(HNMO) - Đó là ý kiến trong phát biểu khai mạc của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại hội nghị bàn về giải pháp tích tụ tập trung đất đai...
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Theo số liệu Kiểm tra đất đai năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện cả nước có 27,2 triệu ha đất nông nghiệp, chiếm 82,3% tổng diện tích đất tự nhiên cả nước và chiếm 88% tổng diện tích đất đang sử dụng vào các mục đích. Hộ gia đình cá thể đang quản lý sử dụng 15 triệu ha đất nông nghiệp, chiếm 55% đất nông nghiệp của cả nước; tổ chức kinh tế đang sử dụng 2,7 triệu ha đất nông nghiệp, chiếm 10% đất nông nghiệp của cả nước; cá nhân nước ngoài sử dụng 45.221 ha đất nông nghiệp, chiếm 0,14% tổng diện tích cả nước và chiếm 0,17% tổng diện tích đất các đối tượng sử dụng.
Thực tế cho thấy, quá trình tích tụ, tập trung đất đai diễn ra còn chậm, đất đai manh mún đang là yếu tố cản trở người dân và doanh nghiệp đầu tư dài hạn vào nông nghiệp. Việc tiếp cận đất nông nghiệp của các doanh nghiệp còn khó khăn do công tác công bố, công khai quỹ đất dành cho phát triển nông nghiệp trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa được các địa phương chú trọng. Mặc dù Luật Đất đai đã có cơ chế tự thỏa thuận nhận chuyển quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư nhưng nhiều trường hợp do chưa có sự đồng thuận cao của người sử dụng đất nên không thể tích tụ, tập trung đất đai. Đồng thời, tích tụ ruộng đất để phát triển nông nghiệp nhưng chưa gắn kết đồng bộ giữa kinh tế của nông hộ, các hợp tác xã, hệ thống doanh nghiệp với khoa học công nghệ và thị trường nên chưa thực sự mang lại hiệu quả mong muốn. Mức phí và phí liên quan đến chuyển nhượng đất nông nghiệp áp dụng chung như các bất động sản khác còn tương đối cao so với lợi nhuận có thể tạo ra từ sản xuất nông nghiệp. Nhận thức của người dân về tích tụ ruộng đất còn chưa đầy đủ và có tâm lý găm giữ.
Đất đai là tài nguyên quốc gia vô cùng quý giá không gì thay thế được, việc tích tụ, tập trung đất đai nhằm tạo động lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn là cần thiết. Tuy nhiên, đây là vấn đề hệ trọng, cần phải cân nhắc kỹ lưỡng, trong đó cần coi trọng vấn đề quyền, lợi ích lâu dài và bền vững của người dân, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhân dân, nhà nước và doanh nghiệp. Đồng thời, phát triển lành mạnh thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp, ngăn chặn tình trạng đầu cơ và sử dụng không đúng mục đích, kém hiệu quả...
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng khẳng định: Nông nghiệp, nông thôn, nông dân được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, luôn coi nông nghiệp có ý nghĩa nền tảng bảo đảm ổn định xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân, phát triển đất nước bền vững. Trước năm 1986, phương tiện phát triển đất nước là kế hoạch hóa tập trung, đã đạt được rất nhiều thành tựu, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp, góp phần cung cấp sức người sức của chi viện cho tiền tuyến đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Khi đất nước thống nhất, mô hình kế hoạch hóa tập trung đã bộc lộ hạn chế, cần được thay đổi.
Năm 1986, Việt Nam đã thực hiện công cuộc đổi mới, đến nay, phát triển nền kinh tế theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và kinh tế nông nghiệp luôn là ưu tiên hàng đầu. Trong đó, lấy kinh tế hộ gia đình làm động lực phát triển, có ý nghĩa to lớn trong thời kỳ đổi mới, đưa nước ta từ nước đói nghèo trở thành nước đủ lương thực, thừa lương thực và xuất khẩu lương thực lớn của thế giới.
Tuy nhiên, mô hình kinh tế hộ gia đình với việc quản lý sử dụng đất manh mún, nhỏ lẻ khó phù hợp với điều kiện phát triển nền nông nghiệp quy mô lớn, chất lượng hàng hóa, có năng suất, hiệu quả, bảo đảm đủ sức cạnh tranh nội địa và thế giới. Do đó, việc tích tụ ruộng đất thuận lợi cho đầu tư, áp dụng khoa học công nghệ chuyên canh CHN, HĐH nông nghiệp, nông thôn là yêu cầu hết sức quan trọng.
Thực tế trong năm qua, chính sách về đất đai có nhiều đổi mới về: quản lý, phương thức, bảo đảm giải phóng sức sản xuất của mọi thành phần kinh tế trên cơ sở sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên. Tuy nhiên, cần phải hiểu rõ việc tích tụ ruộng đất không phải làm “nghèo” nông dân, mà cần có giải pháp nâng cao kiến thức tập trung đất cho người dân để họ có nhận thức đúng đắn, sẵn sàng ủng hộ phương thức sản xuất hiện đại, tiên tiến, đưa được công nghệ cao vào nông nghiệp. Qua đó, nông dân vừa có việc làm, vừa được nâng cao chất lượng đời sống, giải phóng một phần sức lao động; đồng thời góp phần thiết lập cơ chế tạo quỹ đất sẵn sàng phát triển nông nghiệp tập trung, quy mô lớn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.