(HNM) - Các hộ dân đang sinh sống tại Ngách 57, Ngõ 121 Kim Ngưu (phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng) đã nhiều lần phản ánh cũng như có đơn kêu cứu về tình trạng tồn tại cơ sở sản xuất thực phẩm trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường...
Cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm tại Ngách 57, Ngõ 121 Kim Ngưu. |
Trong đơn gửi đến Báo Hànộimới gần đây, các hộ dân phản ánh: Tháng 10-2010, cơ sở sản xuất bánh cuốn và chế biến thực phẩm Gia An (thuộc Công ty cổ phần Toàn Phong) bắt đầu sản xuất. Cũng từ đây, bà con khu dân cư phải hứng chịu biết bao nỗi thống khổ do ô nhiễm không khí, tiếng ồn. Ngoài ra, nguy cơ mất an toàn phòng chống cháy nổ, tình trạng mất ANTT từ khi tồn tại cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm tại đây đã làm đảo lộn cuộc sống vốn yên bình của người dân.
Được biết, trước những kiến nghị của người dân, thời gian qua, đã không ít lần UBND phường Thanh Lương đã cho người xuống kiểm tra, yêu cầu cơ sở sản xuất hạn chế tiếng ồn, khắc phục tình trạng xả thải khí than... Ngày 18-10-2013, UBND quận Hai Bà Trưng cũng đã ra quyết định xử phạt hành chính với số tiền 6.250.000 đồng và yêu cầu Công ty cổ phần Toàn Phong phải có biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất gây ra. Cho đến nay, phía cơ sở đã có những việc làm nhằm khắc phục ô nhiễm: Lắp đặt máy hút mùi, máy xử lý nước thải. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm tiếng ồn vẫn còn tồn tại. Đặc biệt, khoảng thời gian từ 4h sáng, cơ sở này dàn xe ra để xếp hàng vào các thùng tôn vận chuyển đi, gây ra rất nhiều tiếng ồn khiến người dân không sao ngủ được, vô cùng ức chế…
Trước sự việc trên, phóng viên Báo Hànộimới đã có buổi làm việc với UBND phường Thanh Lương. Bà Lê Thị Phương Thảo - Phó Chủ tịch UBND phường cho biết: Từ giữa tháng 4-2015, phường cũng đã nhận được đơn của người dân và đang tích cực vào cuộc. Cụ thể, về kiến nghị ô nhiễm môi trường, sau khi nhận được đơn của người dân, UBND quận Hai Bà Trưng đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên - Môi trường quận xuống kiểm tra; đồng thời mời một đơn vị chức năng về môi trường đến đo đạc, thực hiện lấy mẫu xét nghiệm. Giữa tháng 5-2015, UBND phường cũng lập tổ công tác xuống cơ sở lấy mẫu kiểm tra về an toàn vệ sinh thực phẩm. Về kiến nghị an toàn cháy nổ cũng được cán bộ phụ trách công tác PCCC và cán bộ phường xuống kiểm tra. Liên quan đến tình trạng ANTT: Theo báo cáo sơ bộ của cán bộ cảnh sát khu vực, hiện cơ sở sản xuất bánh cuốn có 12 công nhân làm việc và ăn ở tại chỗ. UBND phường sẽ tiếp tục chỉ đạo Công an phường làm rõ hơn số lượng người ra vào, quy luật hoạt động, giao nhận hàng… Bà Thảo khẳng định: Đến nay, các đợt kiểm tra, lấy mẫu này vẫn chưa có kết quả. Sau khi có kết quả, phường sẽ có báo cáo tổng hợp, xác định rõ cơ sở sản xuất có bảo đảm đủ các điều kiện theo quy định hay không, từ đó sẽ trả lời người dân và thông tin chính thức đến cơ quan báo chí. Bà Thảo cũng khẳng định: Sẽ không để vụ việc "ngâm" quá lâu, tuy nhiên khi được hỏi về thời gian có kết quả và có thể thông tin chính thức, bà Thảo cũng chưa trả lời được.
Trên thực tế, sự vào cuộc của chính quyền địa phương là có. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, cán bộ có trách nhiệm, thẩm quyền chỉ kiểm tra vào những thời điểm "mà như là được báo trước", để cơ sở ngừng hoạt động, dọn dẹp sạch sẽ, dẫn tới kết quả kiểm tra khác hoàn toàn với thực tế. Ngoài ra, nhiều năm nay người dân đều có đơn thư kiến nghị song cho đến thời điểm hiện tại, họ không nhận được bất kỳ văn bản trả lời nào của các cấp chính quyền.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.