Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đánh giá thực phẩm từ “đầu nguồn”

Thu Trang| 08/01/2015 06:34

(HNM) - Ngày 7-1, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đã chủ trì cuộc họp về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội năm 2015. Ý kiến chung cho thấy, để ngăn chặn thực phẩm giả, kém chất lượng tràn vào thành phố trong dịp lễ, Tết sắp tới,

Thực phẩm bày bán tại các chợ dân sinh được bảo quản không đúng quy định luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Ảnh: Bá Hoạt



Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, trong dịp Tết Dương lịch vừa qua, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã tiến hành kiểm tra đối với 21 cơ sở (gồm có 10 nhà hàng, 9 cơ sở sản xuất nước mắm và 2 cơ sở sản xuất rượu), xử phạt 5 cơ sở với số tiền phạt hơn 39 triệu đồng; đồng thời lấy 14 mẫu (gồm 11 mẫu nước mắm và 3 mẫu rượu) để kiểm nghiệm. Tuyến quận, huyện, xã, phường cũng tổ chức kiểm tra hơn 1.900 cơ sở kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống; xử lý 28 cơ sở vi phạm với số tiền phạt là hơn 119 triệu đồng. Từ nay đến hết tháng 3-2015, các đoàn thanh - kiểm tra liên ngành vệ sinh ATTP sẽ tăng cường kiểm tra tại các điểm "nóng".

Lập đường dây nóng “tố” thực phẩm “bẩn”

Những năm gần đây, công tác quản lý ATTP có nhiều chuyển biến, đặc biệt trong năm 2014, trên địa bàn thành phố không có vụ ngộ độc thực phẩm lớn. Tuy nhiên, thực phẩm “bẩn”, không nguồn gốc vẫn đang len lỏi khắp nơi. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để kiểm soát tận gốc vấn đề này?

Theo Sở Công thương Hà Nội, công tác bảo đảm ATTP dịp Tết đã được đơn vị triển khai từ tháng 10. Trong tháng 12 vừa qua, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện và ngăn chặn khoảng 15 tấn thịt trâu không nguồn gốc, gian thương chuẩn bị gắn mác thịt bò nhằm tuồn ra thị trường. Theo tờ khai hải quan, một cân thịt trâu được nhập với giá 40.000 đồng, nếu “đội lốt” thịt bò sẽ có giá hơn 200.000 đồng/kg. Điều khiến người tiêu dùng lo ngại là loại “thịt trâu đội lốt thịt bò” này thường được ngâm tẩm hóa chất, gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người tiêu dùng. “Không đơn vị nào nắm rõ cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng giả, không bảo đảm an toàn bằng chính quyền địa phương. Khi hàng xóm sản xuất hàng giả, hàng nhái, hộ gia đình lân cận sẽ là người rõ nhất. Vì vậy, trên mỗi địa bàn cần lập đường dây nóng để chính người dân cung cấp thông tin cho chính quyền sở tại” - Sở Công thương Hà Nội kiến nghị.

Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo liên ngành trung ương về vệ sinh ATTP, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu UBND TP Hà Nội triển khai lắp đặt thiết bị xét nghiệm ATTP tại một số chợ, siêu thị để cung cấp dịch vụ kiểm tra nhanh cho người dân. Về vấn đề này, theo ông Ngô Đại Ngọc, đến nay, đơn vị vẫn chưa có nhiều thông tin về loại thiết bị xét nghiệm nhanh. Hơn nữa, tính pháp lý của kết quả xét nghiệm nhanh là vấn đề dễ gây tranh luận bởi các test xét nghiệm nhanh chỉ cho kết quả định tính, mang ý nghĩa tham khảo; khi có mẫu nghi ngờ không đạt chuẩn thì cần tiếp tục làm xét nghiệm định lượng tại phòng xét nghiệm rồi mới có thể đưa ra kết luận chính thức.

Với mong muốn triển khai trang bị máy xét nghiệm nhanh tại các chợ, siêu thị… để người dân có thể tự kiểm tra độ an toàn của thực phẩm, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Bích Ngọc yêu cầu Sở NN&PTNT Hà Nội nghiên cứu hai phương án. Một là tìm hiểu, mua máy xét nghiệm để đặt tại các chợ, siêu thị; hai là mua xe lưu động có trang bị máy xét nghiệm nhanh và tiến hành triển khai luân phiên tại các chợ đầu mối, siêu thị, đại lý cung cấp thực phẩm lớn.

Kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm


Để kiểm soát chất lượng thực phẩm, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi và mùa lễ hội 2015 sắp tới, UBND TP Hà Nội thành lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP do lãnh đạo các sở Y tế, Công thương, NN&PTNT làm trưởng đoàn. Tuy nhiên, việc tìm ra cách thức kiểm tra mang lại hiệu quả cao, có thể giúp xử lý dứt điểm các vi phạm, không để xảy ra tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”… vẫn đang là câu hỏi lớn.

Theo nhận định của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc, trong thời gian qua, dù công tác thanh tra, kiểm tra ATTP đã được tăng cường nhưng hiệu quả chưa cao. Trên thực tế, trong công tác kiểm tra vẫn xảy ra tình trạng “nể nang” khiến hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra ATTP chưa như mong muốn. Do đó, trong dịp Tết năm nay, công tác thanh tra, kiểm tra ATTP phải có sự thay đổi. Các đoàn liên ngành cần thực hiện kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào 3 khâu quan trọng là sản xuất, lưu thông và tiêu dùng, đặc biệt phải truy tận cùng nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm vi phạm để xử lý triệt để. Để công tác thanh tra, kiểm tra đạt được hiệu quả cần thiết thì phải thường xuyên kiểm tra đột xuất. Các đoàn kiểm tra phải vào tận nơi sản xuất, chế biến để kiểm tra, đánh giá chính xác chất lượng thực phẩm “đầu nguồn”… Mặt khác, cần phải gắn trách nhiệm của từng cá nhân trong ban chỉ đạo với địa bàn cụ thể. Ngoài các đoàn kiểm tra liên ngành, các sở, ngành cần lập đoàn kiểm tra cơ động, tăng cường các chốt kiểm dịch thú y, kiểm tra thực phẩm từ địa phương khác đưa vào Hà Nội.

Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh: Hà Nội kiên quyết không để xảy ra ngộ độc thực phẩm. Các ngành và từng quận, huyện, xã, phường phải tập trung lực lượng, thực hiện nhiệm vụ một cách nghiêm túc.

Phó Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội Ngô Đại Ngọc: Liên quan đến công tác bảo đảm ATTP, khó khăn lớn nhất đối với thành phố hiện nay nằm ở khâu giết mổ gia súc, gia cầm. Cơ quan chức năng, dù đã cố gắng nhưng vẫn không thể kiểm soát nổi lò mổ tư nhân, lò mổ "chui", gây ảnh hưởng đến môi trường, chất lượng vệ sinh ATTP… Thêm vào đó, trong tổng số 12.000ha rau sạch mà thành phố sở hữu, ngành chức năng mới dán tem chứng nhận rau an toàn cho khoảng 5.000ha, với số còn lại thì chưa thể kiểm soát được chất lượng.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đánh giá thực phẩm từ “đầu nguồn”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.