Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đáng ngại hàng nhái ở làng nghề

Hoàng Minh - Trung Nguyên| 08/01/2020 07:10

(HNM) - Những ngày gần Tết Nguyên đán, phóng viên Báo Hànộimới đã đến làng nghề sản xuất túi, ví da xã Sơn Hà (huyện Phú Xuyên); làng nghề may mặc xã Tam Hiệp (huyện Phúc Thọ); làng nghề sản xuất bánh kẹo, thực phẩm xã La Phù (huyện Hoài Đức), chứng kiến có rất nhiều sản phẩm giả, nhái nhãn mác, vi phạm sở hữu trí tuệ được mua, bán công khai. Thực trạng đáng ngại này đòi hỏi các cấp chính quyền và lực lượng chức năng phải tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, xử phạt nghiêm, đi đôi với xây dựng thương hiệu giúp làng nghề phát triển bền vững.

Giả thương hiệu nổi tiếng

Những ngày đầu tháng 1-2020 (tức tháng Chạp năm Kỷ Hợi 2019), phóng viên Báo Hànộimới đã về làng nghề sản xuất và kinh doanh túi xách, ví da thôn Thao Nội, Thao Ngoại, xã Sơn Hà (huyện Phú Xuyên). Khác với những ngày trước, có tới 95% cửa hàng, xưởng sản xuất đóng cửa im ỉm. Tìm hiểu được biết, thời gian gần đây, lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý các hộ kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu các hãng nổi tiếng, nên các hộ kinh doanh tạm thời đóng cửa để nghe ngóng; tuy nhiên, với các mối khách quen, họ vẫn bán hàng bình thường…

Tại xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ, các mặt hàng quần áo gắn mác một số thương hiệu nổi tiếng vẫn bày bán.

Tìm mãi, chúng tôi cũng thấy một cửa hàng mở cửa. Trong vai người mua buôn túi, chúng tôi được nữ nhân viên cửa hàng H.Y (làng Thao Ngoại) đon đả mời chào những mẫu túi mang thương hiệu các hãng nổi tiếng như: Louis Vuitton, Chanel, Dior, Gucci... với mức giá chỉ từ 80.000 đến 150.000 đồng/chiếc. Thấy chúng tôi ngạc nhiên vì giá quá rẻ, chủ cửa hàng phân bua: “Hàng do làng nghề sản xuất nên mới có giá mềm như vậy, nhưng chất lượng thì chị bao luôn. Nếu mua buôn với số lượng lớn sẽ chiết khấu cao hơn...".

Rời Sơn Hà, chúng tôi đến xã Tam Hiệp (huyện Phúc Thọ) - nơi có nghề may mặc rất phát triển. Tại đây, nhiều cửa hàng nối tiếp nhau bán quần áo may sẵn đủ chủng loại; khách ra, vào mua buôn hàng tấp nập. Tại các cửa hàng, rất nhiều mặt hàng quần áo có dấu hiệu giả mạo các hãng thời trang nổi tiếng thế giới như: Nike, Adidas, Uniqlo… được bày bán công khai. Anh Nguyễn Văn Thanh, xã Ngọc Mỹ (huyện Quốc Oai) - người mua buôn quần áo - giải thích, mặc dù biết sản phẩm giả mạo các thương hiệu thời trang nổi tiếng, nhưng do giá rẻ, mẫu mã, màu sắc bắt mắt nên vẫn thu hút được nhiều tiểu thương mua.

Còn tại làng nghề La Phù (huyện Hoài Đức), dọc hai bên đường là san sát các cửa hàng bán buôn những mặt hàng thực phẩm, bánh kẹo, rượu bia, giấy ăn, giấy vệ sinh, đồ chơi trẻ em, hóa mỹ phẩm… Các cửa hàng chủ yếu bán buôn với số lượng lớn nên khách mua lẻ không được chào mời. Trao đổi với Phó Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 24 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phụ trách địa bàn huyện Hoài Đức Vương Bá Dũng, chúng tôi được biết, gần 100% lượng hàng hóa vi phạm do đội kiểm tra, phát hiện, thu giữ trong đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả dịp trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đều ở xã La Phù.

Cần sự quyết liệt

Thực tế 3 xã mà phóng viên khảo sát vốn khá "nổi tiếng" với sản phẩm hàng nhái. Vi phạm này đã kéo dài nhưng vẫn không bị xử lý dứt điểm. Thừa nhận thực trạng buôn bán, sản xuất hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ nhưng chính quyền cơ sở cho rằng không có cách nào giải quyết triệt để. Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp (huyện Phúc Thọ) Trần Anh Tuấn và Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hà (huyện Phú Xuyên) Bùi Văn Thắng nêu bất cập: Thẩm quyền của xã chỉ tuyên truyền, phổ biến pháp luật để doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân hiểu rõ tác hại của việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Chính quyền xã không có thẩm quyền xử phạt, cũng không có chuyên môn để làm rõ nhãn mác được các hộ gắn vào sản phẩm có vi phạm quyền sở hữu trí tuệ hay không. Khi được hỏi trên địa bàn các xã có bao nhiêu cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, đại diện chính quyền các xã đều không nắm rõ?!

Còn theo ông Vương Bá Dũng, khó khăn nhất trong công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ là các đối tượng hoạt động rất tinh vi. Hơn nữa, lợi nhuận từ sản xuất, kinh doanh hàng giả rất lớn, nên nhiều đối tượng bất chấp quy định của pháp luật để vi phạm. Và không ít người tiêu dùng, vì giá rẻ, vẫn chấp nhận sử dụng hàng giả, hàng nhái.

Nói về giải pháp, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, đấu tranh chống sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ là công việc rất khó khăn. Cục đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ chủ động phối hợp kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh hàng hóa nhằm ngăn chặn, từng bước kiểm soát hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ trên địa bàn thành phố. Ở góc độ địa phương, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hà Bùi Văn Thắng thông tin thêm: "Nghề gia công túi, ví da du nhập về xã từ năm 2012. Xã đang đề xuất huyện Phú Xuyên hỗ trợ xây dựng thương hiệu làng nghề với lộ trình đến năm 2021, để từ đó góp phần tăng cường quản lý, ngăn chặn việc sản xuất hàng giả, hàng nhái".

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn, UBND thành phố đã chỉ đạo Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với lực lượng chức năng đẩy mạnh kiểm tra, ngăn chặn, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại trong dịp Tết Nguyên đán. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, phổ biến pháp luật đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa, nhất là tại các làng nghề; vận động các hộ ký cam kết không sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng cấm, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Vẫn biết, việc xử lý hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Nhưng trước những gì đang diễn ra tại 3 làng nghề, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng, không chỉ kiểm tra, xử phạt mà nên có một cuộc khảo sát đánh giá mức độ vi phạm để có giải pháp đồng bộ, phù hợp. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng cần tìm giải pháp hỗ trợ các cơ sở sản xuất xây dựng thương hiệu riêng để làng nghề phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đáng ngại hàng nhái ở làng nghề

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.