(HNM) - UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt Kế hoạch quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Cổ Loa, giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn đến năm 2030 với rất nhiều phần việc cần triển khai thực hiện.
Quang cảnh Khu di tích Cổ Loa. |
Một trong những khó khăn thường trực trong công tác bảo tồn phát huy giá trị di sản Cổ Loa (xã Cổ Loa, huyện Đông Anh) là có hàng trăm hộ dân sinh sống tại cả ba vòng thành và hầu hết đã được cấp quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai.
Do nhu cầu dân sinh, ngay trên bề mặt và chân di tích, người dân trồng trọt, chăn nuôi và xây dựng năm này qua năm khác khiến di tích bị biến dạng, thậm chí nhiều khu vực (di chỉ khảo cổ học Đồng Vông, hầu hết vòng thành Nội…) đang đứng trước nguy cơ xóa sổ. Thời gian gần đây, tốc độ xẻ thành, lấp hào cho nhiều mục đích khác nhau tăng dần nhưng việc kiểm tra, xử lý chỉ diễn ra khi “sự đã rồi”.
Phó Trưởng ban Quản lý Khu di tích Cổ Loa Lê Viết Dũng cho biết, theo quy định chức năng nhiệm vụ, Ban chỉ quản lý các điểm di tích trong khu vực thành Nội cùng một vài địa điểm khác với tổng diện tích 40ha. Khu vực còn lại của di tích với hơn 860ha do UBND xã Cổ Loa quản lý. Vì vậy, những sai phạm diễn ra ở khu vực địa phương quản lý, Ban chỉ có thể vận động, nhắc nhở người dân và làm văn bản đề nghị UBND xã xử lý chứ không có quyền xử phạt, đình chỉ.
Trong khi đó, theo Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội Phan Duy Thắng, giá trị của Khu di tích Cổ Loa không chỉ nằm ở các điểm di tích đình, đền thờ mà còn là các vòng thành và hào cổ. Tuy nhiên, những khu vực này hiện chưa được quan tâm dẫn tới những vụ việc xâm hại nghiêm trọng. Bên cạnh công tác bảo tồn gặp không ít khó khăn, việc phát huy giá trị di tích Cổ Loa chưa được thực hiện hiệu quả. Bằng chứng là, trung bình mỗi năm, Khu di tích chỉ có khoảng 130.000 du khách tới tham quan.
Trước thực trạng trên, UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị Khu di tích Cổ Loa giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn đến năm 2030 cho mục tiêu bảo tồn nguyên vẹn tình trạng hiện nay của các công trình, phục hồi một số đoạn tường thành, xây dựng kế hoạch bảo tồn phù hợp đối với mỗi loại hình. UBND thành phố yêu cầu các cơ quan liên quan xác định nguy cơ, đề xuất biện pháp giải quyết triệt để những yếu tố có thể làm ảnh hưởng tới giá trị của khu di tích; xây dựng phương án bảo vệ di tích hài hòa với nhu cầu phát triển về môi trường, du lịch, bảo đảm điều kiện sống của dân cư trong khu vực; nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác quản lý và bảo vệ di tích gắn với quyền lợi, trách nhiệm của người dân địa phương.
Ông Lê Viết Dũng cho biết, Kế hoạch nói trên sẽ góp phần gỡ khó cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cổ Loa giai đoạn hiện nay. Trước mắt, Ban Quản lý sẽ xây dựng kế hoạch khảo sát, kiểm tra, theo dõi, đánh giá tình trạng kỹ thuật các di tích kiến trúc và hệ thống thành hào để có phương án bảo vệ hiệu quả hơn.
Với công tác quản lý dân cư và sức ép của sự phát triển, đơn vị sẽ phối hợp với các ban, ngành và chính quyền địa phương đẩy nhanh công tác di dời các hộ dân sinh sống trong các khu vực bảo vệ, nghiên cứu điều chỉnh các tuyến giao thông trong khu vực di tích.
Để bảo tồn và phát triển bền vững giá trị di sản Cổ Loa, rõ ràng cần có những giải pháp trước mắt cũng như lâu dài nhằm giải quyết bài toán mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển. Đặc biệt, cần có sự thay đổi trong tư duy bảo tồn, xác định vùng lõi, trọng tâm của bảo vệ là toàn bộ các vòng thành chứ không chỉ riêng khu vực thành Nội như cách làm hiện nay; tập trung khai thác các lợi thế riêng có của Cổ Loa để làm du lịch, giúp di sản phát triển bền vững. Cùng với đó, quá trình triển khai cần tính đến quyền lợi, trách nhiệm của người dân, để họ tham gia góp ý kiến cũng như tham gia vào quá trình thực thi bảo tồn, phát huy giá trị di sản.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.