Sách

Đánh thức "thánh địa tri thức"

Hạ Yến 02/12/2023 - 07:08

Được coi là một trong những bộ phận hỗ trợ công tác giáo dục bậc phổ thông, hệ thống thư viện trường học dù rộng khắp nhưng chưa thực sự phát huy được hiệu quả.

Đánh giá đúng vai trò của thư viện để tổ chức các hoạt động đọc sách, từ đó nâng cao năng lực học tập cho thế hệ trẻ là phương pháp nên được quan tâm.

doc-sach.jpg
Giờ đọc sách của học sinh Trường Tiểu học Tứ Liên, quận Tây Hồ. Ảnh: Vũ Minh

Những năm gần đây, phát triển văn hóa đọc là cụm từ được nhắc đến nhiều và có thể thấy rõ nhiều thay đổi tích cực về hoạt động đọc trong cộng đồng. Song, ở môi trường học đường, nơi có các thư viện với những tiêu chuẩn cụ thể, rõ ràng cho từng bậc học, thì hoạt động đọc lại rất... cầm chừng, thậm chí nhiều nơi thư viện chỉ để trang trí hoặc đơn thuần là kho chứa sách.

Nguyên nhân đã được nhiều “chuyên gia đọc” chỉ ra, như số lượng sách của thư viện đơn điệu và nghèo nàn, vị trí thư viện được bố trí không thuận tiện với học sinh, thời gian nghỉ giữa các tiết học không đủ để đến thư viện đọc sách, không có tiết thư viện hoặc tiết thư viện không đủ thú vị, thiếu sự hướng dẫn đọc hoặc tổ chức các hoạt động đọc hấp dẫn cho học sinh...

Và điều quan trọng, nguyên nhân của mọi nguyên nhân, đó là chưa đánh giá đúng mức vai trò của thư viện đối với nâng cao chất lượng giảng dạy và năng lực học tập cho các thế hệ học sinh để từ đó góp phần đẩy mạnh xã hội học tập, hướng tới phát triển nền kinh tế tri thức.

Theo chuyên gia giáo dục Tống Liên Anh, người từng phụ trách các đề án, chương trình thúc đẩy học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập tại Việt Nam, có một khoảng cách quá lớn trong quan tâm đầu tư cũng như sự tôn vinh, đề cao vị trí, vai trò của thư viện và người thủ thư giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển như Việt Nam.

Tại các nước phát triển, thư viện luôn nằm ở vị trí trang trọng và đẹp nhất, trung tâm của trường học, ở tiền sảnh của nhiều trường, có bảng đá khắc tên những người dân đóng góp xây dựng thư viện để tôn vinh những người vì khai trí, vì khuyến đọc.

Ông Trịnh Minh Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần Xuất bản và Giáo dục Quảng Văn, cho biết: “Tính đến nay, Việt Nam có khoảng 30.000 thư viện trên cả nước, trong đó có hơn 20.000 thư viện trường học. Tuy nhiên, trong sự phát triển bùng nổ của công nghệ, vai trò của thư viện trường học đang ngày càng bị suy giảm”.

Nhận thấy ý thức về vị trí, vai trò của công tác thư viện, đặc biệt thư viện trong trường học tại Việt Nam còn nhiều hạn chế, nhãn hiệu Ehomebooks của Quảng Văn đã phát động dự án gây quỹ cộng đồng “Sổ tay thư viện trường học - Nâng cao năng lực học tập nhờ hoạt động đọc sách”.

Mục tiêu của dự án là xuất bản và trao tặng 2.000 bản sách "Sổ tay thư viện trường học" tới các thư viện trường học trên cả nước, đặc biệt là các thư viện nông thôn, thư viện ở khu vực có điều kiện khó khăn. Khởi động từ tháng 10-2023, đến nay dự án đã trao tặng thành công 1.098 bản sách đến 239 thư viện và hơn 500 bản sách đang trên đường đến với các thư viện thuộc 45 tỉnh, thành trên cả nước.

Cuốn sách "Sổ tay thư viện trường học" là kết quả của dự án “Nghiên cứu điều tra phân tích các vấn đề chuyên môn dựa trên khảo sát về năng lực học tập” do Trường Đại học Shizuoka (Nhật Bản) thực hiện nhằm chứng minh mối quan hệ mật thiết giữa việc đọc sách và nâng cao năng lực học tập; đồng thời, nêu cao vai trò của thư viện và nhân lực phụ trách hoạt động tại thư viện.

Nhóm nghiên cứu dự án cho rằng, “thư viện trường học là nơi thích hợp nhất để giáo dục sự quan tâm, lòng ham học và trang bị cho học sinh phương pháp học. Nếu như phương pháp hướng dẫn đọc sách và sử dụng thư viện trường vẫn chưa được hình thành ở các trường học, thì chúng tôi mong phương pháp này sẽ được biết đến rộng rãi hơn. Cuốn sổ tay này được biên soạn từ niềm mong ước ấy”.

Với văn phong mạch lạc, nội dung súc tích, cuốn sách cho thấy rõ tác dụng của việc đọc sách đối với học sinh, khẳng định “chất của việc đọc sách cần thiết hơn là lượng”. Đây có thể nói là một tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà quản lý giáo dục, giáo viên và người làm công tác thư viện trường học.

Với ba phần phân tích, ví dụ và tài liệu, cuốn sách hướng dẫn tỉ mỉ về “hoạt động đọc sách do giáo viên chủ nhiệm tiến hành”, “các sự kiện đọc sách của thư viện trường học”, “xây dựng và sử dụng danh sách khuyến đọc”, “hướng dẫn đọc sách từ nhiều góc độ khác nhau”, “các tình huống sử dụng thư viện trường học”, “tiến hành đọc sách cho học sinh toàn trường nghe”, “hướng dẫn nâng cao mối quan tâm, hứng thú đối với đọc sách”, “mở rộng và làm sâu sắc việc đọc sách”...

Dịch giả Nguyễn Quốc Vương, người chuyển ngữ tài liệu này chia sẻ: “Tôi cảm thấy biết ơn vì thông qua xuất bản, cuốn sách có ý nghĩa lớn này có thể đến được với những nơi cần là các thư viện, các thầy, cô và những ai quan tâm đến công tác thư viện, khuyến đọc ở Việt Nam. Tôi hy vọng tài liệu này sẽ được sử dụng rộng rãi, đến được với nhiều bạn đọc trên đất nước Việt Nam”. Chỉ khi cộng đồng và đặc biệt là chính các nhà trường đánh giá đúng vai trò của thư viện, các hoạt động tại “thánh địa của tri thức” mới có thể hoạt động sôi nổi và hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đánh thức "thánh địa tri thức"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.