(HNM) - Ngày 3-3-2012, ông Phạm Quang Kính tròn 80 tuổi. Vốn là người cẩn thận, từ ngày 10-5-2011, ông đã đến UBND phường Cửa Nam đăng ký thủ tục nhận chế độ trợ cấp hằng tháng cho người cao tuổi.
Ngặt một nỗi, tuy ông có hộ khẩu thường trú tại 18 phố Thợ Nhuộm (phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm), nhưng gia đình ông đã tạm trú tại số 20 khu tập thể 310, tổ 17 phường Phúc Đồng, quận Long Biên từ năm 2003. Bởi vậy, UBND phường Cửa Nam xác nhận vào đơn của ông Kính: "Không có lương hưu, chưa hưởng chế độ trợ cấp người cao tuổi và chuyển UBND phường sở tại giải quyết".
Theo chỉ dẫn, ông Kính đến UBND phường Phúc Đồng. Cán bộ chính sách phường ghi vào đơn: "Không thể làm chế độ cho ông Kính, vì không có hộ khẩu thường trú tại phường Phúc Đồng".
Tuổi cao, đi lại khó khăn, ông Kính ủy quyền cho con trai và con dâu đi tiếp. Hai lần nữa đến UBND phường Cửa Nam, các con ông nhận được câu trả lời: Các văn bản hướng dẫn Luật Người cao tuổi không có quy định cụ thể UBND cấp xã, phường nơi có hộ khẩu thường trú hay nơi cư trú dài hạn giải quyết chế độ này, nên từ trước đến nay phường Cửa Nam chỉ giải quyết cho những người cư trú tại đây để tiện cho công tác quản lý và hưởng chế độ của các cụ. Còn phường Phúc Đồng thì vẫn kiên quyết chỉ giải quyết cho người có hộ khẩu thường trú.
Theo Nghị định 06/2011/NĐ-CP ngày 14-1-2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Người cao tuổi, từ tháng 3-2012 ông Kính đã được hưởng trợ cấp hằng tháng đối với người cao tuổi. Vậy mà đến nay đã gần hết tháng 3, gia đình ông vẫn phải chạy loanh quanh giữa hai phường mà không biết phải đăng ký ở đâu để được hưởng quyền lợi chính đáng của mình?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.