Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đào tạo ngành y, dược: Làm rõ chất lượng các trường

Quỳnh Phạm| 09/12/2014 05:12

(HNM) - Sau một vài năm cho phép các trường đại học, cao đẳng mở ngành y, dược, mới đây Bộ GD-ĐT đã ra quyết định tạm dừng.

Động thái này, một mặt thể hiện quyết tâm chấn chỉnh chất lượng ngành đào tạo một nghề liên quan đến sinh mạng con người; mặt khác cũng cho thấy nhiều vấn đề xung quanh những bất cập của nguồn nhân lực ngành y tế hiện nay.

Công tác đào tạo ngành y, dược rất cần được nâng cao chất lượng. Ảnh: Tuấn Vũ


Tăng quy mô, giảm chất lượng

Trong ít mùa tuyển sinh trước đây, dư luận không khỏi lo lắng khi hàng loạt trường ĐH, CĐ được phép mở thêm một số ngành đào tạo thuộc khối y, dược nhằm đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực y tế. Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước có hơn 20 trường ĐH đào tạo nhân lực ngành này với các chuyên ngành bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ... 35 trường CĐ y, dược đào tạo điều dưỡng, hộ sinh, dược sĩ... cùng 44 trường trung cấp và 16 viện, bệnh viện đào tạo sau ĐH. Hằng năm, số sinh viên y, dược đều tăng, năm 2011 tăng gấp 7 lần năm 2003 và gấp 2 lần năm 2007. Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng thừa nhận: Chất lượng đào tạo nhân lực y tế còn nhiều bất cập. Sinh viên, học sinh ngành y ra trường chưa có khả năng làm việc độc lập, chất lượng đầu vào và sản phẩm đào tạo giữa các trường có khoảng cách khá xa.

Bên cạnh đó, chỉ tiêu tuyển sinh ngành y, dược những năm qua cũng tăng đột biến. Có một số trường lấy điểm đầu vào rất cao như ĐH Y Hà Nội, ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh, ĐH QG Hà Nội, ĐH QG TP Hồ Chí Minh, ĐH Y dược Cần Thơ... thì ở một số trường ngoài công lập, thí sinh chỉ cần đạt điểm sàn hoặc trên mức sàn không đáng kể đã có thể theo học ngành y. Điểm vào ngành dược sĩ Trường ĐH Đại Nam là từ 15 điểm, ngành dược học của Trường ĐH Lạc Hồng khối A từ 14 điểm, khối B từ 15 điểm. Ngành dược học Trường ĐH Nam Cần Thơ tuyển khối A từ 13 điểm, hệ CĐ tuyển ở mức 10 điểm. Ngành điều dưỡng, y tế cộng đồng ĐH Thăng Long cũng chỉ đưa ra điểm trúng tuyển khối A, A1 là 14. Bên cạnh đó, khác với nhiều ngành chỉ cần có giảng đường, sinh viên tự đọc sách và thầy cô diễn thuyết, đào tạo ngành y cần rất nhiều trang thiết bị để thực hành và không thể thiếu bệnh viện để thực tập.

Về chương trình đào tạo, nếu như ở một số nước tiên tiến, để được hành nghề bác sĩ đa khoa, bác sĩ phải qua một chương trình y khoa được kiểm định và công nhận bởi cơ quan cấp chứng chỉ hành nghề quốc gia, phải thi đỗ kỳ thi cấp chứng chỉ hành nghề. Còn muốn trở thành bác sĩ chuyên khoa, họ phải học thêm ít nhất 2 năm tại cơ sở đào tạo chuyên khoa. Trong khi đó ở Việt Nam, bác sĩ đa khoa có thể hành nghề sau 6 năm học tại trường y. Sinh viên mới ra trường chỉ cần làm việc ở một cơ quan y tế đủ 18 tháng là có thể thi và học chuyên khoa cấp I.

Sẽ rà soát tất cả các trường

Trước thực trạng đào tạo rộng rãi ngành y, dược, trong một hội nghị của ngành giáo dục ĐH, đại diện Bộ Y tế đã bức xúc cho rằng việc mở ngành quá dễ dàng trong khi một số trường đa ngành, trường ngoài công lập không đủ điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo. Bộ Y tế cũng từng có công văn gửi Bộ GD-ĐT "than phiền" về chất lượng đào tạo không đồng đều giữa các trường. Bộ Y tế bày tỏ lo lắng về việc giao cho các sở GD-ĐT thẩm định điều kiện bảo đảm chất lượng để mở ngành, vì qua khảo sát có nhiều đơn vị không đủ năng lực chuyên môn và điều kiện để đào tạo, nhất là với khối các trường ngoài công lập. Chỉ tiêu tuyển sinh tăng được cho là không phù hợp với quy hoạch của ngành và ảnh hưởng lớn đến chất lượng đào tạo. Bộ Y tế đã đề nghị Bộ GD-ĐT cần có quy định chặt chẽ hơn trong mở ngành với sự tham gia về chuyên môn của Bộ Y tế và các chuyên gia y tế. Ngoài ra, việc giao chỉ tiêu đào tạo nhân lực y tế cho các cơ sở đào tạo ngoài công lập cần căn cứ vào cả tiêu chí năng lực chuyên môn và cơ sở thực hành.

Tuần qua, Bộ GD-ĐT đã ra quyết định tạm dừng việc xem xét mở ngành đào tạo trình độ ĐH các ngành y đa khoa, răng hàm mặt, y học cổ truyền và trình độ ĐH, CĐ đối với các ngành dược học tại các trường đa ngành, không thuộc khối chuyên ngành y, dược. Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, quyết định này đã có sự thống nhất với Bộ Y tế nhằm thực hiện chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục ĐH trong lĩnh vực khoa học sức khỏe, nâng cao chất lượng đội ngũ thầy thuốc phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cũng mở một cánh cửa: Trong trường hợp cần thiết, để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho một số địa phương, vùng miền, Bộ sẽ phối hợp với Bộ Y tế xem xét nhu cầu nhân lực thực tế, thẩm định các điều kiện cần thiết để bảo đảm chất lượng đào tạo trước khi quyết định cho mở ngành tại các cơ sở đào tạo ĐH không chuyên ngành y, dược.

Về hướng bảo đảm chất lượng đào tạo đối với các cơ sở vẫn được phép đào tạo, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế sẽ tiến hành rà soát, đánh giá trên toàn quốc về đội ngũ cán bộ giảng dạy, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác đào tạo nhân lực y tế. Còn chỉ tiêu tuyển sinh của ngành này được xác định theo số giảng viên cơ hữu quy đổi của từng ngành và các điều kiện đã được quy định để bảo đảm chất lượng. Cơ sở đào tạo không được tuyển sinh vượt số lượng chỉ tiêu đã được xác định. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng, để các bác sĩ ra trường có thể đáp ứng yêu cầu thực tế của ngành y dược, cần xác định rõ chất lượng đào tạo của các trường. Việc này phải được thực hiện với sự tham gia của các đơn vị đánh giá, kiểm định.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đào tạo ngành y, dược: Làm rõ chất lượng các trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.