Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình hội nhập đang làm gia tăng tính cạnh tranh về lao động lành nghề trong khu vực và quốc tế. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội với các cơ sở đào tạo nghề. Thay vì tập trung vào cơ sở vật chất, các trường nghề đang có xu hướng liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo nghề quốc tế.
Đại diện các trường, trung tâm dạy nghề của Anh thăm quan tại Trường Cao đẳng Kinh tế-Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Đại sứ quán Anh) |
Khẳng định này được đưa ra tại thảo “Hợp tác Việt Nam-Anh quốc trong giáo dục và đào tạo kỹ năng nghề nghiệp” Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) tổ chức ngày 17-1 tại Hà Nội.
Hợp tác cùng có lợi
Với mạng lưới 1.979 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 395 trường cao đẳng, 545 trường trung cấp, 1.039 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, Việt Nam đang trở thành một trong những đối tác tiềm năng của quốc tế.
Phát biểu tại hội thảo, ông Steph Lysaght, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam cho biết: "Sở dĩ chúng tôi muốn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo kỹ thuật, kỹ năng nghề nghiệp vì đây là mối quan tâm của cả hai bên. Việt Nam đang có sự phát triển kinh tế rất tốt và cần một đội ngũ có kỹ năng, kiến thức. Chúng tôi thì có nhiều công ty, trường học, tổ chức có kinh nghiệm, có thể hỗ trợ các bạn đào tạo lĩnh vực này. Đây là mối quan hệ hợp tác 2 bên cùng có lợi. Đặc biệt chúng tôi mạnh nhất ở lĩnh vực sản xuất ôtô, may mặc.”
Tiến sỹ Phạm Vũ Quốc Bình, Cục trưởng Cục Kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) cho rằng, bối cảnh mới với sự phát triển nhanh của Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động và đặt ra nhiều thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam. Để đạt được mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, Việt Nam cần xây dựng hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, hiện đại, hội nhập kỹ năng học tập suốt đời cho người dân gắn với doanh nghiệp và việc làm, thị trường an sinh xã hội.
Theo ông Bình, để phát huy hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng nhu cầu về việc làm cần thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ với doanh nghiệp.
“Doanh nghiệp phải đóng vai trò dẫn dắt đối với giáo dục nghề nghiệp, tham gia vào các khâu trong giáo dục nghề nghiệp như: Xác định nhu cầu đào tạo; xây dựng bộ tiêu chuẩn phù hợp với bối cảnh, điều kiện nhu cầu của doanh nghiệp; nâng cao chất lượng cơ sở đào tạo lấy người học làm trung tâm, xây dựng hệ thống đào tạo chất lượng, tạo niềm tin cho xã hội,” Tiến sỹ Phạm Vũ Quốc Bình nhấn mạnh.
Hợp tác đào tạo quốc tế
Tại hội thảo, đại diện một số trường đại học, cao đẳng, tổ chức cung cấp chương trình, dịch vụ đào tạo và các công ty chuyên cung cấp giải pháp doanh nghiệp đã giới thiệu chương trình phát triển nghiệp vụ, chứng chỉ dạy nghề, đào tạo giáo viên, các khóa học với chứng chỉ uy tín được công nhận rộng rãi.
Bà Katie Hewitt, Tư vấn giáo dục (Công ty Phát triển giải pháp toàn cầu) nhấn mạnh, bối cảnh hiện tại có rất nhiều thay đổi, thách thức được đặt ra là phải giúp cho người trẻ có được nhiều kỹ năng phục vụ cho công việc tương lai của họ. Vì vậy, các cơ sở đào tạo phải cho họ đội ngũ giáo viên tốt cũng như tăng cường sự hợp tác với các doanh nghiệp để chuẩn bị tốt nhất cho tương lai của thế hệ trẻ.
Quá trình hội nhập đang diễn ra mạnh mẽ cũng đặt ra những thách thức cho các đơn vị giáo dục nghề nghiệp. Các chuyên gia đã chỉ ra rằng để tồn tại và phát triển đòi hỏi các trường phải không ngừng thay đổi để nâng cao tính cạnh tranh thu hút học viên và các nhà đầu tư quốc tế trong hợp tác đào tạo nguồn nhân lực.
Thừa nhận đào tạo nghề hiện nay đang cạnh tranh gay gắt, Tiến sỹ Bùi Chính Minh, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội cho rằng: “Đầu tư đổi mới thu hút được người học là rất quan trọng và để làm điều đó chúng ta phải nâng cao chất lượng đào tạo ra thương hiệu, đặc biệt là xây dựng quan hệ quốc tế. Chúng tôi nghĩ nhân lực Việt Nam hiện nay đào tạo ra thực sự cũng chưa đáp ứng tốt cho thị trường lao động Việt Nam vì vậy chúng ta phải vươn lên. Trước hết là thị trường lao động Việt Nam và đặc biệt phải hòa nhập tạo ra lao động tốt trên thị trường quốc tế.”
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp 4.0, nhu cầu tuyển dụng sẽ thay đổi. Đây vừa là thời cơ vừa là thách thức của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Các cơ sở dạy nghề muốn tự chủ, đứng vững trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt buộc phải phát triển theo hướng mở rộng ra hợp tác với các nước có chương trình đào tạo tốt trong khu vực và trên thế giới.
Theo Đại sứ quán Anh, các nhà cung cấp giáo dục và đào tạo kỹ thuật dạy nghề hàng đầu của quốc gia này đã đến thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội từ 15 đến 18-1 nhằm mục đích mở rộng và xây dựng cơ hội hợp tác với các tổ chức chính phủ, doanh nghiệp, trường học, trường cao đẳng và đại học tại hai thành phố này. Phái đoàn lần này gồm có đại diện của 7 trường đại học, cao đẳng, các tổ chức cung cấp chương trình, dịch vụ đào tao và các công ty chuyên cung cấp giải pháp doanh nghiệp như các chương trình phát triển nghiệp vụ, chứng chỉ dạy nghề, đào tạo giáo viên, các khóa học với chứng chỉ uy tín được công nhận rộng rãi. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.