn ở những công trình giao thông lớn của TP Hồ Chí Minh. Ông là Vũ Kiến Thiết, Giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 2 (Khu 2).
Ở tuổi 56 ông Vũ Kiến Thiết vẫn phảng phất nét hào hoa của chàng trai Hà thành. Sinh ra trong một gia đình mà cả bố mẹ đều ở ngành công an, ngay từ nhỏ, gia đình muốn hướng cậu con út Vũ Kiến Thiết vào ngành này, giống như tất cả các anh chị trong nhà. "Khi đó, tôi ngồi ghế nhà trường, học, đọc, nghe biết bao tấm gương hy sinh anh dũng, sự khổ cực gian truân của những thanh niên xung phong mở đường Trường Sơn. Tất cả cứ ngấm dần, ngấm dần và hình thành trong tôi ước vọng muốn làm một người mở đường. Từ suy nghĩ này, năm 1976 tôi quyết định thi và đậu trường ĐH GTVT Hà Nội" - Ông Vũ Kiến Thiết tâm sự.
Ông Vũ Kiến Thiết. |
Ra trường, ông vào Nam làm giảng viên Trường ĐH GTVT TP Hồ Chí Minh. Gần 10 năm sau, năm 1989 ông chia tay giảng đường, chuyển sang Sở GTVT TP Hồ Chí Minh làm cán bộ chuyên môn phát triển cơ sở hạ tầng. 25 năm công tác tại đây, ông có mặt hầu hết ở dự án hạ tầng giao thông lớn của thành phố. Điển hình, ngay khi ông giữ cương vị Giám đốc Khu 2 vào năm 2005, thành phố đã tin tưởng giao cho đơn vị giám sát và thi công Đại lộ Đông Tây (nối TP Hồ Chí Minh với các tỉnh miền Tây và Đông Nam bộ). Trong đó, hầm vượt sông Sài Gòn được xem là hạng mục quan trọng nhất của toàn dự án và có quy mô hiện đại nhất Đông Nam Á. Sau 7 năm thi công, cuối năm 2011, toàn tuyến đường (nay là Đại lộ Võ Văn Kiệt) đã chính thức thông xe. Không dừng lại, đồng nghiệp trong ngành đánh giá ông chính là người đi tiên phong trong việc dùng công nghệ hiện đại vào quản lý hệ thống giao thông sau khi Khu 2 hoàn thiện dự án cải thiện 125 nút đèn tín hiệu giao thông và có trung tâm điều khiển xứng tầm, làm thay đổi hoàn toàn hệ thống đèn tín hiệu giao thông ở đô thị lớn nhất cả nước đã tồn tại từ trước năm 1975.
Tuy nhiên, dấu ấn đậm nét hơn cả vẫn là việc xây dựng cầu Rạch Chiếc (nối quận 2 với quận 9) do Khu 2 làm chủ đầu tư. Công trình nằm ngay ngã ba Cát Lái (con đường huyết mạch vào cảng container lớn nhất nước ta), lại thuộc trục đường huyết mạch cửa ngõ phía đông thành phố, với hàng chục nghìn lượt xe ô tô lưu thông/ngày đêm. Tuyến đường này trở thành "điểm đen" về ùn tắc và tai nạn giao thông. Ngày ngày đi qua, chứng kiến chiếc cầu hơn 40 năm tuổi xuống cấp trầm trọng, phải liên tục hạ tải từ 30 tấn xuống 20 rồi 18 tấn, nỗi lo Xa lộ Hà Nội sẽ tê liệt càng bám chặt lấy ông. Phải làm cây cầu mới hiện đại và quy mô để chấm dứt tình trạng trên! Ông Vũ Kiến Thiết đã quyết định như vậy và ngay sau đó Khu 2 đã trình lên UBND TP phương án làm cầu mới. Tháng 10-2009, cây cầu chính thức khởi công (giai đoạn thi công hai nhánh biên cầu) và đến tháng 10-2010 hoàn thành và vượt tiến độ 4 tháng. Riêng nhánh cầu giữa, sau 17 tháng thi công khẩn trương, cầu đã thông xe vào tháng 7-2012, vượt tiến độ đề ra 5 tháng. Trong lễ thông xe cầu, ông Vũ Kiến Thiết nghẹn lại giữa rừng cờ và hoa "một công trình thi công gian khổ nhưng rất đỗi tự hào!". Chính những đóng góp lớn lao trên, năm 2012 tập thể Khu 2 và cá nhân ông Vũ Kiến Thiết đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
Trước khi chia tay chúng tôi, giọng ông trầm xuống, trăn trở rằng, một trong yếu tố gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án là công tác giải phóng mặt bằng. Nhiều công trình lớn như: xây dựng mở rộng Xa lộ Hà Nội, đường vành đai phía Đông... chậm tiến độ cũng vì thế. Đến giờ, dù có sự chỉ đạo sát sao của thành phố, mặt bằng đã gần như được giao đầy đủ cho đơn vị thi công, nhưng: "Luật Đất đai làm thế nào để phù hợp hơn nữa? Làm sao để chính sách đền bù, giải tỏa được hoàn thiện hơn". Rồi ông bảo, mỗi lần chứng kiến nhiều cây cầu, con đường ở nước bạn đã có cách đây cả trăm năm, bản thân ông lại trỗi dậy sự tự ái nghề nghiệp. "Tại sao chúng ta không thể làm được?". Câu hỏi đó hẳn làm day dứt nhiều người.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.