(HNMCT) - “Chuyện thảo nguyên”, “Sinh năm 1972”, “Chị Năm khùng”, “Những nẻo đường công lý”... là những bộ phim tài liệu tiêu biểu của đạo diễn Lại Văn Sinh khi đề cập về thân phận con người, đánh thức lương tâm con người về quyền sống, về lẽ phải. Với đạo diễn Lại Văn Sinh, điều ông quan tâm nhất, ám ảnh nhất suốt chặng đường gắn bó với phim tài liệu là số phận con người Việt Nam thời hậu chiến.
- Thưa đạo diễn Lại Văn Sinh, “Chuyện thảo nguyên” có phải là bộ phim tài liệu đầu tiên của ông về số phận những người phụ nữ?
- Đó là bộ phim tài liệu tôi thực hiện năm 1999, nói về những người phụ nữ làm việc ở nông trường, không có chồng mà có con. Ngược về quá khứ một chút, từ năm 1990, khi làm bộ phim “Những lời hát ru”, tôi đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam giúp đỡ rất nhiệt tình. Lúc ấy có bài báo viết về làng Lòi (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An), một ngôi làng của những người phụ nữ không chồng mà có con. Họ bị người đời kỳ thị nên tìm đến nương níu nhau, sống cách biệt với mọi người. Làng tự lập và tự quản, họ sống chan hòa, thương yêu và đoàn kết. Tôi nhận thấy đây là câu chuyện hay nên đã trao đổi và được chị Thanh Thanh, bấy giờ là Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, khích lệ. Chị còn đùa với tôi rằng: “Nếu cậu làm được phim này, tớ sẽ kết nạp cậu vào Hội”. Thế nhưng khi đặt vấn đề với Hội Phụ nữ địa phương thì không được ủng hộ.
Phải gần 10 năm sau, vào năm 1999, tôi mới thực hiện được đề tài này, nhưng không phải ở làng Lòi mà ở Nông trường Mộc Châu (tỉnh Sơn La). Lần đầu tiên lên nông trường, một anh đội trưởng sản xuất đưa tôi đi gặp nhân vật, nhưng hầu như chẳng ai mặn mà gì, nhiều người còn tránh mặt. Tôi hiểu mình đang chạm vào nỗi đau thầm kín nhất của họ. Nhưng cần phải làm cho mọi người hiểu và thông cảm với hoàn cảnh của họ. Sau đó tôi còn lên hai lần nữa, gặp gỡ thêm một số nhân vật, làm quen với những đứa trẻ và đến khi chúng tôi mang máy lên quay thì đã trở thành những người quen, thân thiện. Bộ phim được trao giải khuyến khích của Hội Điện ảnh. Tuy nhiên, với thời lượng 30 phút, lại đề cập đến câu chuyện lớn về quyền làm mẹ, làm vợ của người phụ nữ, bộ phim chưa nói được gì nhiều. Sau này tôi đã viết một cuốn tiểu thuyết, cũng lấy tên là “Chuyện thảo nguyên”, để giải tỏa những suy nghĩ, day dứt của mình về thân phận những người phụ nữ không may.
- Phải chăng khi làm xong phim, ông vẫn cảm thấy mắc nợ họ?
- Có khoảng 8 - 9 nhân vật trong phim. Mỗi người một vẻ nhưng cùng chung nỗi bất hạnh. Và họ đều lựa chọn cho mình cách để có được một đứa con. Người tôi gặp đầu tiên là một nữ công nhân có vẻ ngoài rất khắc khổ. Tuy tỏ ra khá mạnh mẽ, nhưng khi chạm vào câu chuyện éo le, chị lặng đi rồi rơm rớm nước mắt bảo: “Nói thật với anh, chúng tôi phấn đấu hết cả tuổi xuân, chẳng thiếu danh hiệu gì: Chiến sĩ thi đua, Kiện tướng, Bàn tay vàng, có người còn được bồi dưỡng để trở thành Anh hùng Lao động..., thế nhưng đến khi gần 40 tuổi, tôi mới nhận ra cái mình thiếu nhất là một gia đình. Rồi tôi quyết định đi hoang”. Và chị đã có một bé trai. Khát khao được làm mẹ của người phụ nữ lớn như thế đấy. Đứa con không chỉ là nguồn hạnh phúc mà còn là chỗ dựa cho các chị khi về già, vì thế khao khát ấy rất đáng được trân trọng.
Có những điều rất khó kể hết được trên phim, chỉ có viết ra thì mới chuyển tải hết được. Ngược lại, có chuyện phải viết nhiều trang sách thì chỉ cần một phân đoạn ngắn, phim ảnh lại làm được. Có anh bạn đạo diễn đọc sách của tôi rồi bảo: "Truyện của anh gần với phim”. Tôi nghĩ đó là bệnh nghề nghiệp của một anh đạo diễn bỗng dưng tập tọe viết văn. Nhưng điều đó càng chứng tỏ điện ảnh và văn học có sự bổ trợ lẫn nhau.
- Điều gì đã dẫn dắt ông đi từ “Chuyện thảo nguyên” đến “Chị Năm khùng” và “Những nẻo đường công lý”, những bộ phim về thân phận con người yếu thế, chịu nhiều bất hạnh?
- Tôi thường làm phim về thân phận con người. Khi duyệt phim “Chị Năm khùng”, có người đã nói đại ý rằng: “Nhân vật này hay đấy, nhưng làm sao mà nhân ra được nhiều người như bà ấy”. Đó là lối tư duy rất phản khoa học. Tôi đã từng gặp những khu đất rộng mênh mông người ta bỏ hết cây trồng truyền thống để “nhân điển hình” bằng cây cọ dầu. Cả một vùng cọ dầu bạt ngàn nhưng không có nhà máy chế biến, giờ phá đi cũng chẳng được, đành bỏ hoang. Những hình tượng cao đẹp trong phim ảnh hay văn học lan tỏa cái tinh thần, ý chí chứ đâu phải để nhân giống như cây cọ dầu.
Sống ở đời, con người luôn phải đối diện với hoàn cảnh. Anh sẽ vượt qua hay đầu hàng để nó vùi dập. Chính thái độ ứng xử đó sẽ cho thấy bản lĩnh của một người. Trong các bộ phim của mình, tôi đều mong muốn hướng đến đề cao con người Việt Nam. Phim “Chị Năm khùng” khi chiếu ở Trung tâm Văn hóa Pháp cho khán giả nước ngoài xem, chật kín cả hội trường. Cuối buổi chiếu, một phụ nữ da màu đã khóc và nói với tôi: “Đứng trước người phụ nữ trong phim của anh, tôi thấy mình nhỏ bé quá!”. Nói về thân phận con người không phải là kể lể hoàn cảnh của họ. Điều cốt lõi là phải thấy được cái cách mà họ vượt qua sự nghiệt ngã của số phận như thế nào. Đó là bản lĩnh và cũng là nhân tố để chiến thắng hoàn cảnh.
- Trân trọng cảm ơn đạo diễn Lại Văn Sinh!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.