(HNMO) - Ngày 14-8, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố Hà Nội tổ chức tuyên truyền Luật Quốc phòng, Luật An ninh mạng nhằm giúp lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã và các cơ quan báo chí của Hà Nội nắm vững các quy định của pháp luật về quốc phòng, an ninh mạng.
Cung cấp thông tin cho các đại biểu, đại diện Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết, Luật An ninh mạng có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019, gồm 7 chương, 43 điều quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Đáng chú ý, tại Điều 8, Luật An ninh mạng quy định 6 nhóm hành vi bị nghiêm cấm thực hiện trên không gian mạng, có thể kể đến như: Tổ chức, hoạt động, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước; xuyên tạc lịch sử, xúc phạm tôn giáo, kỳ thị giới tính, phân biệt chủng tộc; mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, phá hoại thuần phong mỹ tục; thông tin bịa đặt sai sự thật; kinh doanh đa cấp, đánh bạc…
Người nào có hành vi vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Về vấn đề kiểm soát thông tin trên mạng, luật quy định, lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng chỉ được phép tiếp cận thông tin cá nhân của người sử dụng có hoạt động vi phạm pháp luật, với trình tự, thủ tục nghiêm ngặt (bằng văn bản), được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng nếu lạm dụng, làm lộ thông tin cá nhân của người sử dụng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Cũng tại hội nghị, đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Quốc phòng) đã phổ biến đến các đại biểu những nội dung chính, điểm mới của Luật Quốc phòng năm 2018, có hiệu lực từ ngày 1-1-2019.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.