Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đào phai năm cũ

Truyện ngắn của Phạm Thanh Thúy| 24/01/2012 07:40

(HNMCT) - Nhà có ba chị em, mỗi người mỗi tính cách. An từ bé đã thích di chuyển, lớn lên, đi đâu cũng chỉ thích ngồi gần cửa sổ xe ô tô để ngắm vạn vật vùn vụt trôi qua. An cũng thích máy móc, được tặng món đồ chơi gì, chẳng mấy chốc đã tò mò tháo ra xem chi tiết bên trong.

Chị Cả hùng hổ như đàn ông, lúc nào cũng thích học võ và xem phim võ hiệp. Uớc mơ lớn nhất của chị là trở thành thủ tướng. Chị Hai không phải là người yếu đuối, nhưng chỉ thích trồng hoa, vẽ và đọc những loại sách kiểu như Hồng Lâu Mộng. Trong một lần cao hứng, ba chị em nguyện sẽ không ai lập gia đình và xây chung một ngôi nhà ba tầng. Chị Cả sẽ ở tầng thượng để luyện võ dưới ánh trăng, chị Hai ở tầng trệt để trồng hoa. An dĩ nhiên là ở giữa.

Năm nọ, có một thiếu niên đến bái chị Cả làm sư phụ. Khổ nỗi, chị Cả tuy có nổi đình nổi đám, nhưng nhận đệ tử thì có vẻ hơi qúa sức. Thiếu niên ấy cứ năn nỉ mãi, nghĩ thế nào mà chị Cả cũng bằng lòng, song nhất quyết bắt chị Hai và An phải trở thành huynh đệ đồng môn với thiếu niên ấy. Chị Hai chỉ ham trồng xuống nhổ lên mấy đám cúc và thược dược, đâu có quan tâm đếm mấy món đấm đá thô thiển. Thế nhưng khi cả bọn bắt đầu nhập tâm được mấy cú đấm, vài cú đá thì võ đường giải tán vì sư phụ đột ngột đi…lấy chồng. Thiếu niên ấy ngẩn ngơ mãi rồi cuối cùng cũng bỏ đi, không thấy quay trở lại.


…Mẹ An đau ốm quanh năm, đành phải xin nghỉ mất sức ở nhà máy. Sau đó vài năm ba An cũng xin nghỉ, rồi dắt cả nhà về quê nội xin thầu bãi bồi ven sông để trồng hoa. Bãi bồi rộng, miên miết cỏ xanh, lại là nơi hai dòng sông, một trong, một đục gặp nhau, hoà tan trong nhau rồi đổ về biển Đông. Chị Cả cứ thắc mắc:

“Sao tự nhiên ba lại thích trồng hoa vậy?”

Ba cười:
“Tại tao thấy con Bình ham trồng hoa nên chiều nó thôi.”

Chị Cả cười ngất:
“Ba ơi! Nó trồng hoa là để chơi, còn ba trồng hoa là để…ăn. Hai việc đó khác nhau mà ba”.

An nhớ hồi còn bé xíu, thấy chị Hai trồng hoa đẹp, cũng rủ bé Yến nhà hàng xóm xin hoa cúc của chị về trồng ở mảnh vườn to như …cái bàn uống nước ngoài bờ ao, ước mơ sau này sẽ có một cánh đồng hoa thật lớn. Vậy mà khi lớn lên, mải đuổi theo những ước mơ mới, An đã không còn trồng hoa nữa. Bé Yến cũng theo cha mẹ chuyển nhà đi nơi khác, biết có bao giờ gặp lại.

…Nói là trồng hoa, nhưng dần dà lại hoá ra là trồng…rau. Là vì kế hoạch trồng hoa của ba bị phá sản khi hai sào hoa hồng thí điểm được chăm chút đúng quy trình kĩ thuật do ông bạn của ba hướng dẫn mà tịnh không cho chào đời một bông hồng ra hồn khiến người ta có thể mua để tặng nhau. Chị Cả lại được thể trêu ba:
“Ba ơi. Đất này tình yêu không thể đơm hoa được.”

Chị Hai cũng chêm vào:
“Chị có biết vì sao không? Vì đây là ngã ba sông. Tình yêu không chấp nhận sự dùng dằng, không dứt khoát.”

Cả nhà cùng cười, nhưng trong mắt ai cũng lấp lánh cái gì đó ngậm ngùi.

Lật hết các gốc hồng, ba gieo rau cải, đủ các loại cải và hoa cúc cho dịp Tết. Thế là mùa đông năm đó, cả bãi bồi rộn ràng hoa nở. Năm sau ba đem vài chục gốc đào về ươm. Bãi bồi trở thành vườn rau và hoa khoe sắc.

***


Thật chẳng có cách nào đoán biết được ý tứ của ông trời khi ông muốn sắp đặt mọi thứ theo ý mình mà chẳng cần phải hỏi ý kiến ai hết.

Cả nhà chật vật làm lụng mà vẫn không đủ tiền chi tiêu vì mẹ An quanh năm đau ốm. Chị Hai học cấp ba xong, đành từ bỏ giấc mơ đại học, lên thành phố kiếm việc làm. Chị Hai lên phố, có ngờ đâu gặp lại huynh đệ năm xưa. Chàng thư sinh áo vải ấy cũng hay lui tới một hiệu sách cũ toàn Đông Chu, Tam Quốc, Kinh Dịch, Hồng Lâu Mộng. Chị Hai kể: chàng rất ngạc nhiên vì ở hiệu sách toàn những cuốn kinh điển như thế, khách không là những ông già thì cũng là những ông cụ non, tự nhiên lại xuất hiện một người đẹp như Đại Ngọc. Chàng choáng liền, lân la tìm hiểu, mới ngớ ra là tiểu muội.

Từ đó, họ yêu nhau.

…Khi còn làm ở nhà máy, ba giữ chức đội trưởng đội bảo vệ, uy danh lẫy lừng. Hồi đó, nhà lúc nào cũng có khách. Khách không là những chú lính ALiBôBô của ba thì cũng là những người lạ hoặc lấm lét, hoặc xun xoe, hoặc ít nói. Các chú ALiBôBô thì chỉ mang rượu đến uống và la hét. Còn những người lạ thì thường mang bánh kẹo cho chị em An. Nếu có ba ở nhà, thế nào ba cũng yêu cầu khách mang quà về. Hồi đó, bánh kẹo đâu có được ăn thoả sức như bây giờ. Nhưng nếu ba mẹ đi vắng thì thế nào chị Cả ham ăn cũng giữ quà lại chia cho các em và trẻ con hàng xóm. Khi ba biết chuyện, mắng chị, mẹ lại bênh: “Chỉ là gói kẹo thôi mà. Chả lẽ người ta đến chơi lại đến tay không, mình còn không làm được cơ mà.”

Một lần chị Cả bóc một gói bánh, thấy một cuộn tiền cuộn rất khéo, giấu vào trong bánh. Không dám giấu, chị Cả thưa với ba, không ngờ ba giận quá, tát chị Cả một cái rồi đùng đùng gọi một chú ALi BôBô đến, bắt phải đi tìm trả lại chủ nhân gói bánh. Chị Cả cảm thấy bị oan ức, chạy ra ngõ ngồi khóc tu tu. Sau đó chị xin đi học võ.

“Con đi học để đánh đứa nào làm bậy cho ba hả giận.”

Chị cả đi học võ, trở thành nữ anh hùng trong đám trẻ con lớn bé ở khu tập thể. Tiếc rằng chị kết hôn sớm quá, khi ấy mới mười bảy tuổi đời.

Các chú ALi BôBô tự hào về ba. Họ bàn tán rằng với danh tiếng của ba thì thế nào cũng thăng tiến. Nhưng rồi có một lần nghe đâu em trai chú giám đốc đắc tội gì đó, ba xử không nương tay. Thế nên lần lượt những người các chú ALi BôBô bảo chẳng có gì ghê gớm vẫn cứ qua mặt ba. Các chú AliBôBô chỉ còn cách bất bình: “Người tốt thường không gặp may, người ngay hay gặp xui xẻo.” Có chú được rượu cổ vũ, nói bô bô: “Sao lão lại trù anh nhỉ? Sao anh lại để lão trù nhỉ?”

…Những chuyện ồn ào quanh nhà máy của ba cũng từ lâu trôi vào dĩ vãng. Nhà máy đã có giám đốc mới. Các chú ALiBôBô lại tức tối: “Thằng cha ấy chỉ là một gã lon ton phọt phẹt, thế mà cũng có ngày làm quan.”

Ba về vườn, trở thành ông lão trồng đào và rau cải. Ước mơ trở thành hoạ sĩ của chị Hai không trở thành hiện thực, vả chị cũng không làm gì để biến nó thành hiện thực. Chỉ mỗi lần về thăm nhà, đi qua vườn cải rập rờn những chùm hoa cánh vàng cánh trắng, chị mới mong manh nhớ những ước mơ thơ bé. An cũng nhớ đến ước mơ thơ bé của mình. Ước mơ có một cánh đồng hoa đã một phần trở thành hiện thực, chỉ thiếu có một người.

Bé Yến năm xưa bây giờ xinh như mộng. An nhận ra cô bé ngay từ lần gặp đầu tiên, nhưng cô bé không nhận ra An, luôn không coi có An tồn tại.

“Chị ơi. Sao thương một người lại không dễ dàng hả chị?”

Chị Hai nhìn chằm chằm vào đôi mắt đã biết ngơ ngác ngơ của em trai:
“Vì hạnh phúc là thứ duy nhất trên đời người ta không có được dễ dàng mà em. Thế cô bé đó là ai mà dám làm em trai đẹp trai của chị buồn?”

“Là hàng xóm cũ của chúng ta đó. Em đã gợi ý mấy lần mà cô ấy vẫn cố tình không nhận ra em.”

Chị Hai tủm tỉm: Cô ta nghĩ em là một cây si non đấy. Phàm đã là cây, trừ rau ra, thì bất cứ cây gì còn non cũng không có giá trị gì đáng kể. Si mà còn non thì liệu có ích gì...

‘Nhưng cây cổ thụ nào mà chẳng bắt đầu từ một cây non?”

“Vấn đề là làm sao cô ta đợi được đến khi cây si của em già kìa. Nhưng thôi, đừng buồn, chị sẽ viết thư bày tỏ giúp cho.”

Chị Hai thức khuya lắc viết thư. Hôm sau chị Cả đến chơi, chộp được, cười ngất:
“Tao mà là nó, chẳng bao giờ thèm để ý đến một bức thư ướt nhoét thế này.”

Rồi chị Cả mơ màng với chiêm nghiệm của một người no đủ hạnh phúc:

“Khi em ở bên ai đó mà cảm thấy thanh thản, thì đó là người mà em nhớ mãi.”
Ánh mắt chị Cả lấp lánh đầy kỉ niệm:

“Anh rể em là người đàn ông duy nhất chị yêu thương, nhưng chị cũng có một người mà mỗi khi nhớ đến, chị luôn cảm thấy thanh thản.”

An nghi hoặc:
“Mười bảy tuổi chị đã đi lấy chồng, làm gì có thời gian có người cũ mà thanh thản hả chị?”

Chị Cả cười khái trá:
“Em ơi. Ở đời ai chẳng có một người yêu cũ.”

…Vườn đào của ba ngày càng khấm khá, diện tích cứ nới rộng thêm ra. Chẳng bao lâu, cả bãi bồi ngã ba sông đã xanh mướt lá đào tơ suốt hai mùa hạ, thu. Giáp Tết, ba bán hết đào cho thương lái, ba ra nghị quyết : “Đắt may, ế chịu, cha con ta chỉ lo trồng đào thôi. Cả năm có mấy ngày Tết, ba không muốn các con phải vất vả.”

Cả nhà tuân lệnh răm rắp. Thế nên, năm nào, chiều ba mươi, trừ chị Cả đã yên bề gia thất, An và chị Hai lại sánh vai nhau hoà vào dòng người đông đúc trong phiên chợ cuối năm, và thường thì chẳng phải để mua sắm gì. Hai chị em tha thẩn khắp phiên chợ ồn ào, ngắm nhìn người ta mua sắm và ngắm hoa đào. Ở phiên chợ này An có thể gặp lại những cành đào từ vườn nhà mình đã trao tay thương lái, đến với những bàn tay xa lạ khác. Chị Hai bảo đào xứ ta có nhiều loại, nhưng trong lòng chị chỉ có đào phai năm cánh cổ xưa là bất tử…

Đã mấy năm chị Hai đi chợ chiều ba mươi mà chẳng phải để mua gì. Cũng bởi tại chị tề gia nội trợ chẳng ra gì. Mọi giỏi giang đều dồn hết về mẹ An. Chiều ba mươi mẹ An làm cơm tất niên, nếu chị Hai và An vào bếp, thế nào cũng lóng nga lóng ngóng, thế nào cũng bị mẹ mắng. Một lần mẹ giao cho chị Hai món thịt nướng, chị say sưa nướng chúng cháy đen thui. Thế là để cho “khuất mắt mẹ”, chị kéo tay An ra chợ.

Giờ đây chị ra chợ cũng là để đón một người…

An rất lấy làm lạ lùng. Chị Hai và chàng thư sinh áo vải của chị yêu nhau đã nhiều năm nhưng chưa từng một lần hai người dẫn nhau về ra mắt bố mẹ, xin đi lại đường hoàng. Thậm chí là thời gian dành để gặp nhau cũng rất ít ỏi. Chiều ba mươi năm nào chàng cũng đáp xe lên gặp chị, mua tặng chị một cành đào phai đón năm mới. Đào thì nhà cũng có, nhưng nhất định chàng phải tặng chị một cành mới được. Họ đi bên nhau, mỉm cười với nhau rồi lại chia tay. Năm nào chị Hai vác cành đào người yêu tặng về nhà là ba mẹ lại nhìn nhau cười.

Cuối chiều ba mươi, khi mẹ đã làm xong bữa cơm tất niên, đã thắp hương khấn vái tổ tiên và ba thì đang đi đi lại lại trong vườn đào chỉ còn trơ gốc, là lúc chị Hai cẩn thận cắm cành đào của người yêu vào chiếc bình sứ màu ngọc bích.

“Em chẳng thấy ai yêu nhau như anh chị bao giờ.”

Chị Hai cười, vẻ đầy thông cảm.

“Mỗi người yêu theo cách của riêng mình, cần gì phải ồn ào mới gọi là yêu.”

Một năm, giáp Tết, chị Cả đùng đùng xách va li quần áo về ngôi nhà ven sông, khiến cả nhà một phen tròn mắt. Hồi xưa ba từng bảo sau này các chàng rể của ba nghèo túng không sao, chứ một là theo gái, hai là cờ bạc là ba đòi con gái về, cha con có rau ăn rau, có cháo ăn cháo. Anh rể An đắc tội theo gái, ba chưa đòi con gái thì con gái đã về rồi. Nói thế chứ ba vẫn khuyên con gái nên khéo léo giữ chồng. Chị Hai chun mũi trêu chị Cả:
“Sao chị bảo chị muốn học võ để đánh đứa nào láo xược cơ mà.”

Chị Cả đang khóc sưng cả mắt cũng phì cười:
“Chứ dì tưởng cứ giỏi hơn chồng thì dám đánh chồng sao?”

Đêm cuối năm, gió lùa hun hút từ sông về bên cửa sổ, An kể cho hai chị nghe về nụ hôn đầu. Bé Yến từng nói nụ hôn đó là để níu giữ An suốt đời. Chị Cả nghe xong, cười rung cả giường:

“Ôi. Lạy thánh mớ bái. Thời buổi lòng chung thuỷ mong manh như tiết hạnh thiếu nữ thế này, một nụ hôn đầu làm sao níu giữ được một đời người…”

***


Ba An không may trúng gió. Chị Hai gào khóc như mưa: “Ba ơi ba đừng bỏ con, rồi con sẽ lấy chồng cho ba vui lòng…”

Chính chị Hai cũng không hiểu vì sao mình lại nói thế. Bác sĩ trầm ngâm rất nghề nghiệp:
“Ba cháu có khả năng sẽ không đi lại được nữa đâu.”

Chị Hai níu tay bác sĩ:
“Sao cũng được ạ, miễn là ba cháu đừng chết.”

Bác sĩ phì cười:
“Thì có ai mong ba mẹ chết bao giờ.”

An đi trong bệnh viện, lần đầu tiên thấu tận tâm can thế nào là nỗi đau chênh vênh của sự mất mát. Ba An nằm đó, im lìm, da thịt ấm mềm mà linh hồn như đang phiêu du ở tận trời nào. An có cảm giác như những linh hồn đang bay lượn khắp thế gian, chốc chốc lại trở về nhìn chằm chằm như chế giễu cái xác: “Này ông! Tại sao tôi và ông lại cứ nhất thiết phải là một, phải ở trong nhau và ràng buộc nhau?” Những linh hồn với những tư tưởng tự do bay lượn đó, có linh hồn đã bay đi mãi mãi, có linh hồn không cam lòng rời bỏ cái xác, nên đã vui lòng ở lại…

Rồi chị Hai của An cũng đi lấy chồng vào mùa hoa cải trổ vàng. Đám cưới giản dị, chân thành như tình yêu của họ. Qủa thực An không tin người ta có thể yêu nhau như thế. Thế gian này đang đòi hỏi khác kia. Đòi hỏi người ta phải yêu nhau ồn ào náo nhiệt. An vì thế đưa ra chính kiến:

“Giới trẻ chúng em bây giờ đòi hỏi một lối sống thẳng thắn, thành thực, yêu là yêu, ghét là ghét.”

Chị Hai cười nhạt:
“Đó là nguỵ biện. Yêu thì yêu, nhưng ghét là ghét tức là làm tổn thương người ta đấy. Mà người ta hình như không ai thích mình bị tổn thương.”

Ba mẹ lại nhìn nhau cười:
“Xem kìa, chúng ta có những nhà chính kiến.”

Chị Hai đi lấy chồng, chị Cả lại hoàn tất cuộc li dị. Tài sản cưa đôi, con cái cưa đôi. Chị Cả đem con về ngôi nhà ven sông, quyết tâm ở vậy cả đời để chăm sóc ba mẹ. Chị quá mạnh mẽ: “Những gì của ta thì không là của người khác, và ngược lại.”

Năm nay, như một thói quen khó bỏ, An lại đi chơi phiên chợ chiều ba mươi, chỉ không còn có chị Hai đi cùng. Chị Hai đã đi lấy chồng xa. An nhớ năm nào hai chị em đi chợ, cũng phải về trước khi chợ tàn. Chị Hai bảo không nên chứng kiến cảnh chợ tàn, nó bơ vơ, hiu quạnh, cô đơn lắm. Về nhà bao giờ cũng là lúc mẹ vớt bạnh chưng xong, sai hai chị em bóc bánh để cúng tất niên. Bánh chưng mẹ An gói bao giờ cũng rất vuông vức, vỏ bánh đậm màu xanh của lá dong. Năm nay ba An bảo hay là đặt mua vài cái cho đỡ bận rộn, tức thì mẹ An phản đối : “Đặt là đặt làm sao? Cả năm mới có một cái Tết. Cả cái Tết chỉ có nồi bánh chưng là quan trọng nhất. Đến cả bánh cũng đặt mua thì còn gọi gì là không khí Tết nữa.” Ba An cười: “Tuỳ bà vậy.”

An nhớ việc gói bánh với mẹ là rất quan trọng. Ngày trước nhà còn ở khu tập thể nhà máy, bắt đầu từ hai sáu, hai bảy Tết là cả khu đã rục rịch gói bánh. Vì nồi to để luộc bánh không nhiều nên mấy nhà phải gói bánh chung, hoặc thay nhau gói, thay nhau luộc. Không khí Tết ngày đó thật rộn ràng đầm ấm. Nhà An bao giờ cũng gói và luộc bánh sau cùng. Nửa đêm, bên nồi bánh sôi ùng ục, chị em An quây quần đánh tú lơ khơ đợi bánh chín, đợi luôn cả giao thừa…

Các chú ALiBôBô kéo nhau đến thăm ba, oang oang ôn lại chuyện xưa. An năm nay đi chợ một mình, về sớm hơn thường lệ. Nghe chuyện của các chú ALiBôBô, tự nhiên thấy buồn, thế là lang thang ra bãi bồi, ngắm từng gốc đào trơ trụi. Một vài cành đào hiếm nụ bị thương lái bỏ lại đang chúm chím một đôi nụ hồng. Niềm vui đến, niềm vui lại ra đi, An không giữ được bé Yến. Một nụ hôn mong manh làm sao níu giữ được một đời người ta…

Chị Cả theo sau An từ lúc nào. Hai chị em ngồi ngắm dòng sông lặng đổ về xuôi.

“Chuyện đời hết hợp rồi tan. Kết thúc của việc này lại là khởi đầu cho những việc khác. Em việc gì phải buồn?”

“Em đâu có buồn. Không có gì tồn tại vĩnh hằng mà chị. Em chỉ nhớ chị Hai thôi. Mà em cũng quyết định rồi, em sẽ không học lái xe nữa, mà sẽ ở nhà trồng hoa. Chị nhìn bãi bồi bên kia sông mà xem, ở đó lâu rồi người ta không trồng trọt, em sẽ trồng hoa ở đó, để năm nào hoa cũng nở.

“Và mẹ nữa chứ. Năm nào mẹ cũng gói bánh chưng và làm cơm tất niên.”

Chiều cuối năm tắt lịm, rồi phập phồng đón đêm, để hôm sau vạn vật sẽ bước sang một trang đời mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đào phai năm cũ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.