Được thành lập theo Quyết định số 1771-QĐ/TU ngày 19-6-2012 của Thành ủy Hà Nội, sau 10 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã đoàn kết, phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thử thách. Những kết quả tích cực mà Đảng bộ đạt được 10 năm qua đã đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội; hoàn thành tốt mục tiêu phát triển các tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.
Nỗ lực vượt khó
Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 27-2-2012 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn từ nay đến năm 2020”, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1771-QĐ/TU thành lập Đảng bộ các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, là đảng bộ cơ sở trực thuộc Thành ủy.
Đảng bộ ra đời trong điều kiện nền kinh tế trong nước và thế giới đang trong giai đoạn khủng hoảng và suy giảm, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn; song được sự quan tâm, lãnh đạo chỉ đạo trực tiếp của Thường trực và Ban Thường vụ Thành ủy, sự giúp đỡ của UBND thành phố, Đảng bộ đã sớm ổn định tổ chức, từng bước thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ chính trị được giao.
Đến ngày 13-4-2016, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Quyết định số 775-QĐ/TU về việc nâng cấp Đảng bộ các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội thành đảng bộ cấp trên cơ sở; tạo tiền đề quan trọng giúp Đảng ủy các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức cơ sở Đảng thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng và đoàn thể nhân dân trong doanh nghiệp tại các khu công nghiệp.
Đại hội đại biểu lần thứ II (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội diễn ra trong hai ngày 31-7 và 1-8-2020, đã tín nhiệm bầu đồng chí Lê Quang Long, Phó Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội làm Bí thư Đảng ủy. Đến ngày 9-11-2021, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã có Quyết định số 4759/QĐ-UBND, bổ nhiệm đồng chí Lê Quang Long làm Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội.
Ngay sau Đại hội, Đảng ủy các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã chỉ đạo các cơ quan tham mưu nghiên cứu, xây dựng và ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ.
Ngay đầu nhiệm kỳ, năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, mặc dù đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến các mặt công tác của Đảng bộ, nhưng với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, Ban Thường vụ Đảng ủy các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã triển khai các biện pháp kịp thời, hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng, quản lý nhà nước tại các khu công nghiệp, bảo đảm bám sát chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội.
Đảng ủy đã kịp thời kiện toàn và phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, từ đó chỉ đạo triển khai đồng bộ các hoạt động phòng, chống dịch; tích cực vận động các doanh nghiệp chung tay ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Công tác quản lý nhà nước, cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh và hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu và nhiệm vụ trọng tâm theo kế hoạch đề ra. Năm 2021, tổng mức thu hút đầu tư tại các Khu công nghiệp - chế xuất đạt 304 triệu USD quy đổi, đạt 100% so với kế hoạch năm 2021, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2020. Doanh thu đạt 7.775 triệu USD, đạt 102,3%, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2020, nộp ngân sách nhà nước 239 triệu USD, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Đảng ủy, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất cũng đã hoàn thành Đề án “Thành lập 2-5 khu công nghiệp mới giai đoạn 2021-2025” và đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 65/QĐ-UBND, ngày 7-1-2022, đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư và phát triển sản xuất công nghiệp, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của thành phố trong thời gian tới.
Cùng với việc triển khai nền nếp các mặt của công tác xây dựng Đảng, Ban Thường vụ Đảng ủy cũng đã nỗ lực triển khai công tác xây dựng, củng cố, phát triển tổ chức Đảng và các đoàn thể trong doanh nghiệp tại các khu công nghiệp. Kết quả, từ tháng 8-2020 đến tháng 5-2022, Đảng ủy đã thành lập mới được 10 tổ chức Đảng, kết nạp được 126 đảng viên, nâng tổng số tổ chức Đảng trực thuộc Đảng ủy là 96 tổ chức, với 1.328 đảng viên. Đảng ủy đã tiếp nhận 2 đảng bộ và 4 chi bộ từ các quận, huyện về sinh hoạt tại Đảng bộ và ra quyết định thành lập Đảng bộ khu công nghiệp Quang Minh trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại các tổ chức cơ sở Đảng tại các Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh)…, qua đó đóng góp tích cực vào những kết quả phát triển chung của Thủ đô Hà Nội.
Hoàn thành tốt những nhiệm vụ chính trị trọng tâm
Qua 10 năm xây dựng và phát triển, với sự nỗ lực, cố gắng không ngừng, Đảng bộ các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã đạt nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực hoạt động.
Thống kê cho thấy, lũy kế đến hết năm 2021, các khu công nghiệp của Hà Nội đã thu hút được trên 700 dự án, trong đó có 303 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 6,43 tỷ USD; 399 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 18.000 tỷ đồng; bình quân 1ha đất thu hút 5,5 triệu USD vốn đăng ký đầu tư.
Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất cũng là một trong những đơn vị được thành phố ghi nhận và đánh giá cao về công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính. Hiện nay, 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban Quản lý thực hiện dịch vụ công mức 3, 4 đồng bộ nhằm kịp thời giải quyết các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp theo hướng nhanh chóng, thuận tiện, giảm chi phí cho doanh nghiệp…
Đáng chú ý, Đảng ủy các Khu công nghiệp và chế xuất đã tập trung lãnh đạo, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TU. Sau 10 năm hoạt động, tính đến tháng 5-2022, số tổ chức Đảng thuộc đảng bộ đã tăng lên 19,2 lần, số đảng viên tăng lên 5,35 lần so với lúc đầu thành lập.
Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Lê Quang Long cho biết, khi mới thành lập, Đảng bộ chỉ có 5 tổ chức Đảng và 248 đảng viên. Đến nay, Đảng bộ đã tiếp nhận 7 tổ chức Đảng từ các quận, huyện; thành lập mới 84 tổ chức Đảng, kết nạp được 998 đảng viên; nâng tổng số tổ chức Đảng trực thuộc Đảng bộ lên 96 tổ chức Đảng, với 1.328 đảng viên. Trong 10 năm qua, Đảng ủy, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy, các cấp ủy Đảng trực thuộc đã tiến hành kiểm tra đối với 166 lượt tổ chức Đảng, 8 đảng viên và giám sát đối với 35 lượt tổ chức Đảng, 35 đảng viên…
Ban Thường vụ Đảng ủy cũng đã tập trung lãnh đạo các đoàn thể chính trị - xã hội nâng cao chất lượng hoạt động, động viên đoàn viên tích cực thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh; chăm lo bảo vệ lợi ích hợp pháp của người lao động, góp phần xây dựng doanh nghiệp ổn định và phát triển.
Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cũng đã tích cực tuyên truyền, vận động thành lập mới được 203 tổ chức Công đoàn cơ sở và phát triển được 134.369 công đoàn viên, nâng tổng số tổ chức công đoàn cơ sở hiện nay lên 315 tổ chức, với 135.460 đoàn viên. Đoàn Thanh niên các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã thành lập mới được 39 tổ chức đoàn cơ sở, phát triển được 2.855 đoàn viên, nâng tổng số tổ chức đoàn cơ sở hiện nay lên 44 tổ chức, với 3.555 đoàn viên…
Trải qua 10 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã không ngừng lớn mạnh, có sự phát triển cả về số lượng, chất lượng tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên; có lực lượng chính trị hùng hậu là đoàn viên, hội viên làm việc trong các doanh nghiệp.
Kết quả này sẽ là tiền đề quan trọng để Đảng bộ tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị được Thành ủy, UBND thành phố giao, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.