Kinh tế

Cân nhắc bổ sung thuế tiêu thụ đặc biệt một số mặt hàng

Bảo Hân 11/07/2024 - 15:42

Những sửa đổi tại dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ có tác động rất lớn đến các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Sáng 11-7, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo với sự tham gia của đại diện hàng trăm doanh nghiệp nhằm góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

2h6a2194-2.jpg
Hội thảo thu hút đông đảo các chuyên gia, hiệp hội và doanh nghiệp. Ảnh: T.Quang

Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) vừa được Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ bảy; theo lộ trình sẽ tiếp tục được Chính phủ trình xin ý kiến lần thứ hai tại kỳ họp thứ tám (tháng 10-2024) và thông qua tại kỳ họp thứ chín (tháng 5-2025).

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI, từ năm 2008 đến nay, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đã qua 4 lần sửa đổi, bổ sung. Việc sửa đổi lần này có nhiều nội dung quan trọng, trong đó có những mặt hàng được bổ sung vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, một số mặt hàng được điều chỉnh thuế suất với lộ trình cụ thể, thay đổi phương pháp tính thuế, một số quy định được điều chỉnh để đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.

2h6a2752.jpg
Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn điều hành hội thảo. Ảnh: T.Quang

“Những sửa đổi này sẽ có tác động rất lớn đến các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật và người tiêu dùng”, ông Đậu Anh Tuấn nêu.

Các đại biểu dành phần lớn thời gian nêu ý kiến về các tác động, đặc biệt với các nhóm ngành hàng sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp.

Trước đề xuất của Bộ Tài chính bổ sung mặt hàng nước giải khát theo tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là 10%, bà Chu Thị Vân Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Bia rượu nước giải khát Việt Nam đề nghị cần cân nhắc, do nước giải khát có đường không phải là nguồn cung cấp calo duy nhất và cao nhất gây thừa cân béo phì.

Ông Nguyễn Văn Phụng, Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam nêu, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát không chỉ có nguy cơ giảm thu ngân sách từ thuế giá trị gia tăng và thu nhập doanh nghiệp, mà còn gây ảnh hưởng không nhỏ tới ngành nước giải khát, các ngành công nghiệp phụ trợ có liên quan như ngành mía đường, bán lẻ, bao bì và hậu cần. Do đó, các cơ quan cần cân nhắc về lộ trình áp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, từ đó tránh tạo ra những rủi ro chính sách cho các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng của ngành này.

Với mặt hàng khác được dự thảo Luật chỉnh sửa thuế suất áp dụng là xe ô tô pick-up chở hàng cabin kép, đại diện Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cũng đưa ra kiến nghị giữ nguyên thuế suất hiện hành, bởi việc chịu thuế suất tiêu thụ đặc biệt sẽ tác động tiêu cực đến lợi thế cạnh tranh của thị trường ô tô Việt Nam so với các nước trên thế giới...

PGS.TS Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính nêu nguyên tắc thiết kế thuế tiêu thụ đặc biệt cần bảo đảm công bằng giữa các nhà sản xuất, đem lại đồng bộ, hiệu quả với kinh tế, xã hội, môi trường và thu thuế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cân nhắc bổ sung thuế tiêu thụ đặc biệt một số mặt hàng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.