Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đất nước ngày càng đổi mới

Đình Hiệp| 23/03/2014 06:33

(HNM) - Đó là đánh giá của bà Trần Thị Kim Chung, Ủy viên BCH Hội Người Việt Nam tại Angola, mỗi khi trở về Việt Nam tham dự các hoạt động do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức.



Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với bà về cuộc sống, đóng góp của người Việt với nước sở tại và quê hương.

Bà Trần Thị Kim Chung, Ủy viên BCH Hội Người Việt Nam tại Angola.


- Bà có thể cho biết cơ duyên đưa bà đến Angola làm việc và lập nghiệp?

- Ngày 1-1-1989, tôi được Bộ Y tế cử sang Angola làm chuyên gia y tế tại một bệnh viện. Khi mới nhận nhiệm vụ, quả thực tôi hơi ngại vì cứ nghe nói đến Châu Phi là sợ nghèo khổ, thời tiết khắc nghiệt, điều kiện sinh hoạt khó khăn… Thế nhưng, 25 năm sống tại Angola, tôi nhận thấy người dân ở đây rất chân thành, cởi mở, cuộc sống đơn giản. Các cơ quan chức năng của Angola luôn tạo điều kiện tốt nhất để các chuyên gia của Việt Nam sang đây làm việc hiệu quả. Hiện Việt Nam có hai nhóm chuyên gia về y tế và giáo dục làm việc tại hầu hết 18 tỉnh của quốc gia Châu Phi này.

- Từ chuyên gia y tế trở thành một nhà kinh doanh, liệu có khó khăn gì đối với bà không?

- Năm 2003 tôi mở một công ty nhỏ ở Angola. Cụ thể là nhập khẩu các sản phẩm như vải vóc, mỹ phẩm, đồ gia dụng… của Việt Nam. Do thời gian rất bận nên từ năm 2005 đến nay tôi nghỉ hẳn công việc chuyên gia y tế ở bệnh viện để chuyên tâm vào hoạt động kinh doanh. Sau nhiều năm buôn bán tại nước này, tôi may chưa gặp phải khó khăn lớn nào, đặc biệt là về thủ tục hành chính trong nước, bởi đây là những sản phẩm mà nước ta khuyến khích xuất khẩu. Phải thừa nhận rằng mặc dù cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn, nhưng Angola lại là mảnh đất nhiều cơ hội, giàu tiềm năng để các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào những lĩnh vực mà nước này còn bỏ ngỏ. Chúng ta có thể xuất khẩu gạo, đồ gốm sứ… sang Angola rất tốt. Cơ chế chính sách thu hút đầu tư tại Angola khá thông thoáng.

- Thế còn cuộc sống của cộng đồng người Việt Nam tại Angola thì sao, thưa bà?

- Hiện có khoảng 45.000 người Việt sinh sống và làm việc tại Angola. Thủ đô Luanda là nơi tập trung đông người Việt nhất. Trong số này có một phần là kiều bào, một phần sang đây học tập, nghiên cứu trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, công nhân xuất khẩu lao động... Ở Angola cũng có các hiệp hội của người Việt như: Hội Người Việt, Hội Phụ nữ... Vì sống ở một quốc gia xa xôi nên cộng đồng người Việt ở Angola luôn đoàn kết và đùm bọc lẫn nhau, người sang trước luôn hỗ trợ giúp đỡ người đến sau.

- Với tư cách là Ủy viên BCH Hội Người Việt Nam tại Angola, xin bà cho biết hội đã và đang làm gì để hướng về quê hương?

- Kể từ khi được thành lập vào năm 2001 đến nay, hội thường xuyên tổ chức các hoạt động kỷ niệm những ngày lễ lớn của dân tộc; tổ chức các chương trình văn hóa, văn nghệ; thăm hỏi động viên lẫn nhau… Những hoạt động này không chỉ mang ý nghĩa gắn kết bà con sống xa Tổ quốc mà còn là dịp để hướng về quê hương. Điểm khác biệt của cộng đồng người Việt Nam tại Angola là thế hệ thứ hai rất ít. Hầu hết các gia đình sang đây làm ăn, kinh doanh nên khi các con được sinh ra chỉ tầm 6 tháng đến 2 tuổi là đưa về Việt Nam sinh sống. Vì thế, việc dạy tiếng Việt hay quảng bá văn hóa cho thế hệ thứ hai cũng không phải là một trọng tâm khiến cộng đồng người Việt ở Angola gặp khó khăn.

- Được biết 5 năm trở lại đây, năm nào bà cũng về Việt Nam. Vậy bà có cảm nhận gì về sự thay đổi trong nước, đặc biệt là chính sách của Nhà nước với bà con Việt kiều?

- Vì sống và làm việc một mình ở nơi đất khách quê người - trong khi gia đình đang ở Việt Nam - nên tôi hay về Việt Nam vào dịp Tết. Khoảng 5 năm trở lại đây, tôi trở về Việt Nam thường xuyên hơn vì công việc kinh doanh. Mỗi lần trở về, tôi thấy đất nước có nhiều thay đổi tích cực. Sau nhiều lần về nước tham dự các hoạt động do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức, tôi nhận thấy sự gắn bó của Việt kiều với đồng bào trong nước ngày càng chặt chẽ hơn. Tôi hy vọng với những thay đổi tích cực này, ngày càng có nhiều kiều bào về nước đầu tư, làm ăn kinh doanh để đóng góp cho sự phát triển của Tổ quốc.

- Xin trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đất nước ngày càng đổi mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.