Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đảng bộ thành phố Hà Nội: Tiên phong - Cách mạng - Bản lĩnh - Trí tuệ - Đoàn kết

Dũng Hà| 02/03/2020 06:35

LTS: Cách đây 90 năm, ngày 17-3-1930, tại số nhà 42 phố Hàng Thiếc, Đảng bộ thành phố Hà Nội được thành lập, trực tiếp lãnh đạo các phong trào cách mạng ở Thủ đô. Từ đó đến nay, Đảng bộ Hà Nội đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, lãnh đạo quân và dân Thủ đô giành được những thành tựu đặc biệt quan trọng. Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng bộ thành phố Hà Nội, từ số báo này, Báo Hànộimới trân trọng giới thiệu với bạn đọc loạt bài viết: “Đảng bộ thành phố Hà Nội: TIÊN PHONG - CÁCH MẠNG - BẢN LĨNH - TRÍ TUỆ - ĐOÀN KẾT".

Di tích nhà số 5D Hàm Long - nơi thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên, trở thành địa chỉ tham quan, tìm hiểu lịch sử cách mạng của thế hệ trẻ.   Ảnh: Nam Nguyễn

Bài 1: Đến với chủ nghĩa Mác - Lênin là tất yếu lịch sử

Thành phố Hà Nội với vị trí là một trung tâm văn hóa, chính trị, đầu mối giao thông quan trọng của cả nước nên luôn nhạy cảm trước sự thay đổi của thời cuộc. Những trí thức trẻ ở đây đã sớm tiếp thu ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại và tất yếu đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, đi theo con đường Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã lựa chọn.

Từ phong trào yêu nước...

Không lâu sau khi Cách mạng Tháng Mười Nga (năm 1917) thành công, lập ra nhà nước Xô viết đầu tiên trên thế giới, các sách báo, tài liệu từ Pháp, Trung Quốc gửi về đã được thanh niên, học sinh yêu nước, tiêu biểu là các đồng chí: Ngô Gia Tự, Trịnh Đình Cửu, Đỗ Ngọc Du, Nguyễn Phong Sắc, Lều Thọ Nam, Trần Tích Chu, Nguyễn Văn Cừ, Phạm Văn Đồng... bí mật tìm đọc, bất chấp sự khủng bố của thực dân Pháp. Trong khi đó, cuối năm 1924, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu (Trung Quốc) hoạt động, trực tiếp chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho cách mạng Việt Nam.

Tháng 6-1925, từ nhóm cách mạng đầu tiên, Nguyễn Ái Quốc lập ra tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên nhằm tập hợp những thanh niên yêu nước tiến bộ ở Việt Nam có xu hướng cộng sản chủ nghĩa và mở lớp huấn luyện chính trị, đào tạo cán bộ cho phong trào. Ở Hà Nội, số học sinh bãi khóa sang Quảng Châu học khá đông. Trong đó có các đồng chí: Đỗ Ngọc Du, Nguyễn Sơn, Ngô Gia Tự, Trần Tích Chu, Trần Đăng Huyến, Phạm Văn Đồng, Trịnh Đình Cửu… Sau khi học xong, nhiều người đã về nước hoạt động. Hà Nội từ đó trở thành nơi đưa đón thanh niên từ trong nước sang Quảng Châu dự lớp huấn luyện và từ Quảng Châu về nước hoạt động. Những hội viên thanh niên ban đầu đã truyền bá tư tưởng cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin vào trong nước và địa bàn Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây. Sự kiện đó có ý nghĩa quyết định đối với phong trào cách mạng của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.

Tiếp thu tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin cùng với tinh thần yêu nước, ở Hà Nội giai đoạn 1925-1927, một phong trào ái quốc bùng lên mạnh mẽ, lôi cuốn đông đảo các tầng lớp nhân dân lao động liên tiếp xuống đường đấu tranh đòi tự do, dân chủ như: Phong trào đòi Pháp ân xá cụ Phan Bội Châu, để tang cụ Phan Chu Trinh, lễ tưởng niệm cụ Lương Văn Can…

Phong trào yêu nước trong những năm 1925-1926 ở Hà Nội đã tác động đến nhiều vùng ở Hà Đông, Sơn Tây, trực tiếp và mạnh hơn cả là ở các huyện: Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Trì, Ứng Hòa… Đây là vùng tiếp cận thành phố Hà Nội, đồng thời cũng có đông thanh niên, trí thức chịu ảnh hưởng trực tiếp, sâu sắc từ phong trào yêu nước của các nhà Nho đầu thế kỷ XX. Những thanh niên yêu nước tự tập hợp lại thành từng nhóm, mỗi nhóm như một trung tâm của các hoạt động yêu nước ở mỗi vùng: Nhóm Vân Canh, nhóm La - Mỗ, nhóm Dịch Vọng (Hoài Đức), nhóm Đông Phù (Thanh Trì), nhóm Họa Đống (Ứng Hòa), nhóm Yên Trường (Chương Mỹ)… Ở Sơn Tây, đồng chí Nguyễn Thị Lệ được giác ngộ cách mạng tham gia tổ chức tại Hà Nội và mang truyền đơn về rải ở thị xã, đưa sách báo tuyên truyền đến một số người dân.

Tháng 6-1927, Tỉnh bộ Việt Nam Cách mạng thanh niên của Hà Nội được thành lập, gồm 3 người: Nguyễn Danh Đới, Mai Lập Đôn và Nguyễn Phong Sắc. Đồng chí Nguyễn Danh Đới làm Bí thư Kỳ bộ Bắc kỳ, kiêm Bí thư Tỉnh bộ Hà Nội. Trong các năm 1928-1930, Tỉnh bộ đã phát triển lên đến 200 người ở Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây, thành phần chủ yếu là tiểu tư sản thành thị, công nhân, nông dân.

Phong trào cách mạng lên cao, thực dân Pháp tăng cường khủng bố những người yêu nước. Nhiệm vụ bức thiết của những người mác xít trong Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên lúc này là đấu tranh chống lại những âm mưu thâm độc của Pháp và tay sai, chống lại những ảnh hưởng của tư sản và tiểu tư sản, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin trong phong trào cách mạng gắn chặt với xây dựng các tổ chức cơ sở của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên trong công nhân và nông dân, đặt nền tảng cho các tổ chức cộng sản sau này.

... đến chi bộ cộng sản đầu tiên

Ngày 28-9-1928, Kỳ bộ Thanh niên Bắc kỳ đã họp Đại hội đại biểu toàn kỳ lần thứ nhất, bầu Ban Chấp hành gồm các đồng chí: Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Phong Sắc, Trần Văn Cung, Đỗ Ngọc Du, Trịnh Đình Cửu… Đồng chí Trần Văn Cung được phân công làm Bí thư. Sau khi xem xét tình hình, Đại hội chủ trương tăng cường hơn nữa công tác vận động quần chúng, đi sâu vào công, nông, đặc biệt là công nhân. Các hội viên thanh niên đã đi vào nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ cùng ăn, ở và làm việc như công nhân, vừa để tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, vừa rèn luyện, nâng cao tư tưởng và ý thức giai cấp công nhân cho mình, đó là phong trào “vô sản hóa”.

Sau đại hội, đầu năm 1929, Tỉnh bộ thanh niên Hà Nội đã tiến hành đại hội và đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Ủy viên Kỳ bộ Thanh niên Bắc kỳ được cử làm Bí thư Tỉnh bộ. Thời điểm này, Tỉnh bộ thanh niên Hà Nội tích cực đưa nhiều hội viên của mình vào các nhà máy, nhà ga, từ thành thị đến nông thôn để tuyên truyền giác ngộ chủ nghĩa cộng sản trong công nhân, nông dân và thợ thủ công.

Chỉ trong thời gian ngắn, Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên ở Hà Nội đã có cơ sở trong nhiều xí nghiệp, nhà máy: Xe lửa Gia Lâm, xưởng sửa chữa ô tô Avina, Nhà máy Diêm, Nhà máy Điện Bờ Hồ, Ga Hàng Cỏ và ở các làng, xã: Ngọc Hà, Trung Kính, Yên Lãng, Thịnh Hào, Khương Thượng, Dịch Vọng, Xuân Đỉnh (Từ Liêm), Đông Phù (Thanh Trì), Ngọc Tảo (Phúc Thọ), Sơn Tây, Hà Đông, Hoài Đức… Phong trào “vô sản hóa” đã trực tiếp đưa chủ nghĩa Mác - Lênin giúp giai cấp công nhân sớm giác ngộ về vai trò và sứ mệnh lịch sử của mình, đưa phong trào cách mạng từ tự phát lên tự giác.

Nhận thức rõ những đòi hỏi của lịch sử và xu hướng phát triển tất yếu của phong trào cách mạng nước ta, tháng 3-1929, những thanh niên tiên tiến trong Ban lãnh đạo Kỳ bộ Thanh niên Bắc kỳ và Tỉnh bộ thanh niên Hà Nội đã bí mật họp ở nhà số 5D Hàm Long (Hà Nội) để thành lập tổ chức cộng sản - Chi bộ 5D Hàm Long. Tiếp đó, ngày 28 và 29-3-1929, Đại hội đại biểu Thanh niên toàn Bắc kỳ họp tại đồn điền Kim Đái, huyện Tùng Thiện, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc xã Kim Sơn, thị xã Sơn Tây). Đại hội nhiệt liệt tán thành chủ trương thành lập Đảng Cộng sản và giao 4 đại biểu, trong đó có Ngô Gia Tự, Trần Văn Cung có nhiệm vụ đấu tranh trước Đại hội Thanh niên toàn quốc về việc thành lập Đảng Cộng sản.

Từ tháng 4 đến tháng 6-1929, các đồng chí: Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Phong Sắc, Đỗ Ngọc Du, Trịnh Đình Cửu dù hoạt động bí mật nhưng vẫn khẩn trương chuẩn bị các văn kiện và điều kiện cần thiết để tiến hành thành lập Đảng. Ngày 17-6-1929, tại số nhà 312 Khâm Thiên, đại biểu các tổ chức cộng sản mới được thành lập ở Bắc kỳ đã họp, quyết định thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng. Như vậy, Chi bộ 5D Hàm Long và Đông Dương Cộng sản Đảng là những tổ chức cộng sản đầu tiên ở trong nước được thành lập tại Hà Nội. Ngay sau đó, công tác tổ chức vận động quần chúng lao động, giai cấp công nhân được Đông Dương Cộng sản Đảng đặc biệt coi trọng.

Sau khi Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời, Thành bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Hà Nội cũng được thành lập và đồng chí Đỗ Ngọc Du, Bí thư Xứ ủy Đông Dương Cộng sản Đảng Bắc kỳ kiêm Bí thư Thành bộ Hà Nội. Tổ chức này có nguyên tắc chặt chẽ và chỉ những hội viên thanh niên hoạt động tích cực nhất, hăng hái nhất mới được chọn lọc vào Đảng, trong đó có các đồng chí: Nguyễn Ngọc Vũ, Đặng Xuân Khu (tức Trường Chinh), Nguyễn Thị Nghĩa, Nguyễn Thị Lựu, Trần Học Hải, Lều Thọ Nam… Công tác vận động quần chúng của Thành bộ Hà Nội càng được đẩy mạnh. Thời gian này, hầu hết các nhà máy, xí nghiệp đã có tổ chức Công hội đỏ. Vùng ngoại thành có nhiều tổ chức Nông hội đỏ được thành lập tại các làng, xã: Ngọc Hà, Bưởi, Mọc, Khương Thượng, Vân Canh, Đông Phù… Sự kiện Đông Dương Cộng sản Đảng và Thành bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Hà Nội thành lập có ảnh hưởng lớn đến phong trào cách mạng cả nước. Ít lâu sau, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản liên đoàn lần lượt ra đời vào mùa thu năm 1929 và tháng 1-1930.

(Theo Các kỳ Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội)

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đảng bộ thành phố Hà Nội: Tiên phong - Cách mạng - Bản lĩnh - Trí tuệ - Đoàn kết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.