Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Vẫn mắc “bệnh” hình thức

Bách Sen| 03/11/2013 05:52

(HNM) - Trao đổi với báo chí, ông Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH khẳng định: Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 (Đề án 1956) với nguồn vốn ngân sách đầu tư trực tiếp dự kiến lên đến gần 26.000 tỉ đồng đang bộc lộ sự lãng phí trong triển khai.

- Thưa ông, Đề án 1956 triển khai đã hơn 3 năm. Nhiều thông tin từ thực tế cho thấy, hiệu quả mang lại cho thanh niên nông thôn là rất thấp. Ông có cùng chung cảm nhận này?

Ông Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH.


- Một trong những đặc điểm của Đề án 1956 là đào tạo nghề trực tiếp cho thanh niên nông thôn ngay tại địa phương nơi họ sinh sống. Đây là ý tưởng hay nhưng việc thực hiện không nghiêm túc. Nội dung, chương trình các lớp tập huấn nghề chưa cung cấp kiến thức, kỹ năng cần thiết cho người học để họ có thể tạo ra những sản phẩm liên quan đến thế mạnh của từng địa phương. Đặc biệt, có địa phương chạy theo số lượng để “tranh thủ” giải ngân ngân sách nhà nước chi cho đề án. Đây là sự lãng phí lớn cả về ngân sách nhà nước và cả về thời gian của người lao động.

- Thưa ông, nếu cứ tiếp diễn tình trạng học nghề theo phong trào, liệu đến 2015 chúng ta có đạt được mục tiêu là 40% lao động nông thôn có nghề?

- Tôi cho rằng kỳ vọng của những người xây dựng đề án hơi cao và có thể chỉ đạt được về mặt con số nhưng thực chất hiệu quả thế nào mới là vấn đề. Thành tích đào tạo lao động không gắn với tiêu chuẩn, việc làm sẽ chẳng còn mấy ý nghĩa, dù tỷ lệ này rất khớp với mục tiêu Chính phủ đặt ra. Đáng nói, hiện đang thiếu tiêu chí đánh giá chất lượng đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn. Khi mọi đánh giá không rõ ràng thì cũng khó làm rõ kết quả đề án.

- Vậy cần phải làm gì để đào tạo nghề cho lao động nông thôn thật sự mang lại hiệu quả?

- Việc cần làm hiện nay là cơ quan chức năng hãy nghiên cứu, mang đến những nội dung đào tạo mà thanh niên nông thôn thực sự cần. Các địa phương không nên chạy theo các chỉ tiêu số lượng và hình thức, mà phải làm một cách nghiêm túc, hiệu quả. Hiện đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn đã khó, việc dạy kiến thức sản xuất kinh doanh cho đồng bào dân tộc còn khó hơn, vì số nghề phù hợp với bà con dân tộc rất ít. Khi trình độ của bà con còn ở mức thấp, họ cũng chưa có nhu cầu đào tạo nghề. Cần tính toán kỹ phương án giải quyết mâu thuẫn này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Vẫn mắc “bệnh” hình thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.