(HNMO) - Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Bộ Chính trị có Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011 yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, các ngành, các cấp...
Đạo đức Hồ Chí Minh không phải cái trừu tượng, xa vời, không phải nhất thành bất biến, mà là những biểu hiện trong mỗi lời nói, mỗi việc làm của Người đều hướng tới chân, thiện, mỹ. Đạo đức Hồ Chí Minh là nói đi đôi với làm, mà làm thì phải có hiệu quả, Người cho rằng nếu làm gì cũng không có hiệu quả thì không phải là người có đạo đức. Đạo đức Hồ Chí Minh rất gần gũi, rất cụ thể và mang đầy đủ, sâu sắc giá trị truyền thống, tư tưởng tôn giáo.
Chẳng hạn, tư tưởng của Nho giáo, là tam cương ngũ thường. Tam cương là tôn trọng ba mối quan hệ (ba Đạo: Quân, Sư, Phụ). Quan hệ Quân là Vua (là quan hệ Nhà nước, cấp trên với cấp dưới), Sư là Thầy (là quan hệ nhà trường, quan hệ học trò với thầy cô giáo), Phụ là cha mẹ (là quan hệ gia đình, vợ với chồng và cha mẹ với con cái); ngũ thường là năm cái con người có phải giữ cho nó làm thường (Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín). Nhân là lòng thương yêu, từ thiện; Nghĩa là làm những việc nên làm, có đạo lý; Lễ là sự tôn trọng, hòa nhã trong cư xử với mọi người, tuân thủ các quy tắc xã hội, pháp luật; Trí là khôn ngoan, sáng suốt, cảm giác được đúng, sai trong hoạt động; Tín là giữ đúng lời, đáng tin cậy. Đồng thời Đạo của người quân tử (cán bộ hiện nay) từng bước phải theo là: tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ; người quân tử luôn phải giữ đúng mực, không thái quá, không bất cập trong mọi hành động và thái độ xử thế.
Tư tưởng Phật giáo, là lòng từ, bi, hỷ, xả, thương xót đồng loại và cả chúng sinh. Từ là làm để cho người khác có niềm vui; Bi là trừ đi sự đau khổ của người khác; Hỷ là luôn vui vẻ trong công việc của mình; Xả là không chờ đợi để hưởng lợi riêng về những việc đã mang lại cho người.
Tư tưởng Lão giáo, biết bằng suy tưởng bằng tâm linh, gần gũi với quy luật thiên nhiên và hướng về con người, quên đi cái ta tầm thường nhỏ bé. Những quy luật thiên nhiên đại thể rất gần với khoa học tự nhiên, như là luật nhân quả, luật bảo tồn vật chất và chuyển hóa năng lượng. Qua đó con người không còn sợ mất mát, cũng không còn sợ chết và trở nên dũng cảm khi làm những việc ích lợi cho cộng đồng.
Tư tưởng Thiên Chúa giáo, là công bình, bác ái. Công bình trong tương giao giữa cá nhân với cá nhân; công bình trong pháp lý giữa cấp trên và cấp dưới; công bình trong xã hội là điều hòa các mối quan hệ trong xã hội. Bác ái là phân biệt được công bình để từ tâm yêu thương, giúp đỡ đồng loại.
Chủ tịch Hồ chí Minh yêu cầu đạo đức người cán bộ cách mạng phải “trung với nước, hiếu với dân, yêu thương con người, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng”. Người cho rằng “Mỗi đảng viên, mỗi người cán bộ từ trên xuống dưới đều phải hiểu rằng mình vào Đảng để làm đầy tớ cho nhân dân…làm đầy tớ cho nhân dân chứ không phải làm “quan” nhân dân”. Theo đó thì đày tớ của dân không phải cha mẹ dân, chỉ là kẻ làm công, lấy tiền thuê của nhân dân mà thôi. Có lẽ vì vậy mà sinh thời Hồ Chủ tịch thường dùng hai chữ “công bộc” để nhắc cho mỗi cán bộ hiểu được chức vụ của mình. Người rất coi trọng việc xây dựng đạo đức cách mạng, trong đó nhấn mạnh việc ngăn ngừa vi phạm đối với cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo. Vì cán bộ lãnh đạo phạm sai lầm thì sẽ dẫn đến hậu quả rất nặng nề, những sai lầm đó là: “Trái phép… vì tư thù tư oán mà bắt bớ và tịch thu làm cho dân oán thán. Cậy thế… quên rằng dân bầu mình ra là để làm việc cho dân, chứ không phải để cậy thế với dân. Hủ hóa: ăn muốn cho ngon, mặc muốn cho đẹp, càng ngày càng xa xỉ… thậm chí lấy của công dùng vào việc tư, quên cả thanh liêm, đạo đức. Tư túng kéo bè, kéo cánh, bà con bạn hữu của mình không tài năng gì cũng kéo vào chức này, chức nọ, người có tài, có đức nhưng không vừa lòng mình thì đẩy ra ngoài… Chia rẽ: bênh vực lớp này, chống lại lớp khác, không biết làm cho các tầng lớp nhân nhượng lẫn nhau, hòa thuận nhau. Kiêu ngạo: lúc nào cũng vác mặt “quan cách mạng” lên. Tự cao, tự đại, ham địa vị, hay lên mặt. Ưa người ta tâng bốc mình, khen ngợi mình. Ưa sai khiến người khác. Hễ làm được việc gì hơi thành công thì khoe khoang vênh váo, cho ai cũng không bằng mình. Không thèm học hỏi quần chúng, không muốn cho người ta phê bình. Việc gì cũng muốn làm thầy người khác”. Nên để rèn luyện tu dưỡng đạo đức người cán bộ, Bác rất chú trọng việc “quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, Người cho rằng “chủ nghĩa cá nhân là một thứ rất gian giảo xảo quyệt, nó khéo dỗ dành người ta đi xuống dốc. Nó là một thứ vi trùng rất độc, đẻ ra hàng trăm thứ bệnh: tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa, tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành, tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền, quan liêu mệnh lệnh…”. Vì vậy Bác dạy rằng “Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành nhiệm vụ cách mạng vẻ vang. Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Hồ Chủ tịch rất coi trọng công tác xây dựng cán bộ, Người cho rằng vấn đề cán bộ là vấn đề “rất trọng yếu, rất cần thiết”, “công việc thành công hay thất bại là do cán bộ tốt hay kém”.
Trong mỗi ngành, mỗi lĩnh vực Chủ tịch Hồ Chí Minh đều có những lời căn dặn, dạy bảo phù hợp với lĩnh vực công việc.
Công minh, là công bằng và sáng suốt. Biểu hiện trong thực hành công việc phải công bình với tất cả mọi người, không phân biệt thân, sơ, không tư ý, tư lợi mà luôn nghĩ đến lợi ích chung. Muốn vậy phải hiểu và tuân thủ các quy phạm pháp luật, các quy chuẩn đạo đức xã hội. Khi xét người, xét việc phải đặt mình vào hoàn cảnh của người để xét và phải có lòng khoan dung để phân biệt rõ ràng thực, hư để hành động cho sáng suốt.
Chính trực, là có tính ngay thẳng. Chính là quan trọng, đích xác, trái với tà ngụy, không thành thực. Yêu cầu của chính trực là phải thiện lương, thật thà, luôn hướng về những điều phù hợp đạo lý, lòng luôn hướng về nhân nghĩa, tuân thủ pháp luật. Trong thực hành công việc phải chân thành, chính xác, kịp thời, đồng thời phải có tính mềm dẻo không a dua, xu phụ (theo hùa), không gay gắt nghiêm ngặt quá. Nếu vì tư ý mà thành kiến, thiên lệch sự thật, che điều gian, giấu điều họa, không nghĩ đến điều quần chúng oán ghét thì không phải là chính trực.
Khách quan, là cái tồn tại bên ngoài, không phụ thuộc vào ý thức, ý chí con người. Như vậy khi thực hành công việc phải xem xét, nhận thức sự vật, hiện tượng với tính cách là cái tồn tại ở ngoài ý thức chủ quan của con người, phải xem xét đúng như nó vốn có trong thực tế. Muốn vậy đòi hỏi phải phát huy tính năng động và sáng tạo của ý thức trong quá trình phản ánh sự vật, nỗ lực chủ quan trong việc tìm ra những phương pháp tư duy và hoạt động thực tiễn để từng bước thâm nhập vào bản chất sự vật.
Thận trọng, là đắn đo, suy tính cẩn thận trong hành động để tránh sai sót. Yêu cầu của thận trọng là sáng suốt để phân biệt phải trái, nghiêm túc trong công việc, thận trọng mà mau mắn trong hành động. Phải xem xét khách quan và nhận thức bao quát toàn diện tất cả các mặt, các yếu tố trong các mối liên hệ của người, của việc để tìm ra bản chất; phải tìm ra được những nguyên nhân, nguồn gốc phát sinh của sự vật, hiện tượng, tìm những mâu thuẫn để giải quyết, không suy diễn thuần túy.
Khiêm tốn, là nhã nhặn, không khoe khoang, có thái độ đúng mức trong việc đánh giá bản thân, không tự mãn, tự kiêu, không cho mình là hơn người. Khiêm tốn yêu cầu phải biết trọng phẩm giá, phân biệt rõ được sự khen, sự chê, không dùng quyền thế để khinh mạn, hách dịch, đè nén người, không dùng kiến thức để dối trá người. Luôn cầu thị và tích cực học hỏi, rèn luyện phẩm chất đạo đức bản thân và hòa đồng với mọi người.
Trong tình hình hiện nay, cán bộ, đảng viên học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh mang lại giá trị rất lớn trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền và sự nghiệp đổi mới đất nước. Cán bộ có những đức tính Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn là người trong hoạt động thực tiễn thể hiện được sự phấn đấu, nghị lực tinh thần vượt khó, hết lòng phục vụ nhân dân, có lòng nhân ái, khoan dung nhân hậu với con người, là người cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư. Những đức tính Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn là phẩm chất, là cụ thể hóa đạo đức người cán bộ cách mạng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.