Những bước tiến mạnh bạo của Trung Quốc nhằm tranh thủ các đảo quốc ở vùng Nam Thái Bình Dương đã làm Mỹ như thể thức tỉnh, ráo riết chinh phục lại các đối tác ở nơi vốn từng là vùng ảnh hưởng của Mỹ và hạ quyết tâm tiến nhanh hơn, xa hơn Trung Quốc.
Trên phương diện này, Mỹ đã khởi hành chậm hơn Trung Quốc, nhưng cho đến nay thì lại tiến bước có phần nhanh hơn. Cuộc ganh đua giữa Mỹ và Trung Quốc vì thế sẽ càng ngày càng thêm quyết liệt, sẽ còn sôi động thêm nữa và hiện chưa ai dám chắc rồi đây cuối cùng "mèo nào cắn mỉu nào"; nhất là khi, ngoài hai nước này ra còn có cả một số đối tác khác nữa trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và đến từ châu Âu cũng đều muốn hoặc đã bắt đầu tham gia cuộc chơi chung.
Trong việc tranh thủ ảnh hưởng với các đảo quốc nhỏ ở vùng xa này, Mỹ có nhiều lợi thế và ưu thế nổi trội hơn hẳn Trung Quốc. Mỹ có mối quan hệ đồng minh chiến lược truyền thống với Australia và New Zealand. Mỹ cùng với Nhật Bản, Ấn Độ và Australia tạo thành cái gọi là Bộ Tứ cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Những đối tác khác tăng cường coi trọng các đảo quốc nhỏ ở vùng Nam Thái Bình Dương đều giống Mỹ ở chỗ ngầm theo đuổi mục đích đối phó Trung Quốc và vì thế dễ dàng hợp tác với Mỹ trong việc tranh thủ các đảo quốc này nói riêng, kiến tạo tương lai cho vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói chung.
Những mưu tính mục tiêu và lợi ích chiến lược của Mỹ, Trung Quốc và các đối tác bên ngoài khác làm cho các đảo quốc nhỏ có được vị trí quan trọng trong chiến lược của Mỹ, Trung Quốc và các đối tác kia. Cuộc ganh đua giữa họ với nhau khiến cho các đảo quốc nhỏ bất ngờ có được giá trị địa chiến lược lớn và có nhiều sự lựa chọn đối tác. Nhờ có giá hơn nên các đảo quốc nhỏ này tự tin và có thể thực dụng hơn trong xử lý quan hệ của họ với tất cả các đối tác bên ngoài. Đấy cũng còn là một nét rất đặc biệt của thời cuộc thế giới hiện tại.
Mỹ hiện đang triệt để tận dụng những ưu thế và lợi thế này, tận dụng cơ hội và thời gian để lôi kéo và ràng buộc các đảo quốc nhỏ ở nơi đây vào mối quan hệ hợp tác với Mỹ. Hồi tháng 9 năm ngoái, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã mời tất cả các đảo quốc trong vùng Nam Thái Bình Dương sang Mỹ tham dự một cuộc gặp cấp cao, khai sinh ra khuôn khổ diễn đàn hợp tác mới giữa Mỹ và các đảo quốc này. Tổng thống J.Biden dự định sẽ tổ chức cuộc gặp cấp cao thứ hai của khuôn khổ diễn đàn ấy vào cuối năm nay.
Chỉ riêng trong thời gian hơn một tháng vừa qua, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Anthony Blinken đã 3 lần công du tới khu vực. Mới đây, ông Blinken là Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ đầu tiên tới thăm và khai trương Đại sứ quán Mỹ ở Tonga. Cuộc tập trận chung Talisman Sabre năm nay của Mỹ và Australia có sự tham gia của nhiều đảo quốc trong khu vực. Mỹ tăng cường hợp tác về quân sự, quốc phòng, an ninh với Australia và New Zealand để thể hiện tiềm lực quân sự bảo đảm an ninh cho các đảo quốc trong vùng.
Các đảo quốc nhỏ nói riêng và cả vùng Nam Thái Bình Dương nói chung đã trở thành một tâm điểm mới không những chỉ của cuộc cạnh tranh chiến lược trên mọi phương diện giữa Mỹ và Trung Quốc mà còn của những diễn biến trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. "Cuộc chơi" địa chiến lược ở nơi đây càng quyết liệt, sôi động và dai dẳng thì các đảo quốc nhỏ càng thêm sáng giá đối với tất cả các đối tác khác ở trong cũng như ở bên ngoài khu vực lớn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.