(HNMO) - Ngày 17-7, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã tổ chức hội nghị trực tuyến về công tác tuyển sinh năm 2019 và thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học tại ba đầu cầu Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh.
Tham dự hội nghị có hơn 1.000 đại biểu là chủ tịch hội đồng trường, giám đốc, trưởng ban đào tạo các đại học, học viện; hiệu trưởng, trưởng phòng đào tạo của 327 trường đại học, các trường cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm trên toàn quốc cùng đông đảo các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực giáo dục đại học.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nhận định, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia là kỳ thi quan trọng, tính đến thời điểm hiện tại có thể đánh giá công tác tổ chức kỳ thi đã thành công, tất nhiên vẫn còn nhiều việc cần làm phía trước. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cảm ơn sự vào cuộc của toàn xã hội, trách nhiệm, tâm huyết của các trường đại học, thầy cô tham gia coi thi, chấm thi.
Theo Bộ trưởng, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia không chỉ xét tốt nghiệp, làm cơ sở tuyển sinh mà quan trọng hơn là giúp ngành Giáo dục phân tích, điều chỉnh chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học, có giải pháp nâng cao chất lượng ở bậc phổ thông, nhất là những môn học có kết quả thấp trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia như lịch sử, tiếng Anh.
“Kết quả môn lịch sử, tiếng Anh kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2019 đã có tiến bộ so với năm 2018, nhưng vẫn chưa chấp nhận được. Sắp tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có kế hoạch làm việc với từng sở giáo dục, dựa trên phổ điểm từng môn thi, từng địa phương để phân tích, mổ xẻ, tìm nguyên nhân tại sao môn thi này thấp, điểm thi của địa phương này thấp, để rút kinh nghiệm cho kỳ thi năm sau. Việc phân tích này phải thực hiện ngay trong tháng 7-2019 để có thể triển khai giải pháp ở các trường phổ thông bắt đầu từ năm học tới”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định.
Tại hội nghị, một số ý kiến đề xuất điều chỉnh thay đổi kỳ thi trung học phổ thông quốc gia theo hướng miễn thi cho 30% học sinh khá giỏi. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định, kỳ thi sẽ giữ ổn định như hiện nay cho đến năm 2020.
Bộ trưởng cho rằng, việc thi không chỉ đơn thuần là xét tốt nghiệp trung học phổ thông hay xét tuyển vào đại học mà để đánh giá chuẩn đầu ra của học sinh phổ thông về kiến thức, kỹ năng sau 12 năm học phổ thông. Vai trò quan trọng của kỳ thi là giúp ngành giáo dục phân tích, điều chỉnh chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học, có giải pháp nâng cao chất lượng ở bậc phổ thông.
Đối với mảng đại học, những trường đại học có chất lượng đào tạo không tốt, sau một thời gian không có cải thiện, sẽ phải đóng cửa, tránh trường hợp có góc khuất, điểm "tối", tạo nghi ngờ trong xã hội.
“Chúng ta thống nhất nâng cao nhận thức vì một nền giáo dục đại học có chất lượng, không sợ bị chê yếu, yếu thật thì chúng ta nhìn thẳng. Tôi có niềm tin chúng ta sẽ xây dựng được một nền giáo dục đại học có chất lượng, bởi chất lượng phổ thông của chúng ta không thấp, nhu cầu học đại học của thị trường hơn 96 triệu dân lớn, thị trường lao động cần nhiều nhân lực chất lượng, đó là yếu tố thuận lợi của giáo dục đại học”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Tự chủ đại học là trục xuyên suốt, tuyển sinh chỉ là một khâu. Một trường đại học phát triển bền vững là phải nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, gắn kết với người sử dụng lao động, cộng đồng. Nhưng hiện nay các trường mới tập trung vào đào tạo, việc nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, gắn kết đào tạo với sử dụng còn ít.
Bộ trưởng nhấn mạnh: “Thực hiện tự chủ, vai trò của ban giám hiệu là rất lớn. Đã đến lúc các trường cần thể hiện trách nhiệm xã hội, chứ không thuần túy đào tạo được số lượng cử nhân, thạc sĩ. Phải lấy sự phát triển bền vững, trách nhiệm cộng đồng xã hội làm mục tiêu phát triển. Tới đây, Bộ sẽ tăng cường kiểm tra giám sát, hỗ trợ. Quan điểm là phải bảo vệ tự chủ đại học, bảo vệ trường làm tốt".
Theo công bố của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông cả nước là 94,06%, giảm 3,51% so với năm 2018 (97,57%), giảm 3,36% so với năm 2017 (97,42%), cao hơn năm 2016 (92,93%). Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường phải đăng tải đầy đủ thông tin và trực tiếp giải đáp thắc mắc cho thí sinh, đặc biệt từ ngày 22 đến 31-7, khi thí sinh điều chỉnh nguyện vọng; đồng thời rà soát lại đề án tuyển sinh. Quy trình xét tuyển sẽ được thực hiện từ ngày 6 đến 8-8. Danh sách trúng tuyển cùng thang điểm xét tuyển và tiêu chí phụ khi đã công bố sẽ không được điều chỉnh. Các trường cần cập nhật danh sách thí sinh đã xác nhận nhập học của mọi phương thức xét tuyển theo đúng cấu trúc dữ liệu và thời gian quy định. Các cơ sở giáo dục đại học vi phạm quy định về đối tượng, điều kiện, chỉ tiêu tuyển sinh sẽ bị xử lý, trừ chỉ tiêu năm sau, xử phạt hành chính theo quy định và không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong 5 năm tiếp theo. Các trường tự chủ trong công tác tuyển sinh, nếu tuyển vượt chỉ tiêu, trách nhiệm sẽ thuộc về nhà trường và cá nhân liên quan. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.