(HNMCT) - Từ nhiều năm nay, Trần Bình Trọng là đạo diễn nổi tiếng trong làng phim hài. Hai loạt phim hài Đại gia chân đất và Làng ế vợ của anh được nhiều người lựa chọn để giải trí mỗi dịp xuân về. Trần Bình Trọng có cuộc trò chuyện cởi mở với Hànộimới Cuối tuần xung quanh chủ đề phim hài Tết.
- Thưa đạo diễn, nhiều khán giả nhận xét phim hài, đặc biệt là phim hài Tết đang mất dần sự hấp dẫn. Anh thấy thế nào về nhận xét này?
- Hiện nay, khán giả có quá nhiều lựa chọn để giải trí, ngoài phim hài được phát hành vào dịp Tết thì còn có rất nhiều gameshow hài, clip hài trên truyền hình và mạng xã hội... Cái gì cũng vậy, nhiều quá sẽ nhàm. Hơn nữa, nguồn kịch bản tốt rất hiếm, điều đó khiến khán giả cảm thấy phim hài ngày càng nhàm.
- Bên cạnh sự bùng nổ về số lượng thì phim hài Tết còn bị đánh giá là dùng quá nhiều chiêu trò câu view. Anh nghĩ sao nếu khán giả nhận xét rằng phim của mình cũng vậy?
- Đúng là có nhiều bộ phim bị khán giả chỉ trích vì có quá nhiều tình huống câu view rẻ tiền. Phim của tôi, trước đây Đại gia chân đất và Làng ế vợ được sản xuất để bán đĩa, phải qua sự kiểm duyệt kỹ càng của Hội đồng duyệt phim quốc gia; những gì phản cảm, trái thuần phong mỹ tục chắc chắn bị cắt. Còn hiện nay, tôi làm phim chủ yếu để phát hành online nên cũng thoáng hơn một chút. Phim của tôi được nhiều người khen, nhưng bên cạnh đó cũng có khán giả không hài lòng. Nhưng nói thật, làm phim hài mà không cường điệu thì khó gây cười. Công việc làm phim như làm dâu trăm họ nên tôi cố dung hòa giữa các yếu tố, làm sao có được nhiều tình huống giải trí nhẹ nhàng nhất.
- Đã qua thời hoàng kim nhưng việc làm phim hài Tết vẫn thu hút nhiều đơn vị tham gia. Tuy nhiên, có vẻ số đơn vị đầu tư thật sự nghiêm túc cho việc này lại không nhiều?
- Tôi biết có những đơn vị làm phim hài chỉ quay trong 2 đến 3 ngày, nhưng với phim Đại gia chân đất phiên bản 2020 dài 4 tập, mỗi tập 50 phút, chúng tôi phải quay mười mấy ngày mới xong. Có những phân đoạn mất nguyên một ngày, bối cảnh phim trải rộng từ Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nam đến Ninh Bình... Ai xem phim của tôi chắc chắn không đánh giá như thế.
Phim hài hiện nay sống được là nhờ có các nhà tài trợ. Trung bình một bộ phim tôi phải đầu tư 2 tỷ đồng. Không có ai bán nhà đi làm phim mà không tính tới hiệu quả kinh tế, nhưng tôi luôn cân nhắc giữa yếu tố nghệ thuật và thương mại. Nhiều đơn vị muốn tài trợ nhưng nếu nội dung của mình không phù hợp với sản phẩm của họ thì tôi sẽ từ chối. Tôi không phải là người làm phim chỉ để kiếm tiền.
- Vậy đâu là tiêu chí khi anh quyết định làm một bộ phim hài?
- Quan trọng nhất vẫn là câu chuyện, thông điệp mà đạo diễn mang đến cho người xem. Phim của tôi mang tính giáo dục, tuyên truyền. Trong Làng ế vợ có nội dung tuyên truyền về các điều luật liên quan tới lĩnh vực giao thông rất nhiều; phim Đại gia chân đất tập trung phê phán tính huênh hoang khoác lác, thói hư tật xấu... Tôi xuất thân từ nghệ sĩ biểu diễn; khi làm đạo diễn, “cái tôi” lớn hơn nên trong hoạt động nghiệp vụ bao giờ tôi cũng đưa “cái tôi” nghệ thuật lên đầu. Tôi làm cho tôi đã, nếu tự thấy hài lòng thì mới dám đưa ra công chiếu. Hài là giải trí, là cường điệu, nhưng hài mà không duyên là vứt đi. Hết duyên là tôi dừng lại.
- Làm tác phẩm hài nhiều năm nhưng anh chỉ tập trung vào phim dài tập. Đại gia chân đất, tính đến nay đã ra mắt được 10 năm. Có khi nào anh nghĩ đã đến lúc dừng câu chuyện này lại để mở ra những tác phẩm mới mẻ hơn?
- “Bình” của tôi là bình cũ, nhưng “rượu” bao giờ cũng mới. Tôi vẫn đi theo xu hướng làm hài giải trí. Với phim Đại gia chân đất, mỗi năm tôi khai thác một câu chuyện khác nhau với ý tưởng, cảm xúc từ đời sống luôn mới mẻ. Phim có hấp dẫn hay không phụ thuộc vào khâu biên kịch. Có thể tìm được kịch bản hấp dẫn nữa hay không, đó thực sự là phần việc vất vả. Chính vì thế, từ năm sau tôi sẽ dừng sản xuất Đại gia chân đất để tìm kiếm một format mới mẻ hơn.
- Anh mong mỏi đó sẽ là một bộ phim như thế nào? Vẫn là những bộ phim hài hiện đại theo phong cách cũ hay là một thể loại nào khác?
- Ai cũng muốn có chuyện phim thật hay, nhưng nói thật đó là điều không đơn giản. Tôi rất thích phim hài dân gian nhưng hiện nay, nếu thực hiện dạng phim này là chấp nhận mạo hiểm về kinh tế. Nhưng đó là điều tôi ấp ủ, muốn thực hiện vào một lúc nào đó thích hợp.
- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.