(HNM) - Đúng với dự đoán của dư luận quốc tế, cuộc hội đàm kéo dài 2 ngày (18 và 19-3) giữa các quan chức cấp cao của Mỹ và Trung Quốc tại Alaska (Mỹ) đã kết thúc mà không đưa ra được bất cứ tuyên bố nào mang tính đột phá. Điều này cho thấy, chặng đường khôi phục quan hệ giữa hai nước thời gian tới còn rất nhiều việc phải làm mới có thể thu hẹp được những bất đồng.
Hội đàm cấp cao Mỹ - Trung là cuộc gặp quan trọng đầu tiên theo hình thức trực tiếp giữa hai nước dưới thời chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden sau 4 năm quan hệ song phương rơi xuống mức thấp nhất. Tham dự cuộc hội đàm, về phía Mỹ có Ngoại trưởng Antony Blinken và Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan, về phía Trung Quốc có Ủy viên quốc vụ Dương Khiết Trì và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Vương Nghị.
Ngay trước thềm cuộc hội đàm, giới chuyên gia đã không đặt nhiều kỳ vọng về việc Mỹ và Trung Quốc sẽ đạt được kết quả nhất định khi hai bên vẫn còn quá nhiều bất đồng cũng như sẽ giữ vững lập trường trong nhiều vấn đề.
Trước hết, Mỹ và Trung Quốc có quan điểm khác nhau ngay ở cách định nghĩa về cuộc gặp. Trong khi Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi đây là đối thoại chiến lược cấp cao thì khi điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, Ngoại trưởng Mỹ A.Blinken nhấn mạnh, đây không phải là cuộc đối thoại chiến lược và sẽ không giống như các cuộc đối thoại chiến lược thông thường trước đây giữa Trung Quốc và Mỹ. Theo ông A.Blinken, cuộc hội đàm là cơ hội để Mỹ bày tỏ quan điểm thẳng thắn đối với những vấn đề của Trung Quốc. Còn ông Dương Khiết Trì và Vương Nghị đều cho rằng, phía Mỹ phải có trách nhiệm trong việc sửa chữa mối quan hệ sau 4 năm cầm quyền của Tổng thống Donald Trump. Hai nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc cũng cho biết đã thúc đẩy Mỹ tái khởi động các cơ chế đối thoại thường xuyên.
Hiện tại, căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc vẫn ở mức cao, nhiều lĩnh vực hợp tác song phương bị xáo trộn đáng kể dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong đó phải kể đến việc áp thuế trừng phạt lẫn nhau và những bất đồng từ quốc phòng tới công nghệ. Cuộc gặp trực tiếp gần nhất giữa các quan chức Washington và Bắc Kinh diễn ra hồi tháng 6-2020 nhưng không mang lại hiệu quả xoa dịu căng thẳng. Tháng 7-2020, Washington thậm chí yêu cầu đóng cửa Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và thông tin cá nhân.
Trên thực tế, nếu quan hệ Mỹ - Trung không “hạ nhiệt”, cả hai phía đều phải gánh chịu những thiệt hại. Các công ty của Trung Quốc đều là những khách hàng lớn trong lĩnh vực công nghệ của Mỹ và sinh viên Trung Quốc chiếm tới 1/3 tổng số sinh viên quốc tế học tại các trường đại học của Mỹ. Một số lượng lớn sinh viên Trung Quốc sau khi ra trường quay trở lại làm việc cho các công ty công nghệ của Mỹ, giúp chi phí dành cho nhân lực của những công ty này được giảm đáng kể. Theo báo cáo mới đây của Phòng Thương mại Mỹ, xứ Cờ hoa có thể thiệt hại 1.000 tỷ USD giá trị sản xuất và khả năng cạnh tranh toàn cầu trong dài hạn nếu tiếp tục chính sách cứng rắn với Trung Quốc. Ở chiều ngược lại, là quốc gia xuất khẩu, Trung Quốc đã gánh chịu thiệt hại lên tới hàng trăm tỷ USD trong hơn 2 năm qua. Số lao động mất việc làm lên tới hơn 2 triệu người.
Do có quá nhiều bất đồng nên cả Mỹ và Trung Quốc đều không đặt nhiều kỳ vọng vào kết quả đạt được trong hội đàm. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, vẫn còn dư địa hợp tác cho hai nước trong một số lĩnh vực như đẩy lùi đại dịch Covid-19, ứng phó với biến đổi khí hậu và khôi phục cơ chế trao đổi bị gián đoạn. Ngoài ra, cuộc gặp lần này là tiền đề để hai nước nối lại các cuộc tiếp xúc cấp cao nhằm tìm kiếm điểm chung, gác lại bất đồng và cùng nhau hướng tới tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.