Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đánh trống bỏ dùi?

Chí Đạo - Đức Hải| 07/05/2010 06:45

(HNM) - Sau nhiều lần xử lý, cam kết xử lý của chính quyền địa phương, đến nay, hơn chục lò nung gạch thủ công tại xã Thống Nhất (huyện Thường Tín) vẫn ngang nhiên tồn tại. Điều đáng nói, dù đã có quyết định cưỡng chế, yêu cầu ngừng hoạt động nhưng các chủ lò gạch này vẫn sản xuất như chưa có chuyện gì xảy ra.

Hàng vạn viên gạch mộc chuẩn bị vào lò nung.


Cưỡng chế trên giấy
Ngày 6-5, dọc tuyến đê dài khoảng 1km thuộc địa phận xã Thống Nhất, hơn chục lò gạch vẫn hoạt động bình thường. "Những lò này nung trước Tết, giờ chúng tôi đang chuyển gạch ra. Còn số gạch mộc này, khi lúa chín sẽ bắt đầu nung" - một công nhân đang nhào than cho biết. Trong khi đó, ông Phạm Văn Tập, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Thường Tín lại khẳng định, ở thời điểm hiện tại, các lò nung gạch tại xã Thống Nhất đã dừng toàn bộ hoạt động sản xuất sau khi UBND huyện ra quyết định cưỡng chế (tháng 7-2009). Thực tế, ngoài những dãy gạch mộc trải khắp đang chờ vào lò nung thì những lô gạch mới tiếp tục được sản xuất. Những máy xúc, máy ủi, máy sản xuất gạch luôn hoạt động hết công suất. Đứng trên bờ đê hữu Hồng nhìn xuống khu lò gạch, phía dưới là những hố đấu rộng hàng trăm mét vuông. Nhiều chỗ máy xúc múc đất phù sa đi tạo thành hố sâu so với mặt đê, độ kết dính của đất không còn, tạo nên các vũng nước ngầm thành hiểm họa cho chân đê. Anh Nguyễn Văn Đăng, người dân xã Thống Nhất nói: "Có lúc chính quyền làm nghiêm, máy múc đất sản xuất gạch chỉ hoạt động ban đêm nhưng gần đây chuyển sang làm cả ban ngày".

Trộn than chuẩn bị cho đốt lò.


Những lò gạch này hoạt động từ năm 2001, UBND huyện Thường Tín đã nhiều lần ra quyết định tháo dỡ và cưỡng chế vì vi phạm Luật Đê điều, Luật Đất đai, Pháp lệnh Phòng chống lụt bão. Tuy nhiên, chỉ thời gian ngắn sau khi cưỡng chế, các lò gạch lại hoạt động trở lại. Đến tháng 3-2009, khi xảy ra tình trạng táp cháy hàng trăm hécta lúa của nhiều xã quanh vùng thì cả chính quyền và người dân mới giật mình vì mức độ ô nhiễm môi trường mà các lò gạch gây ra. Lúc đó, UBND huyện Thường Tín mới thành lập tổ công tác để giải quyết hậu quả, đồng thời ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Tiếp đến, tháng
7-2009, UBND huyện ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về sử dụng đất đai, đê điều, môi trường, thương mại đối với toàn bộ các chủ lò. Vào đầu năm 2010, lực lượng chức năng đã tổ chức cưỡng chế, nhưng chỉ xử lý được 10 lò, còn lại 12 lò vẫn tồn tại vì lý do chủ lò có hợp đồng với UBND xã Thống Nhất và các thôn Thượng Giáp, Giáp Long. Ông Nguyễn Văn Nhị, Phó Chủ tịch UBND xã Thống Nhất cho biết, trong số 12 lò đang tồn tại, có 5 cái, chủ lò đã ký hợp đồng chính thức với UBND xã đến hết năm 2010; 7 lò ký được hợp đồng với thôn đến hết năm 2013. Các hợp đồng chỉ thể hiện việc thuê đất san, gạt mặt bằng làm bãi chứa nguyên vật liệu, không được đào đất, không được làm ảnh hưởng đến chân đê... nhưng thực tế các chủ thuê cứ đào đất để nung gạch.

Vì sao chưa xử lý triệt để?
Việc xử lý các trường hợp sản xuất, nung đốt gạch ở xã Thống Nhất đang gặp phải phản ứng từ phía các chủ lò. "Chúng tôi tán thành với chủ trương của Nhà nước phá dỡ lò nung gạch thủ công để bảo vệ môi trường, nhưng hợp đồng đã ký với UBND xã thì phải có đền bù thỏa đáng. Chúng tôi đã đầu tư tiền triệu, tiền tỷ vào đây, hợp đồng chưa hết thì lấy tiền đâu trả nợ" - một chủ lò cho biết. Trước tình hình này, huyện Thường Tín đã thành lập đoàn thanh tra làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan. Theo ông Phạm Văn Tập, kết luận thanh tra nêu rõ: "UBND xã Thống Nhất và thôn ký hợp đồng với các chủ lò là trái thẩm quyền; hợp đồng không có hiệu lực pháp lý; nhiều trường hợp vi phạm điều khoản trong hợp đồng nhưng chính quyền không có biện pháp ngăn chặn, trách nhiệm thuộc về UBND xã Thống Nhất…" Ngoài ra, tất cả các lò gạch trên địa bàn xã đều vi phạm các quy định của Nhà nước như không được cấp có thẩm quyền phê duyệt; vi phạm các quy định về môi trường, khai thác tài nguyên, Luật Đê điều, Luật Đất đai...

Kết luận thanh tra đã rõ, huyện cũng đã xử lý nghiêm cán bộ có trách nhiệm của UBND xã Thống Nhất để xảy ra tình trạng này nhưng dư luận vẫn đặt câu hỏi: Tại sao cơ quan quản lý nhà nước vẫn để các lò gạch ngang nhiên hoạt động cách UBND xã không xa? Huyện Thường Tín đã quyết liệt hay chưa khi đã 5 lần xử lý cưỡng chế nhưng vẫn không giải quyết triệt để? Ông Phạm Văn Tập cho rằng: "Các thủ tục pháp lý đã đầy đủ để xử lý, nhưng khó nhất hiện nay là việc xử lý hợp đồng đã ký giữa UBND xã, thôn với các chủ lò. Tiền đã tiêu hết, đền hợp đồng thì chính quyền xã không có khả năng".

Có lẽ lúc này phải xác định lại trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, cá nhân thì mới xử lý dứt điểm được.

Chuyển công tác Chủ tịch UBND xã Thống Nhất

Trước những sai phạm trong quản lý đất đai liên quan đến lò gạch xảy ra tại xã Thống Nhất, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy đã ra quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thống Nhất Hoàng Văn Thảo. UBND huyện ra quyết định điều chuyển công tác đối với ông Thảo - người chịu trách nhiệm chính về vụ việc nêu trên sang làm công tác khác.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đánh trống bỏ dùi?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.