Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đạo diễn, Nghệ sĩ nhân dân Lương Đức: Phim khoa học hay ngoài sự chính xác phải có rung cảm

Bảo Trân| 16/01/2022 05:36

(HNMCT) - Đạo diễn, Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Lương Đức được mệnh danh là người tiên phong khai mở dòng phim khoa học nước nhà. Suốt cuộc đời làm nghệ thuật, ông không ngừng sáng tạo để những thước phim khoa học thường bị coi là khô khan trở nên hấp dẫn, gần gũi.

- Thưa đạo diễn, NSND Lương Đức! Vì sao trong khi đất nước có nhiều khó khăn, nhất là trong những năm chiến tranh, ông lại theo đuổi dòng phim khoa học?

- Sau khi làm phim “Xuân về hoa nở”, tôi nhận thấy ở nước ta chưa ai định hình được cách làm vì không có ai được đào tạo chuyên ngành này. Chỉ có người được học về phim tài liệu. Phim tài liệu nặng tính giáo dục, tuyên truyền về nhận thức, tư tưởng. Còn phim khoa học là truyền đạt kiến thức để mở mang trí tuệ. Tôi cũng học về phim tài liệu nhưng lại say mê phim khoa học, nhất là khi được xem nhiều phim khoa học trong thời gian học tại Đức.

Phim khoa học là dòng phim dễ làm nhưng khó hay. Dễ vì kiến thức đã có các nhà khoa học cung cấp. Còn cái khó là làm sao cho phim hay, lôi cuốn, hấp dẫn... thay vì làm theo cách “giáo khoa, giảng bài”.  

- Vậy ông đã có những tìm tòi trong cách thể hiện phim khoa học như thế nào để hấp dẫn người xem?

- Chúng ta thường gò bó với những tiêu chuẩn, đong, đếm chi ly nên phim khoa học thường khô khan. Muốn làm cho hay thì phải phá cách làm cũ và tìm tòi, vận dụng các phương pháp, các thể loại khác nhau của phim khoa học để thể hiện... Với những vấn đề trừu tượng như hạt nhân, nguyên tử hay các định luật... tôi đã cụ thể hóa bằng các mô hình để dẫn giải cho người xem dễ hiểu.

Làm phim khoa học lúc đó cũng gặp nhiều hạn chế khi nước ta còn khó khăn. Tôi đã dùng diễn viên đóng vai, dùng thủ pháp hoạt hình để dẫn dắt câu chuyện. Phần lớn phim khoa học tôi đã vận dụng cách làm của phim tài liệu, tức là người thật, việc thật, hiện trường thật... Ở các nước tiên tiến, phim khoa học đều được làm tại trường quay. Còn tôi thông qua hiện trường sự việc để giải thích sâu về khoa học.

Một thời gian tôi cũng làm phim thể nghiệm. Phim “Yên chí không sao”, tôi hư cấu một tiểu phẩm về thức ăn bị ô nhiễm để nói đến sự quan liêu của một số lãnh đạo. Còn phim “Chú ý thuốc trừ sâu”, tôi lấy bối cảnh tại một hợp tác xã ở Hưng Yên, nơi xuất phát của phong trào lúa xuân. Không có người đóng nên tôi đã vào vai anh nông dân bị ngộ độc thuốc. Phim bắt đầu từ một chuyện đơn giản: Sau khi phun thuốc trừ sâu xong, đội phun thuốc đùa nhau khoát nước, dùng vòi bơm xịt... nhưng không may bị ngộ độc.

Với tôi, phim tài liệu đề cao tính chân thực, tạo ra sự đồng cảm cho người xem. Còn phim khoa học được phép vận dụng tất cả những thủ pháp của hoạt hình, phim tài liệu, tiểu phẩm, kịch, phim truyện... để tăng tính thuyết phục. Người làm phim khoa học không bị ràng buộc quá nhiều bởi cách thức nào, miễn là truyền đạt được nội dung. Nhưng điều này cũng như con dao hai lưỡi, đòi hỏi người làm phải có bản lĩnh, vừa chính xác lại vừa có rung cảm nhất định.

- Các tiểu phẩm đã mang đến cho phim khoa học một hướng tiếp cận mới mẻ với người xem. Bây giờ, trong các bộ phim khoa học, người ta cũng vận dụng cách làm này với những tình huống, thí nghiệm khoa học?

- Đúng vậy, gần đây trên truyền hình, các bạn trẻ đã phát huy cách làm này để thu hút khán giả trẻ. Thế nhưng những năm 60, 70 của thế kỷ trước, việc tìm diễn viên hài là rất khó. Hài nhưng vẫn đòi hỏi diễn viên phải có trình độ chuyên môn, sự am hiểu nhất định. Đây là một cách làm thú vị, nhất là trong điều kiện chiến tranh, cuộc sống người dân khó khăn, mình nên đưa những câu chuyện nhẹ nhàng.

- Theo ông vì sao đến bây giờ nhiều người vẫn ngại làm phim khoa học?

- Trong các cuộc thi, người đánh giá phim thường nhìn nhận phim khoa học với cách nhìn của phim tài liệu: Phim tài liệu dễ làm rung động lòng người, còn phim khoa học mặc định là “khô khan”. Với phim khoa học, để tạo được cảm xúc cho người xem là rất khó. Người nào đam mê dòng phim này thường bị thiệt thòi. Bây giờ, dòng phim này phát triển hơn trước, nhưng vẫn thiếu cơ sở lý luận để rút ra cái hay, cái dở và hỗ trợ cho giới sáng tác. Sáng tác và phê bình luôn phải có sự đồng hành mới được.

- Vì sao đến giờ, đã hơn 80 tuổi, ông vẫn hăng say thực hiện những bộ phim khoa học, đang cùng đồng nghiệp là NSND Vũ Lệ Mỹ thực hiện seri phim về tín ngưỡng, tôn giáo?

- Đó là đam mê. Không có gì buồn bằng về hưu mà cảm thấy vô dụng. Cho nên tôi tạo ra động lực cho mình, tạo ra niềm vui mới và duy trì khát vọng khẳng định mình. Những yếu tố ấy khiến tôi không ngại vất vả.

- Trân trọng cảm ơn ông!

NSND Lương Đức là tác giả của hơn 50 phim khoa học, 7 phim tài liệu. Ông gặt hái nhiều giải thưởng cao quý như Giải Bông sen vàng cho các phim “Cá mè đẻ nhân tạo”, “Chú ý thuốc trừ sâu”, “Đất Tổ ngàn xưa”; Ba giải quay phim xuất sắc cho các phim “Vì âm thanh cuộc sống”, “Đất Hạ Long”, “Cá trôi Ấn”. Hai bộ phim “Đất Hạ Long” và “Đất Tổ ngàn xưa” ngoài đoạt giải đặc biệt tại Liên hoan phim quốc tế Mátxcơva còn được khán giả Đức đón nhận nồng nhiệt khi công chiếu rộng rãi tại đây để giới thiệu văn hóa Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đạo diễn, Nghệ sĩ nhân dân Lương Đức: Phim khoa học hay ngoài sự chính xác phải có rung cảm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.