(HNMCT) - Cho đến nay, “Em và Trịnh” là kịch bản phim khó nhất đối với đạo diễn Phan Gia Nhật Linh. Tuy vậy, anh thấy mình thật may mắn khi được làm phim về một tượng đài âm nhạc, được kể câu chuyện về văn hóa, lịch sử của đất nước mình.
- Thưa đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, nhiều người nói rằng anh dám đưa chân dung của một nhạc sĩ tài hoa bậc nhất nền tân nhạc nước nhà lên màn ảnh rộng. Tôi rất băn khoăn, không biết anh nghĩ từ “dám” này như thế nào?
- Làm phim đã khó, làm phim về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn còn khó hơn. Bởi thế, việc làm phim đôi khi cũng được coi là “dám” rồi, bởi có quá nhiều thứ khó khi mình thực hiện. Tháng 3 năm 2019, khi họp báo ra mắt dự án làm phim về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng nói đùa rằng: “May quá có Nhật Linh liều mình ra lĩnh gạch đá” (ba anh Quang Dũng là nhà văn Nguyễn Quang Sáng rất thân với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, cũng từng được gia đình cố nhạc sĩ mời làm phim).
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là một tượng đài âm nhạc và bản thân ông cũng là một nhân vật gây nhiều tranh cãi. Vì thế, ngay từ khi quyết định làm đạo diễn bộ phim này, tôi cũng biết nó sẽ tạo ra nhiều ý kiến khác nhau. Có lẽ mọi người nghĩ từ “dám” theo hướng đó. Nhưng tôi chỉ nghĩ đơn giản đây là câu chuyện về văn hóa, âm nhạc nước nhà. Khi học điện ảnh ở Mỹ, tôi nhận ra rằng mình phải kể những câu chuyện Việt Nam. Vì thế, tôi thấy mình may mắn khi được làm phim về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
- Thôi thúc muốn “kể những câu chuyện của Việt Nam” đến với anh như thế nào?
- Nó đến rất tự nhiên vì tôi là người Việt. Từ nhỏ tôi đã mơ ước trở thành nhà làm phim. Thôi thúc ấy lớn hơn khi tôi đi học ở Mỹ. Tôi vẫn nhớ một kỷ niệm: Trong lớp học của chúng tôi khi đó, các sinh viên phải trình bày dự án làm phim với studio. Tôi đã trình bày dự án phim về một phụ nữ Việt kiều sống tại Mỹ đi tìm ký ức, thân phận của mình. Một nhà sản xuất tại studio đó nói rằng anh ta rất hào hứng với câu chuyện này. Nhưng nếu muốn làm phim này, anh phải đổi nhân vật là một người Mỹ da trắng thì mới có thể bán vé được bởi lẽ khán giả ở Mỹ sẽ quan tâm đến câu chuyện về người Mỹ da trắng hơn. Tôi thấy điều đó cũng đúng, nhưng chỉ đúng với họ thôi chứ không đúng với mình. Tôi nhận ra mình không có nhu cầu ở lại Mỹ để làm phim nữa. Và tôi đã trở về Việt Nam để kể những câu chuyện của Việt Nam.
- Cụ thể với nhân vật Trịnh Công Sơn, trước khi vào xem phim, khán giả đã có những chỉ dẫn rằng: Có những câu chuyện dựa trên sự thật và cũng có những chuyện hư cấu. Anh giữ lại những chi tiết nào và hư cấu ra sao?
- Trong tất cả các bộ phim thì câu nói ấy luôn được đặt ở vị trí đầu tiên để khán giả hiểu và xác định tâm thế của mình khi vào xem phim. Phim không tái hiện sự thật mà thể hiện góc nhìn của người làm phim về điều đó, làm thế nào để toát lên được tư tưởng của bộ phim. Khi bắt tay vào làm bất kỳ dự án phim nào, câu đầu tiên tôi tự hỏi: Mình làm phim về cái gì? Mình muốn nói với khán giả điều gì? Khi xác định được nội dung cốt lõi thì tất cả mọi chi tiết trong phim đều phải phục vụ cho điều đó. Phim “Em và Trịnh” là về một nhân vật có thật nên tôi đã được đọc rất nhiều tư liệu. Nhóm các bạn chuyên đi thu thập tư liệu cũng như đội ngũ biên kịch đã đọc các bài phỏng vấn, tư liệu, tự truyện của các nhân vật trong phim, của những người bạn của nhân vật ấy… Sau hai năm tìm hiểu và nghiên cứu tư liệu, chúng tôi thực sự có quá nhiều thứ để chọn lựa. Việc làm kịch bản phim “Em và Trịnh” cũng giống như làm một tác phẩm điêu khắc. Tôi hình dung khối tư liệu này giống như một tảng đá lớn và người làm biên kịch phải “đục đẽo” những chi tiết thừa.
Trong phim còn có các chi tiết hư cấu. Một đạo diễn nổi tiếng của Hollywood từng nói: Nếu như bạn bị lệ thuộc tất cả vào sự thật thì bạn sẽ không bao giờ làm ra được bộ phim. Nên khi trong tay tôi đã có đầy đủ tư liệu thì việc còn lại là làm sao nhào nặn để tạo ra một câu chuyện hấp dẫn.
- Có những tác phẩm điện ảnh mà mình rất tâm huyết, nhưng không phải lúc nào khán giả cũng đón nhận một cách nhiệt tình. Lúc ấy anh nghĩ gì?
- Đó là chuyện rất bình thường bởi không phải lúc nào điều mình thích thì mọi người cũng thích. Có thứ mình tưởng mình biết, mình hiểu về tâm lý khán giả đã thay đổi sau thời gian dịch bệnh, khiến mình phải học lại từ đầu, đặc biệt là nhà sản xuất và nhà phát hành phải nghiên cứu lại hành vi ra rạp xem phim của khán giả. Khán giả bây giờ thích ở nhà xem phim trên các nền tảng số hơn. Còn chưa kể đến việc Tik Tok lên ngôi, thói quen xem, nghe cũng đã khác. Nếu muốn kéo họ ra rạp thì bộ phim ấy phải thật xứng đáng. Với “Em và Trịnh”, tôi vẫn nghĩ rằng những khán giả lớn tuổi sẽ dễ chấp nhận hơn bởi nhịp điệu của phim cũng giống như âm nhạc Trịnh Công Sơn. Nhưng giới trẻ lại khác. Thực sự tôi chưa hiểu họ, chưa biết họ muốn gì, mong chờ điều gì. Doanh thu của phim “Em và Trịnh” có thể cho chúng tôi một bài học để hiểu hơn về khán giả của mình.
- Trân trọng cảm ơn đạo diễn Phan Gia Nhật Linh!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.