(HNM) - Thực hiện Quyết định 59/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về ban hành quy định tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, TP Hà Nội đang gấp rút rà soát, thống kê để sớm ban hành quyết định về chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có mức sống trung bình.
Từ tháng 11-2015, Ban Chỉ đạo trợ giúp người nghèo TP Hà Nội đã thống nhất hai phương án điều tra. Kết quả điều tra hộ nghèo theo phương án 1 (có mức thu nhập 900 nghìn đồng/người/tháng đối với nông thôn và 1,2 triệu đồng/người/ tháng ở thành thị) thành phố có 63.310 hộ nghèo (chiếm 2,54%); theo phương án 2 (1 triệu đồng/ người/tháng ở nông thôn và 1,3 triệu đồng/người/tháng ở thành thị), thành phố là 75.505 hộ nghèo (chiếm 4,22%).
Dạy nghề mây tre đan cho nông dân huyện Chương Mỹ. Ảnh: Thái Hiền |
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Khuất Văn Thành khẳng định, nhiều năm qua, Hà Nội luôn áp dụng chuẩn nghèo cao hơn mức chung toàn quốc. Trên cơ sở kết quả điều tra thực tế, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và khả năng cân đối nguồn lực để thực hiện các chính sách hỗ trợ, liên ngành Sở LĐ-TB&XH - Cục Thống kê đã thống nhất trình UBND TP Hà Nội dự kiến mức chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020. Theo đó, hộ nghèo ở nông thôn có mức thu nhập từ 1 triệu đồng/ người/tháng trở xuống và hộ nghèo thành thị có mức thu nhập từ 1,3 triệu đồng/người/tháng trở xuống; hộ cận nghèo ở nông thôn có mức thu nhập trên 1 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng/ người/tháng, với thành thị mức thu nhập là trên 1,3 triệu đồng đến 1,95 triệu đồng/ người/tháng. Đây được xem là mức hợp lý để thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ thành phố, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 1,3%.
Theo Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Thùy, dù cuộc điều tra rất công phu, nhưng không phải hộ nào cũng tiếp cận được phiếu khảo sát, bởi thời điểm này thì họ có mức khá, thời điểm khác lại ở diện nghèo, trong khi việc điều tra, khảo sát lại theo đợt. Từ thực tế đó, thành phố nên quy định thêm thủ tục hành chính liên thông cấp xã về xác định hộ nghèo, cận nghèo để khắc phục bất cập, bảo đảm tối ưu công tác điều tra, khảo sát.
Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Phạm Thị Thanh Mai cho rằng, phải tính được bình quân số hộ nghèo, cận nghèo khi tiếp cận đa chiều theo quyết định của Thủ tướng, bởi điều đó có liên quan đến phân bổ ngân sách và chính sách hỗ trợ đối với các hộ nghèo. Phó Chủ tịch HĐND thành phố Lê Văn Hoạt cho rằng, việc xác định hộ nghèo nên theo mặt bằng chung của cả nước, tăng thì thành phố cũng áp tăng; chỉ tiêu phải áp dụng có căn cứ, trên cơ sở quy định chung và điều kiện thực tế phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, mức chuẩn nghèo, cận nghèo sẽ được công bố công khai tại các xã, phường, thị trấn, vì thế cần phải xác định chính xác, trên cơ sở điều tra cụ thể, minh bạch. Cùng với xác định hộ nghèo cần có giải pháp hỗ trợ thoát nghèo. Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu, trước mắt ngành LĐ-TB&XH thành phố phải rà soát, xác định chính xác trong số hộ nghèo, cận nghèo, có bao nhiêu người chưa có việc làm, chưa được đào tạo nghề. Từ đó, tìm giải pháp đào tạo, giới thiệu, hỗ trợ việc làm giúp người dân thoát nghèo. Những hộ không có khả năng thoát nghèo do già yếu, tàn tật, không nơi nương tựa, mất sức lao động thì sẽ gắn với chương trình hỗ trợ xây, sửa nhà cửa, mua bảo hiểm y tế… Đây là nhiệm vụ phải triển khai sớm và gắn với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
* Theo Quyết định 59/2015/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chuẩn nghèo khu vực nông thôn là có mức thu nhập 700 nghìn đồng/người/tháng, ở thành thị là 900 nghìn đồng/người/tháng. Chuẩn cận nghèo khu vực nông thôn là 1 triệu đồng/người/tháng và thành thị là 1,3 triệu đồng/ người/tháng. * Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Khuất Văn Thành cho biết, dù mức thu nhập bình quân của người dân TP Hồ Chí Minh cao hơn Hà Nội, nhưng xét đa chiều thì tỷ lệ người dân Hà Nội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cao hơn TP Hồ Chí Minh. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.