Văn nghệ

Đạo diễn, Nghệ sĩ Ưu tú Bạch Quốc Khanh:“Sân khấu cần sự sáng tạo”

Trần Nguyên 22/09/2024 16:21

Nhắc đến đạo diễn, Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Bạch Quốc Khanh (Nhà hát Múa rối Thăng Long), bạn bè, đồng nghiệp thường dành lời khen ngợi cho người nghệ sĩ có nhiều thành công trên các vai trò, như diễn viên, tác giả kịch bản, đạo diễn, ca sĩ... Thế nhưng, ít ai biết rằng con đường đưa nghệ sĩ Bạch Quốc Khanh đến với sân khấu truyền thống lại rất gập ghềnh, có lúc tưởng chừng anh phải rời xa con rối, tìm con đường đi mới.

nghe-2.jpg

1. Tôi gặp đạo diễn, NSƯT Bạch Quốc Khanh khi anh đang tất bật theo thầy của mình - Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú Lê Mạnh Hùng, nguyên Trưởng khoa Sân khấu, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, làm trợ lý đạo diễn cho vở “Nghêu Sò Ốc Hến”, một trong 3 vở diễn Nhà hát Múa rối Thăng Long tập luyện để chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (cùng với vở “Thiên mệnh đế đô”, “Tấm Cám”).

Nghệ sĩ Bạch Quốc Khanh nở nụ cười vui vẻ khi được hỏi chuyện về nghề. Anh bảo, trong nghề múa rối nước, khán giả sẽ không biết mặt mình mà chỉ thấy những con rối nước di chuyển trên sân khấu, nghe những câu thoại, tiếng nhạc, tiếng trống... Để mang lại tiếng cười cho khán giả thì cần nỗ lực rất lớn của các nghệ sĩ.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, bố là nghệ sĩ múa, em gái hiện là giảng viên Học viện Múa Việt Nam, nhưng Bạch Quốc Khanh lại chọn học ngành Văn hóa du lịch tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Sau mỗi buổi đến trường, anh thường xuyên đến các câu lạc bộ văn hóa truyền thống. Thế rồi niềm đam mê trỗi dậy, thôi thúc anh thi vào khoa Kịch hát dân tộc, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, dù lúc đó anh đã học đến năm thứ 3 Đại học Văn hóa Hà Nội.

Với thành tích học tập xuất sắc, khi chưa tốt nghiệp đại học, Quốc Khanh đã được lãnh đạo Nhà hát Múa rối Thăng Long mời về làm việc. Đó là niềm vui vô bờ của cậu sinh viên người Mường. Thế nhưng, sau niềm vui, sự hạnh phúc là tháng ngày đầy căng thẳng, khó khăn khi anh chính thức làm việc tại Nhà hát. “Công việc vất vả lắm, tôi phải cầm con rối nước hàng chục cân dưới nước và trong buồng tối đen. Mỗi ngày, chúng tôi diễn 4 - 5 suất, cố gắng nuôi dưỡng ngọn lửa cảm xúc để vai diễn không đi vào lối mòn” - anh tâm sự.

2. Với sự khắt khe trong nghệ thuật nên khi không tạo được nguồn cảm hứng mới, NSƯT Bạch Quốc Khanh xin nghỉ việc tại Nhà hát Múa rối Thăng Long. Anh có 6 năm làm nghệ sĩ tự do và học thêm văn bằng đạo diễn sân khấu. Năm 2012, khi Nhà hát Múa rối Thăng Long tham gia Liên hoan múa rối quốc tế tại Hà Nội với vở “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo”, anh lại được chọn tham gia. “Năm ấy, NSƯT Thu Huyền được chọn vào vai Hồ Nguyệt Cô, tuy nhiên trong thời gian tập luyện thì cô ấy có bầu nên tôi được lựa chọn thay thế. Tôi đã mất 3 tháng tập luyện rất căng thẳng cùng các nghệ sĩ và có những thời điểm chỉ muốn nằm xuống sân khấu vì mệt mỏi. Cuối cùng, thành quả ngọt ngào đến khi diễn vở, khán giả không hề biết người vào vai Hồ Nguyệt Cô lại là nam giới” - anh bộc bạch.

Vở diễn “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo” mang lại tấm Huy chương Bạc cho Nhà hát Múa rối Thăng Long; với cá nhân Bạch Quốc Khanh, đây là vở diễn đánh dấu sự trở lại của anh trên vai trò nghệ sĩ múa rối. Sau 6 năm tìm tòi, trải nghiệm bên ngoài, anh nhận ra Nhà hát Múa rối Thăng Long chính là “bến đỗ” của cuộc đời mình. Anh có thể dành hàng giờ để ngắm nhìn những con rối, có thể thức trắng đêm để sáng tạo với những con rối. Với Bạch Quốc Khanh, khi làm nghề múa rối anh mới thấy được giá trị của mình trong nghệ thuật.

Từ sự trở lại này, anh tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành công, trong đó, với vở diễn “Công chúa tóc mây” tại Liên hoan sân khấu múa rối quốc tế năm 2018, anh đã giúp Nhà hát giành Huy chương Bạc, cá nhân anh (đồng đạo diễn với NSƯT Phương Nhi) được trao giải Đạo diễn xuất sắc nhất. Vở diễn truyền thông điệp kêu gọi mọi người chung tay chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sống xanh - sạch - đẹp và tiết kiệm năng lượng.

nghe-1.jpg

3. Theo NSƯT Bạch Quốc Khanh, người nghệ sĩ múa rối nước cần rất nhiều yếu tố. Khi biểu diễn ở dưới nước, nghệ sĩ phải giữ cơ thể mình không bị lạnh, phải làm quen với sự di chuyển dưới nước và dùng kỹ thuật để nâng con rối lên khỏi mặt nước. Họ vừa thoại, vừa diễn và đối mặt với khói, tiếng ồn, cảm giác nóng, lạnh... “Tôi vào nghề được 25 năm nhưng gần như không có ngày nào tôi không tập luyện. Hằng ngày, chúng tôi làm việc quần quật từ 3h chiều đến 10h đêm, phục vụ khán giả 4 - 5 suất diễn. Lao động thường xuyên, liên tục nhưng điều quan trọng là người nghệ sĩ phải giữ được cảm xúc của mình” - anh chia sẻ.

Tự hào là nghệ sĩ của Nhà hát Múa rối Thăng Long - nổi tiếng với thương hiệu “Nhà hát duy nhất châu Á đạt kỷ lục diễn rối nước 365 ngày/năm”, nghệ sĩ Bạch Quốc Khanh cho rằng, mỗi nghệ sĩ cần nhận thức được trọng trách lan tỏa giá trị văn hóa của mảnh đất nghìn năm văn hiến. Vừa qua, trong chương trình “Những ngày Hà Nội tại thành phố Hồ Chí Minh”, Quốc Khanh tham gia 2 tiết mục là hát chèo và hát quan họ trong sự ngỡ ngàng của nhiều người. Đặc biệt, trong các chuyến đi biểu diễn ở nước ngoài, anh luôn cố gắng giới thiệu những nét đặc biệt của rối nước nói riêng và văn hóa truyền thống Việt Nam nói chung đến bạn bè quốc tế.

Cũng theo NSƯT Bạch Quốc Khanh, qua múa rối nước truyền thống, chúng ta thấy được hơi thở cuộc sống của ông cha ta. Nhưng anh cũng cho rằng sân khấu cần sự sáng tạo. Khi bắt tay vào vở diễn mới, ngoài sử dụng cách làm của bậc tiền nhân thì cần có sự sáng tạo của cá nhân. Các nghệ sĩ cần đưa ra các đề tài mới, gần gũi với cuộc sống. “Nghệ thuật múa rối là tổng hòa của rất nhiều nghệ thuật truyền thống, trong đó, nền tảng âm nhạc chính vẫn là chất liệu chèo. Bởi thế, người nghệ sĩ múa rối cần phải trau dồi, tích lũy kiến thức về âm nhạc truyền thống để làm cho sân khấu múa rối ngày càng hấp dẫn” - anh bộc bạch.

Đạo diễn, NSƯT Bạch Quốc Khanh sinh năm 1976 tại Hòa Bình. Anh tốt nghiệp Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội ở 2 khoa: Khoa Kịch hát dân tộc (năm 1999), khoa Đạo diễn sân khấu (năm 2011). Trong sự nghiệp, anh đã giành một số giải thưởng, như Huy chương Bạc (cá nhân), Huy chương Vàng (tập thể) tại Liên hoan múa rối quốc tế năm 2003; Huy chương Bạc (tập thể) Liên hoan múa rối quốc tế năm 2012... Anh đã cho ra mắt 2 CD hát chèo và dân ca truyền thống là “Đường trường duyên phận” (cùng NSND Thu Huyền), “Đò đưa” (cùng nghệ sĩ Hiền Thảo). Anh đã tham gia dàn dựng các chương trình múa rối nước truyền thống cho Nhà hát Chèo Ninh Bình, Nhà hát Múa rối nước Phú Quốc, Nhà hát Múa rối nước Nha Trang, Đoàn Nghệ thuật tổng hợp tỉnh Phú Thọ...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đạo diễn, Nghệ sĩ Ưu tú Bạch Quốc Khanh: “Sân khấu cần sự sáng tạo”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.