(HNM) - Cuối tháng 2-2018, vận động viên nữ số 1 cự ly ngắn Lê Tú Chinh đã có mặt tại Mỹ để bắt đầu chuyến tập huấn dài hạn hướng đến mục tiêu tranh huy chương tại ASIAD 2018 và giành vé trực tiếp dự Olympic 2020. Chuyến tập huấn này được Tổng cục Thể dục thể thao cũng như ngành Thể thao TP Hồ Chí Minh đặt nhiều kỳ vọng.
Cho đến lúc này, điền kinh Việt Nam chỉ có một số vận động viên (VĐV) có thể tranh chấp huy chương tại ASIAD 2018, trong đó có Bùi Thị Thu Thảo, Quách Thị Lan và Lê Tú Chinh. Những màn thể hiện trong thời gian qua của cô gái này là rất ấn tượng, nhưng điều quan trọng là Lê Tú Chinh có thể thi đấu tốt hơn nữa nếu được đầu tư đúng đắn.
Nữ hoàng tốc độ mới Lê Tú Chinh thống trị đường chạy cự ly ngắn ở SEA Games 29. |
Thực tế, từ cách đây 2 năm, huấn luyện viên Nguyễn Thanh Hương - người phát hiện, đào tạo và đưa Lê Tú Chinh trở thành VĐV chạy cự ly ngắn số 1 Đông Nam Á, đã cho rằng Lê Tú Chinh vẫn cần được tiếp xúc với môi trường tập luyện chuyên nghiệp hơn, tốt hơn so với Việt Nam, được học những chuyên gia nước ngoài thật giỏi. Tập huấn dài hạn ở nước ngoài vẫn là giải pháp tốt nhất cho Lê Tú Chinh, chỉ có như vậy mới giúp cô nâng tầm để đạt được những cột mốc mới về thành tích, tăng khả năng tranh huy chương tại ASIAD 2018 và giành vé trực tiếp dự Olympic 2020. Hiện tại, dù không có đối thủ ở đấu trường SEA Games, song thành tích của Lê Tú Chinh ở cả nội dung 100m và 200m mới nằm trong nhóm 15-20 VĐV hàng đầu châu lục, để lọt vào nhóm 5-7 VĐV hàng đầu lại là câu chuyện khác.
Đây là thời điểm thích hợp để Lê Tú Chinh hướng đến những cột mốc mới trong sự nghiệp. Cô đang ở độ tuổi sung sức, sẵn sàng tiếp thu những kiến thức mới và giàu khát khao trong khi ngành Thể thao TP Hồ Chí Minh đủ nguồn lực tài chính để đưa cô đi tập huấn dài hạn tại Mỹ cho đến năm 2020 (ước tính cần khoản đầu tư hơn 1 tỷ đồng/năm). Quan trọng hơn cả, môi trường tập luyện mới giúp VĐV này không bị phân tâm trong quá trình tập luyện.
Tuy vậy, khi quyết định đưa Tú Chinh sang Mỹ, cần phải tính toán kỹ để giúp VĐV này đạt hiệu quả tập luyện tốt nhất. Cần tính toán kỹ là bởi trước đây, một số cuộc tập huấn dài hạn tại Mỹ của điền kinh Việt Nam đã không đạt được kết quả như mong muốn. Đội tiếp sức 4x400m nữ đã tới Mỹ tập luyện trước khi ASIAD 2014 diễn ra, tuy nhiên, sau đó, các VĐV tiếp sức nữ đã không giành được huy chương ở đại hội thể thao châu lục năm đó. Còn ở đấu trường SEA Games vào các năm 2015 và 2017, cả Quách Công Lịch và Quách Thị Lan, những người đã được cử đi nước ngoài tập huấn, đều không giành được ngôi vô địch cá nhân. Quách Thị Lan chỉ giành được tấm huy chương Bạc ở nội dung 400m cá nhân nữ của tại ASIAD 2014 dù cô đã đặt mục tiêu giành ngôi vô địch.
Vấn đề tồn tại trong các chuyến tập huấn nói trên đã được chỉ ra: VĐV sinh hoạt bên ngoài trung tâm huấn luyện, khó kiểm soát về chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi. Rồi là VĐV có những thói quen khó bỏ, mất thời gian để thích nghi với môi trường mới. Ngoài ra, vốn ngoại ngữ hạn chế cũng khiến họ không thể tiếp thu trọn vẹn kiến thức từ các chuyên gia Mỹ...
Những hạn chế nói trên đã được làm rõ trước chuyến tập huấn của Lê Tú Chinh. Ngay khi sang Mỹ, bên cạnh việc tập luyện chuyên môn, Lê Tú Chinh còn phải học ngoại ngữ để nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới. Với bài học kinh nghiệm từ những chuyến tập huấn trước đây, hy vọng rằng "cô gái vàng" của điền kinh Việt Nam sẽ hoàn thành trọn vẹn chuyến tập huấn dài hạn của mình thay vì phải về nước giữa chừng như trường hợp của một số VĐV môn bơi hay điền kinh trước đây.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.