(HNMCT) - Đã ngoài 60 tuổi nhưng Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), đạo diễn Lê Hồng Chương vẫn giữ thói quen dậy sớm, đọc sách và tập thể thao. Ông ham đọc một cách kỳ lạ, coi đó như nhu cầu thiết yếu, đến giờ vẫn cần mẫn thu nạp kiến thức mỗi ngày để cho ra đời những tác phẩm chất lượng và cập nhật bài giảng cho sinh viên với quan niệm: “Mình phải đọc nhiều hơn người khác thì mới nói được người khác chứ...”. Và điều đặc biệt là tình yêu ông dành cho phim tài liệu thì chưa bao giờ vơi cạn.
1. Lê Hồng Chương xuất thân trong gia đình có ông nội làm quan trong triều đình nhà Nguyễn, bố là đạo diễn Lê Huân - nguyên Giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, mẹ là người Từ Sơn, Bắc Ninh - nơi phụ nữ có tiếng là đảm đang, tháo vát.
Trong giới làm nghề, đạo diễn Lê Hồng Chương nổi tiếng với phong cách làm phim tinh tế, sẵn sàng đụng đến những vấn đề gai góc, thời sự nóng hổi và theo đuổi đến tận cùng. Đặc biệt, ông thuộc kiểu người không dễ dãi với bản thân trong lúc làm việc. Một cộng sự của Lê Hồng Chương kể rằng, có những lúc đi quay xa, thường vào khoảng thời gian cuối buổi, mọi người ai cũng muốn nhanh chóng kết thúc công việc để về Hà Nội, nhưng ông không đồng ý xuê xoa mà luôn yêu cầu mọi người chỉn chu tới cảnh quay cuối.
Đó cũng là lý do khi thực hiện bộ phim Về với buôn rừng (từng được trao Giải A của Hội Điện ảnh Việt Nam), Lê Hồng Chương đã vào Tây Nguyên trước lúc quay và ở lại đấy 2 tuần để khám phá và tìm cảm hứng. Chưa kể trước đó ông đã đọc rất nhiều sách, tiểu thuyết, ký về vùng đất này. Lê Hồng Chương quan niệm: “Cái tôi cần là độ dày của tài liệu chứ không phải là độ dày của tiền. Ở góc độ quản lý sáng tác, phải đọc nhiều thì mới định hướng được cho anh em, nếu không thì biết cái gì mà đòi ý kiến”.
2. Tốt nghiệp chuyên ngành quay phim ở Đại học Điện ảnh toàn Liên bang Xô viết (VGIK) và trở về Việt Nam thành danh với vai trò đạo diễn, các phim của Lê Hồng Chương có thế mạnh là hình ảnh đầy tính ám ảnh, mang đến cảm xúc mãnh liệt cho người xem. Các bộ phim tài liệu Về với buôn rừng, Thang đá ngược ngàn, Còn lại với thời gian... của ông chính là tư liệu quý cho sinh viên ngành điện ảnh tham chiếu.
Đồng nghiệp và sinh viên yêu mến Lê Hồng Chương ở chỗ con người ông luôn trẻ trung về mặt tâm hồn, ưa thích vận động, có nhu cầu cập nhật kiến thức mọi lúc mọi nơi. Và bên trong con người luôn vận động đó là chất “nghệ” không tư lợi, nể nang.
Quan điểm làm nghề của Lê Hồng Chương là “phải luôn bám sát cuộc sống, tránh những đề tài và cách khai thác giống nhau. Người làm phim nên đi, nên nhìn cuộc sống theo cách của mình”. Điều ông thích nhất ở một bộ phim là “nó có thể khiến người xem xúc động”.
Với người làm công việc sáng tác, tính cách nông hay sâu in hằn trong tác phẩm. Lê Hồng Chuơng chính là kiểu người đôi khi trầm lắng, cô đơn, có lúc lại sôi nổi, hào phóng. Sự tốt bụng hoàn toàn tự nhiên cùng cách cư xử hết lòng vì người khác của ông khiến người đối diện vô cùng thoải mái.
Người sao phim vậy, phim Lê Hồng Chương thường có những hình ảnh, chi tiết chắt lọc để truyền đến khán giả những cung bậc cảm xúc khác nhau. Thang đá ngược ngàn gây xúc động đến ám ảnh với hình ảnh cô giáo trẻ vượt qua những bậc đá cheo leo để mang cái chữ đến cho con trẻ. Trong khi đó, Còn lại với thời gian lắng đọng nghẹn ngào hình ảnh người mẹ già ngồi chờ con nơi sân ga khi chiến tranh đã qua đi cả thập kỷ...
3. NSND Lê Hồng Chương nói về gia đình mình không nhiều nhưng đầy sự hàm ơn: “Bố tớ luôn dặn rằng một khi còn cái đầu và còn đôi tay thì sẽ có tất cả”. Dường như đó là lý do để ông yêu thích và đam mê vận động. Con người Lê Hồng Chương giống cái đồng hồ, luôn chuyển động, luôn sống. Ông quan niệm: “Đã là dân điện ảnh thì không có gì thích bằng được sáng tạo”. Ngay cả việc làm Giám đốc Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp cũng xuất phát từ niềm đam mê đọc và thích cái mới của ông.
Vốn là người ham đọc, Lê Hồng Chương tình cờ phát hiện những kiến thức làm nghề mà ông cần bổ sung có trong các cuốn sách nguyên bản tiếng Pháp tại Thư viện Quốc gia. Thế là ông học tiếng Pháp để có thể tự đọc những cuốn sách này. Biết thêm ngôn ngữ mới, ông tìm cơ hội đến Pháp, tạm gác lại chuyến đi Nga để làm luận án tiến sĩ. Sau khi trở về Việt Nam, ông được phân công làm Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh.
Ngoài việc đi Pháp là có chủ ý, những sự kiện khác như “lên chức giám đốc”, trở thành người đứng đầu Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh và bây giờ là Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam “đều hoàn toàn không có trong kịch bản đời mình”, như lời ông nói.
Những năm gần đây, ngoài việc giảng dạy, NSND Lê Hồng Chương là gương mặt quen thuộc trong Ban giám khảo các kỳ Liên hoan phim Việt Nam và Giải thưởng Cánh diều của Hội Điện ảnh Việt Nam. Đi chấm giải, thẩm định tác phẩm của người khác, ông nêu rõ quan điểm đã làm giám khảo là chỉ có đúng hay sai, được hay chưa được mà thôi. “Mình làm theo quan điểm của mình, làm gì cũng phải có lý do, không chịu sức ép của ai. Việc phân tích cái này được còn cái kia chưa được đều phải rõ ràng, có dẫn chứng”, Lê Hồng Chương chia sẻ.
Với Lê Hồng Chương, nghệ sĩ bao giờ cũng khắt khe với mình, muốn làm cái mới nên khi làm phim thường bỏ công sức tìm tòi, những gì quan trọng nhất phải được tập trung cho tác phẩm. “Ví dụ, viết một kịch bản về dịch Covid-19 ở thời điểm này thì bạn phải nhấn mạnh vào yếu tố đồng lòng của dân tộc Việt Nam trước sự kiện này. Bởi dân tộc ta khi gặp tai họa thì có sự đồng lòng, thống nhất rất cao. Vì thế, để chiến thắng đại dịch đòi hỏi sự đoàn kết, quyết tâm của cả nước. Đó là yêu cầu chính của kịch bản, còn việc miêu tả sự đồng lòng đó ra sao thì bạn cần phải đọc, phải nắm được nhiều vấn đề. Chuyện này chỉ có tự bạn mới làm được thôi, không có giáo viên hay hội đồng kịch bản nào giúp bạn được”. Đây cũng chính là lời khuyên mà NSND Lê Hồng Chương dành cho một nhà biên kịch trẻ. Nó hoàn toàn đúng với tư chất, phong cách của ông, nhiệt tình và tốt bụng một cách tự nhiên.
Có thể nhận thấy một điều, dù ở cương vị nào, là người trực tiếp sáng tác, người quản lý, “gia sư bất đắc dĩ” hay thỉnh thoảng tự tay vào bếp nấu ăn đón các biên kịch trẻ không mời mà tới chơi nhà... thì Lê Hồng Chương cũng đều thể hiện tinh thần hết lòng với công việc. Đặc biệt, tình yêu ông dành cho phim tài liệu thì chưa bao giờ vơi cạn.
Đạo diễn, NSND Lê Hồng Chương sinh năm 1957, đã trải qua nhiều vị trí công tác như: Giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh... Ông đóng góp nhiều bộ phim hay vào danh mục phim tài liệu Việt Nam như Concert, Về với buôn rừng, Thang đá ngược ngàn, Còn lại với thời gian... và giành nhiều giải thưởng danh giá như Giải đạo diễn xuất sắc nhất Liên hoan phim Việt Nam 2009 (phim Ký ức Trường Sơn), Cánh diều Vàng 2005 - Đạo diễn xuất sắc nhất (phim Còn lại với thời gian). Ông được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.