Những cành đào ở vùng núi cao có giá dao động từ 400 nghìn đến vài triệu đồng bị chặt hạ, phục vụ thú chơi của nhiều người miền xuôi dịp Tết.
Đào núi hay đào rừng là cách gọi giống đào mọc trên vùng cao phía Bắc, do sương giá bao phủ nên có thân mốc, hoa màu phớt hồng, thân cành phát triển tự nhiên.
Hai bên Quốc lộ 6 đoạn từ Hòa Bình lên Điện Biên những ngày này xuất hiện hàng loạt "chợ" đào rừng. "Thú chơi đào rừng của người miền xuôi giúp chúng tôi có cơ hội cải thiện thu nhập vào cuối năm", một người bán đào nói.
Phụ nữ người Mông đang chằng buộc cành đào trên Quốc lộ 6, đoạn qua thị trấn Mộc Châu (tỉnh Sơn La).
Với công việc chằng buộc cành đào từ sáng đến tối, người dân địa phương có thể kiếm được 100-150 nghìn đồng mỗi ngày.
Đây cũng là dịp các lái buôn từ Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nội lên vùng núi cao để thu gom đào.
Trước đây đào trồng nhiều ở Mộc Châu, nhưng sau thời gian bị chặt bán số lượng lớn, cây non chưa kịp lớn, các lái buôn tìm đến một số địa bàn xa hơn.
Tại bản Pà Cò (tỉnh Hòa Bình), người đàn ông dùng dao chặt một cành đào hơn 6 năm tuổi. Anh cho biết "đào rừng là nguồn thu nhập chính của gia đình trong dịp Tết".
"Gia đình trồng 50 gốc đào, dịp này đã bán 10 gốc 16 năm tuổi (chặt cả cây, để lại gốc rễ) với giá 5 triệu đồng mỗi gốc. Vụ thu hoạch tiếp theo phải chờ 3-5 năm nữa", ông Mè Văn Đan (bản Bó Sập, xã Lóng Sập, Sơn La) cho biết.
Mùa đông 2016 nắng lạnh thất thường khiến nhiều gốc đào có quả sớm.
Hai gia đình người Mông dựng lều bên đường để bán đào. Ngồi co ro trong giá lạnh, anh Giàng A Sinh cho hay phải đi xe máy 160 km lên tận Tà Xùa (Bắc Yên, Sơn La) để mua đào về bán, giá mỗi cành dao động từ 400 nghìn đến 5 triệu đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.