(HNM) - Đã 15h30 (ngày 26-1, cũng là 29 Tết Đinh Dậu), đi suốt từ 10h sáng đến giờ, ông Quân (ở phố Tây Sơn, quận Đống Đa) vẫn chưa tìm được cho mình cành đào ưng ý. Ghé vào góc hồ Ba Mẫu, thấy một gốc đào khá đẹp, ông cất lời hỏi người thanh niên bán hàng:
- Cháu bán bao nhiêu gốc đào này?
- Chú cứ xem đi, rồi trả giá cũng được ạ - anh bán đào vui vẻ trả lời.
Ngắm nghía một hồi, cuối cùng người bán đào cũng đồng ý bán cho ông Quân cây đào với giá 1,5 triệu đồng, nhưng đề nghị ông ra Tết cho xin lại gốc đào.
Chở cây đào đi theo ông, anh lái xe khá cẩn thận để giữ cho cây không va quệt vào ai. Tới nơi, khênh gốc đào vào nhà, nhìn cái chậu hoa, anh bảo:
- Cái chậu này của nhà chú không vừa đâu.
- Thôi. Anh chở tôi đi mua cái chậu khác nhé? - ông Quân nói.
Người bán đào chở ông vòng ra đường Láng tìm, không có loại chậu to thế, anh bảo:
- Xuống Mai Động chú ạ, chợ này nhiều chậu lắm.
Ông ngại đi xa, lại sợ vớ phải anh có “máu làm tiền”, tính cả công xá nữa thì Tết mất vui, nên ông bảo anh đưa xuống khu sân vận động Nhà máy Cơ khí Hà Nội cũ. Tìm được cái chậu, anh còn nhắc ông không nên mất thêm mấy chục ngàn đồng mua đất, để anh xem “có chỗ nào tiện, làm vài xẻng là ổn”. Xin được ít cát bên đường, nên khi bốc gốc đào vào chậu, anh làm khá gọn. Xoay chậu hoa theo ý ông, tưới vào gốc đào một gáo nước, anh dặn ông “hai ngày chú hãy tưới một lần nhé”. Ra về, anh không đòi thêm một “đồng bồi dưỡng” nào.
Ngày Tết, ai đến chơi nhà cũng khen ông Quân có chậu đào đẹp mà giá thì hợp lý, khiến ông lại nhớ đến anh bán đào có tên Phong, ở Chương Mỹ. Kể lại chuyện trên với Người Xây Dựng, ông bảo:
Tết này, ngẫm lại thêm vui
Sắc đào, thắm giữa chuyện người chân phương
Những người lấm láp bụi đường
Những người lao động bình thường, đáng khen.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.