Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đối với thế giới

Thu Hằng| 18/12/2020 10:16

(HNMO) - Ngày 18-12, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Đại dịch Covid-19 và những tác động cơ bản đối với thế giới” nhằm trao đổi, làm rõ những tác động cơ bản của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế và chính trị thế giới, từ đó phân tích cơ hội và thách thức đối với phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam trong những năm tới.

Gần 400 đại biểu là các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách, nhà doanh nghiệp tham dự diễn đàn.

Tại diễn đàn, các đại biểu tập trung thảo luận những nhóm vấn đề: Tác động của đại dịch Covid-19 đối với tình hình chính trị - kinh tế, ngoại giao, an ninh, xã hội và quan hệ quốc tế trên thế giới; tác động của đại dịch Covid-19 đối với một số khu vực, đặc biệt là khu vực châu Á, châu Âu và một số nước điển hình trên thế giới như: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, các quốc gia Đông Nam Á; kinh nghiệm quốc tế ứng phó với đại dịch Covid-19 và phản ứng chính sách của Việt Nam trước những biến đổi của thế giới trong và sau đại dịch Covid-19.

Đánh giá về cục diện thế giới hậu Covid-19, GS.TS Phạm Quang Minh, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, Covid-19 đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang một trật tự thế giới chia rẽ hơn, trong đó các nguyên tắc tổ chức của hệ thống quốc tế không rõ ràng. Cả Trung Quốc và Hoa Kỳ đều không khẳng định được sự vượt trội trong đại dịch Covid-19 với tư cách là “người chiến thắng” để có thể thay đổi đáng kể cán cân quyền lực thế giới theo hướng có lợi cho mình.

PGS.TS Cù Chí Lợi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Mỹ, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cũng cho rằng, đại dịch Covid-19 là một cuộc đại khủng hoảng mà thế giới đang phải gánh chịu với những hậu quả to lớn. Cùng với những tác động về dịch tễ và y tế, các ảnh hưởng chính trị và kinh tế toàn cầu sẽ rất sâu sắc. Một điều chắc chắn là thế giới sẽ bước vào giai đoạn mới thiếu ổn định, gia tăng căng thẳng, và xu thế hợp tác phát triển, quản trị toàn cầu sẽ khó khăn hơn... 

Nhận xét về an ninh, chính trị Đông Nam Á sau năm 2020 trong bối cảnh Covid-19, TS Nghiêm Tuấn Hùng, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, trong tương lai gần, các quốc gia Đông Nam Á muốn hợp tác quốc tế nhiều hơn để giải quyết đại dịch và các tác động kinh tế, chính trị, xã hội của nó. Các nước Đông Nam Á cần nhìn xa hơn làn sóng đầu tiên của đại dịch để hướng tới đối phó với đại dịch trong một tương lai bất định và khó khăn hơn. 

Trong khi đó, cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ đi theo hướng gia tăng với sự hiện diện và quyết đoán hơn từ Trung Quốc, hạn chế đáng kể sự hợp tác giữa hai siêu cường trên thế giới. Điều này chắc chắn sẽ làm sâu sắc thêm các mối quan ngại của các nước Đông Nam Á về tác động từ cạnh tranh Hoa Kỳ - Trung Quốc.

Những phân tích khoa học từ diễn đàn đã xây dựng một bức tranh toàn cảnh về tác động của đại dịch Covid-19 đến các khía cạnh kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội ở cấp độ toàn cầu, khu vực, và quốc gia và đề xuất các giải pháp, chính sách để thích nghi với sự biến đổi của đại dịch, đóng góp cho chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đối với thế giới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.