(HNM) - Trong khi các địa phương khác lúa đã cứng cây, xanh đồng thì ở thời điểm này tại xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm, hơn 100ha đất nông nghiệp vẫn chưa được canh tác vì công tác dồn điền, đổi thửa đang bị
"Bờ xôi ruộng mật" để... cỏ mọc
Cánh đồng ở hai bên đường từ thôn Sen Hồ sang thôn Cổ Giang những ngày đầu tháng 4-2014 vẫn trong tình trạng bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm. Ở một vài nơi, đơn vị thi công tiếp tục cho lắp đặt các ống cống trên các trục giao thông và kênh mương. Người dân ở thôn Sen Hồ cho biết, từ Tết Nguyên đán đến cuối tháng 3, toàn bộ các công việc đã bị đình trệ, chính quyền xã hầu như không có động thái nào xúc tiến công tác DĐĐT ngoài thực địa, trong khi người dân rất nóng lòng muốn nhận ruộng để sản xuất.
Nhiều diện tích ruộng ở Sen Hồ, xã Lệ Chi vẫn để hoang hóa dù thời vụ đã qua lâu. |
Đưa phóng viên ra thăm cánh đồng của đội 15, ông Phạm Văn Diện, thôn Sen Hồ xót xa khi nhìn mảnh ruộng của mình bị bỏ hoang đến nửa năm nay mà không được canh tác chỉ vì chuyện DĐĐT "chưa đến nơi, đến chốn của chính quyền địa phương". Ông Diện than vãn: "Chúng tôi không hiểu đang mắc ở đâu mà đã qua mùa vụ mấy tháng trời người dân vẫn chưa được nhận ruộng để canh tác. Ruộng bỏ hoang, người dân thì không có việc làm, lấy gì mà ăn bây giờ?". Theo cách tính của những nông dân nơi đây thì kể từ tháng 8-2013 đến nay (thời điểm bắt đầu triển khai DĐĐT ở thôn Sen Hồ), nếu trồng rau bắp cải, rau bí như mọi năm sẽ thu hoạch được 8 triệu đồng/sào, cộng với một vụ ngô năng suất đạt khoảng 1,8 tạ ngô hạt/sào. Như vậy với 6 sào ruộng của gia đình ông Diện, chỉ tính riêng trồng rau màu cũng đã thất thu hàng chục triệu đồng. "Mấy ngày nay rau bắp cải, rau bí được giá, ai cũng tiếc "đứt ruột", nhưng không còn cách nào khác là chờ chính quyền địa phương giao đất sớm ngày nào hay ngày đó. Hơn nửa năm nay, hai vợ chồng tôi cứ ở nhà... trông nhau!" - ông Diện ca cẩm.
Cùng chung cảnh ngộ, anh Nguyễn Văn Tuấn ở đội 15 cũng có gần 5 sào ruộng nhưng đến nay vẫn chưa được canh tác. Anh Tuấn cho biết, từ tháng 8-2013, khi chính quyền xã triển khai DĐĐT, người dân Lệ Chi hoàn toàn ủng hộ. Họ đã chủ động phá dỡ cây rau màu để thuận lợi cho việc dồn ruộng. "Xã Lệ Chi đặt mục tiêu hoàn thành giao ruộng cho dân vào đầu năm 2014 để kịp thời sản xuất vụ xuân. Chúng tôi đã phải tham dự quá nhiều cuộc họp nhưng đến giờ thì vẫn chưa đạt được kết quả" - anh Tuấn bức xúc cho biết.
Điều đáng nói là không chỉ thôn Sen Hồ, ở thôn Cổ Giang bên cạnh cũng trong tình cảnh tương tự. Ông Dương Văn Pháo ở thôn Cổ Giang cho biết, đã 6 tháng nay đất thì bỏ hoang, nông dân không có việc làm. Chúng tôi đã trải qua 17 cuộc họp nhưng đồng ruộng cỏ thì xanh tốt, cống rãnh vẫn chưa xây xong; quy hoạch chiều dài mỗi thửa ruộng vẫn chưa có được sự đồng thuận cao của người dân... Gia đình ông Pháo có 9 sào ruộng, trong đó có 5 sào trồng màu và 4 sào trồng lúa, theo kế hoạch sau dồn ruộng sẽ giảm từ 8 thửa xuống còn 2 thửa. "Phần diện tích trồng màu thì còn cứu vãn được bằng trồng cải bắp, rau bí, chứ diện tích trồng lúa thì đã quá mùa vụ mấy tháng nay, hơn nữa đồng trũng, ngập nước thì cũng không thể trồng cây rau màu vào đó được" - ông Pháo nói trong lo lắng.
Chính quyền xã chưa quyết liệt
Theo phản ánh của người dân thôn Sen Hồ thì tình trạng này xảy ra là do lãnh đạo xã Lệ Chi chưa sâu sát để giải quyết thấu đáo, hợp tình, hợp lý những kiến nghị của nhân dân. "Chúng tôi không đồng tình việc chưa xây dựng xong mương máng, cống rãnh đã chia ruộng cho nhân dân. Việc đặt ống cống cũng không bảo đảm chất lượng, giữa cống và đế cống không gắn xi măng, cát vàng, sỏi" - ông Diện phản ánh.
Làm việc với lãnh đạo xã Lệ Chi, ông Nguyễn Văn Thiệu, Chủ tịch UBND xã cho biết, theo phương án DĐĐT của xã, hiện trạng tổng số diện tích sản xuất nông nghiệp là hơn 400ha; các thôn Gia Lâm, Kim Hồ, Chi Nam, người dân đã được nhận ruộng ngoài thực địa và tiến hành sản xuất. Tuy nhiên, ở hai thôn Sen Hồ và Cổ Giang, do gặp nhiều vướng mắc nên đến thời điểm này mới giao được phần nhỏ diện tích so với tổng diện tích đất nông nghiệp. Duy nhất tại đội 13, thôn Sen Hồ, phải qua hàng chục cuộc họp, giải quyết nhiều kiến nghị, đến đầu tháng 4, người dân ở đội này mới được nhận ruộng với tổng diện tích 38ha. Tại đội 14, chính quyền xã mới giao đất cho gia đình chính sách và đang giao đất đám mạ, việc gắp phiếu vẫn chưa được thực hiện. Tại đội 15 còn nhiều vướng mắc nhất nên thời điểm này chính quyền xã phải phát phiếu xin ý kiến đến từng hộ dân về việc ghép ô thửa. "Nếu đạt được sự đồng thuận của nhân dân chúng tôi sẽ khẩn trương tiến hành các bước tiếp theo" - ông Thiệu cho hay.
Như vậy, theo số liệu tổng hợp của UBND xã thì đến nay ở Lệ Chi vẫn còn khoảng trên 140ha đất nông nghiệp chưa được canh tác, trong đó riêng thôn Cổ Giang là gần 90ha, còn lại là của thôn Sen Hồ và thời điểm giao đất cho nhân dân sản xuất vẫn chưa ấn định chắc chắn. Trả lời về vấn đề này, ông Thiệu thừa nhận việc chậm trễ trong các bước DĐĐT đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất vụ xuân và gây thiệt hại không nhỏ cho nông dân. Tuy nhiên, khi đề cập đến nguyên nhân và trách nhiệm để xảy ra sự cố nói trên, lãnh đạo xã Lệ Chi chỉ nói gọn lỏn: "Do khối lượng công việc quá nhiều, từ trong Tết vì vướng hoa màu của nhân dân nên trong quá trình thi công đường, mương thủy lợi đơn vị thi công phải chừa lại, ra Tết mới san gạt tiếp được". Thế nhưng, khi quan sát thực tế ở thời điểm cuối tháng 3-2014, chúng tôi không hề thấy dấu hiệu thi công mới nào của đơn vị nhà thầu trên các cánh đồng. Rõ ràng, việc người dân phản ánh "từ sau Tết Nguyên đán đến thời điểm cuối tháng 3 gần như mọi công việc trong DĐĐT đã bị ngưng trệ" là hoàn toàn đúng với thực tế.
Ông Thiệu cũng giải thích thêm rằng, việc chậm trễ trong DĐĐT cũng có phần nguyên nhân từ việc xã phải tập trung giải quyết nhiều ý kiến, kiến nghị của người dân. "Về kiến nghị lắp ống cống không đúng quy trình kỹ thuật, khi mới triển khai DĐĐT người dân đồng ý lắp tạm để đẩy nhanh tiến độ, nhưng vừa rồi thì họ lại đổi ý là yêu cầu lắp đặt hoàn chỉnh" - ông Thiệu nói. Tuy nhiên, để giải quyết một vấn đề không lớn, nằm trong tầm tay nhưng phải đến đầu tháng 4, chính quyền xã Lệ Chi mới yêu cầu đơn vị thi công lắp đặt ống cống theo đúng thiết kế, đây là một sự chậm trễ không đáng có.
Tại thôn Cổ Giang, theo Chủ tịch Nguyễn Văn Thiệu, tình hình hiện nay cũng còn nhiều vướng mắc phải giải quyết. Tại phần đất ở khu Tổ Giống đã được UBND huyện Gia Lâm phê duyệt ngày 24-6-2013 triển khai dự án đầu tư xây dựng trường mầm non (phần đất này có 34 hộ đang sử dụng với diện tích 1,4ha), trước đây xã đã chỉ đạo và nhân dân họp thống nhất giữ nguyên không đưa vào DĐĐT. Tuy nhiên, hiện nay một số người dân lại có ý kiến đề nghị chia đều kinh phí giải phóng mặt bằng cho các khẩu nông nghiệp trong thôn. Chính điều này là nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ DĐĐT ở Cổ Giang. Về vấn đề này, ngày 24-3-2014, UBND huyện Gia Lâm đã có văn bản khẳng định: "Một số công dân thôn Cổ Giang đề nghị khi DĐĐT, tất cả các gia đình trong thôn đều được nhận đất (mảnh thứ 3) tại vị trí đã lập dự án xây dựng trường mầm non để sau này được nhận tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng là không phù hợp với chủ trương, chính sách của thành phố".
Trao đổi với phóng viên, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Gia Lâm Nguyễn Thị Thanh Hà nhấn mạnh, quan điểm của UBND huyện Gia Lâm là chỉ đạo xã Lệ Chi giải quyết thấu đáo, đúng pháp luật các ý kiến, kiến nghị của người dân. UBND huyện cũng yêu cầu xã Lệ Chi thực hiện nghiêm túc quy hoạch, kế hoạch đã được duyệt, khẩn trương tiến hành các bước để giao đất cho người dân. Về những thắc mắc giao đất theo Nghị định 64/CP của một số hộ dân, bà Hà cho biết, đây là "vấn đề lịch sử để lại", do vậy khi hộ dân có ý kiến, kiến nghị, các cơ quan liên quan sẽ vào cuộc xác minh, làm rõ để bảo đảm đúng quyền lợi. Còn ở thời điểm hiện nay, UBND xã cần căn cứ vào quyền sử dụng đất hợp pháp của mỗi gia đình để chia ruộng trên thực địa.
DĐĐT ở xã Lệ Chi đã được người dân đồng tình ủng hộ, đây là một thuận lợi rất lớn cho chính quyền. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai chính quyền xã đã thiếu quyết liệt, đôi lúc còn thiếu minh bạch khiến người dân thiếu thông tin và có tư tưởng nghi ngại. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay ở Lệ Chi là chính quyền địa phương cần thực hiện nghiêm túc quy hoạch, kế hoạch và triển khai các bước công khai, dân chủ, đúng pháp luật để người dân hiểu và đồng tình ủng hộ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.