(HNMO) - Ngày 29-1, Đoàn công tác của Chính phủ do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ dẫn đầu đã làm việc với UBND TP Hà Nội về công tác thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài (FDI).
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cùng lãnh đạo HĐND, UBND thành phố, các cơ quan liên quan của thành phố tiếp đoàn.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc. |
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, mục đích làm việc của Đoàn công tác là nghiên cứu, khảo sát, đánh giá kết quả thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài nhằm hoàn thiện Đề án về "Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút, sử dụng đầu tư nước ngoài đến năm 2030" trình Bộ Chính trị.
Báo cáo của UBND thành phố cho biết, những năm qua và đặc biệt là năm 2018, Hà Nội tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, qua đó, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện rõ nét, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đầu tư trên địa bàn Thủ đô. Tính đến hết ngày 31-12-2018, thành phố có gần 4.500 dự án còn hiệu lực thực hiện với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 36,6 tỷ USD, trong đó: Giai đoạn 1989-2005 thu hút được 10,95 tỷ USD; giai đoạn 2006-2014 thu hút 15,22 tỷ USD; giai đoạn 2015-2018 thu hút được 15,11 tỷ USD. Năm 2018, thu hút vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn đạt 7,5 tỷ USD, lần đầu tiên đứng đầu cả nước sau hơn 30 năm mở cửa và hội nhập. Vốn thực hiện đã giải ngân lũy kế đạt khoảng 18,9 tỷ USD, chiếm 52,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Về hình thức đầu tư, số dự án có 100% vốn nước ngoài chiếm đến 80%, còn lại là liên doanh và hợp đồng hợp tác kinh doanh. Lĩnh vực thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất là bất động sản (chiếm 29,53%), tiếp đến là công nghiệp chế biến chế tạo, thông tin truyền thông. Hiện, Nhật Bản là quốc gia đứng đầu về quy mô vốn đầu tư với khoảng 10,2 tỷ USD, tiếp đến là Singapore với khoảng 6 tỷ USD, đứng thứ ba là Hàn Quốc với 5,48 tỷ USD...
Tại buổi làm việc, các ý kiến tham luận cũng đã chỉ ra những khó khăn trong việc thu hút FDI, trong đó, có việc thiếu chiến lược, quy hoạch trong thu hút, tiếp nhận FDI. Quy định pháp luật ở một số lĩnh vực liên quan còn chồng chéo, thiếu nhất quán. Quy mô vốn FDI nhìn chung còn nhỏ. Hiện tượng giao dịch liên kết, chuyển giá, người nước ngoài đầu tư "chui" vẫn còn. Bên cạnh tiếp nhận nguồn vốn, việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản lý chưa hiệu quả...
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, thu hút đầu tư nước ngoài của Hà Nội 3 năm qua có nhiều khởi sắc. Đó là do thành phố đã xác định rõ các dự án còn vướng mắc để cùng nhà đầu tư tháo gỡ, tạo điều kiện cho các dự án có thể mở rộng.
Về kêu gọi đầu tư vào các dự án mới, thành phố chủ động trao đổi sớm với các nhà đầu tư qua nhiều kênh khác nhau, tiếp xúc trực tiếp với lãnh đạo cấp cao của đối tác; nắm bắt xu thế phát triển của các ngành nghề để định hướng thu hút; tập trung giải quyết thủ tục hành chính qua mô hình "một cửa"... Hằng năm, Hà Nội đều tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư. Tại đây, thành phố thể hiện mong muốn hợp tác với các nhà đầu tư như một đối tác tin cậy và sẵn sàng tạo điều kiện tốt nhất để hai bên hợp tác bình đẳng, hiệu quả.
Đóng góp một số ý kiến kiến nghị với Đoàn công tác, Chủ tịch UBND thành phố cho rằng, công tác xúc tiến đầu tư cần được tiến hành theo nhiều hướng, tiếp cận các nhóm doanh nghiệp, từng nhà đầu tư. Đồng chí Nguyễn Đức Chung cũng đề xuất xây dựng mô hình "thành phố công nghiệp" tích hợp các dịch vụ phụ trợ để phục vụ người lao động, nhất là nhân lực chất lượng cao. Theo Chủ tịch UBND thành phố, việc thu hút đầu tư công nghệ cao phải đi đôi với cơ chế, chính sách về nguồn nhân lực; tiêu chuẩn chất lượng; chính sách chuyển giao công nghệ; hỗ trợ về giá, chính sách ưu đãi về hạ tầng đối với ngành, nghề sử dụng công nghệ cao...
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cũng cho rằng, về lâu dài, cần quy hoạch vùng kinh tế để thu hút các nhóm nhà đầu tư nước ngoài khác nhau. Các địa phương cũng cần chủ động hợp tác để tham gia vào các chuỗi hàng hóa toàn cầu; chủ động nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tạo điều kiện hoạt động cho các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài; có chiến lược xây dựng các ngành công nghiệp phụ trợ.
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao Hà Nội đã chuẩn bị cho buổi làm việc rất nghiêm túc, các ý kiến phát biểu chi tiết, chất lượng, nêu được những vấn đề cần đóng góp cụ thể với đề án, gắn liền với thực tiễn thành phố. Phó Thủ tướng nhận định, sau 30 năm thu hút FDI, trong thành công chung của cả nước, Hà Nội có sự thành công vượt trội, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và Thủ đô. Ngoài ra, tỷ trọng vốn FDI giảm trong tổng thể thu hút vốn chung cho thấy, việc thu hút nguồn lực trong nước cũng được đẩy mạnh, tránh lệ thuộc vào nước ngoài...
Qua thực tiễn tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, trong giai đoạn tới, với bối cảnh, yêu cầu, thuận lợi cũng như thách thức mới đặt ra đòi hỏi phải đổi mới tư duy trong thu hút và sử dụng FDI. Việc đổi mới tư duy cần được thể hiện qua việc chuyển từ tăng cường thu hút đầu tư sang đẩy mạnh hợp tác đầu tư phát triển toàn diện, coi nhà đầu tư là đối tác, thể hiện qua sự trân trọng, cầu thị theo văn hóa Việt Nam. Hướng thu hút đầu tư cũng phải đổi mới, có chọn lọc với những tiêu chí mới, trong đó đặc biệt đặt yêu cầu cao hơn với đầu tư công nghệ. Trong xúc tiến đầu tư phải chú trọng đến yếu tố dài hạn, nắm bắt nhu cầu của thế giới, chuyển từ số lượng sang chất lượng, có trọng điểm.
Thông qua việc khảo sát tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu, các bộ, ngành tiếp thu để xây dựng Đề án về "Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút, sử dụng đầu tư nước ngoài đến năm 2030" chất lượng và sâu sắc hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.